Hy hữu: Người đàn ông suy kiệt cơ thể, suýt tử vong vì thói quen kỳ bí

An Nhiên |

Có thói quen xông nhà suốt 10 năm qua, người đàn ông 39 tuổi suýt tử vong vì ngộ độc thạch tín.

Hy hữu: Người đàn ông suy kiệt cơ thể, suýt tử vong vì thói quen kỳ bí - Ảnh 1.

Những dấu hiệu ngộ độc thạch tín trên cơ thể bệnh nhân

Đó là trường hợp của anh N.V.T. (39 tuổi, ngụ Lâm Đồng). Anh T. làm nghề xây dựng và kinh doanh nhà xây sẵn đã gần 10 năm nay. Anh có thói quen xông nhà mới xây với mong muốn mang lại may mắn cũng như vượng khí cho ngôi nhà.

Anh T. thường xuyên đã ra tiệm thuốc bắc tại địa phương để mua gói thuốc xông nhà đôi khi có dạng bột, đôi khi là cây cỏ kèm theo xác ve sầu có rắc bột màu đỏ hoặc vàng để đốt và đi vòng quanh nhà.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa phối hợp với Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital (Đài Loan) điều trị thành công cho một người bệnh bị nhiễm độc thạch tín. Đây là một trường hợp hy hữu, người bệnh bị nhiễm độc thạch tín do thói quen xông nhà gần 10 năm.

Sau đó, anh bắt đầu thấy mệt mỏi, sốt, nôn ói, yếu liệt tứ chi, suy kiệt, sút cân nhanh chóng. Anh đã đi khám nhiều nơi nhưng đều không phát hiện ra nguyên nhân. Khi đến Bệnh viện ĐH Y dược, người bệnh trong tình trạng suy kiệt, chỉ còn 39kg, thường xuyên bí sốt, không ăn uống được, nôn ói.

Anh T. nhập viện trong tình trạng nguy cấp với các biểu hiện của bệnh cảnh tự miễn như sốt, đau bụng, nôn ói liên tục, yếu liệt tứ chi, không đi lại được, suy kiệt sức khỏe.

Hy hữu: Người đàn ông suy kiệt cơ thể, suýt tử vong vì thói quen kỳ bí - Ảnh 2.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân


Tại Khoa Nội cơ xương khớp, các bác sĩ đánh giá tình trạng người bệnh nặng, nguy cơ tử vong. Bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, xơ gan, nguy cơ xuất huyết do giảm tiểu cầu, suy dinh dưỡng nặng.

Các bác sĩ đã tích cực xử trí ngay từ đầu với kháng sinh mạnh - phổ rộng, truyền máu, truyền tiểu cầu, chọc tháo dịch báng, bổ sung dinh dưỡng, nâng đỡ tổng trạng. Đồng thời tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa: Tiêu hóa, Thần kinh, Huyết Học, Da Liễu để xác định chẩn đoán.

TS BS. Cao Thanh Ngọc – Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp cho biết, nhiễm độc thạch tín là vấn đề mà ít bệnh viện hoặc bác sĩ chú ý đến vì có rất ít người mắc. Khi phát hiện bệnh nhân có một số triệu chứng lạ như nổi cục trên tay, chân, vai, lưng có nhiều đốm sắc tố màu đen lỗ chỗ… các bác sĩ nghi ngờ đây là triệu chứng của ngộ độc nên đã chẩn đoán liên chuyên khoa và phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc thạch tín.

Các bác sĩ đã tiến hành thu thập mẫu máu - nước tiểu - tóc - móng của người bệnh để xét nghiệm độc chất và đúng như dự đoán: người bệnh bị ngộ độc thạch tín, nồng độ Asen trong tóc, móng của người bệnh cao hơn từ 300 - 500 lần so với giá trị thông thường.

Ngay khi chẩn đoán người bệnh bị ngộ độc thạch tín, các bác sĩ Khoa Nội cơ xương khớp đã liên lạc với các trung tâm điều trị lớn trong nước và quốc tế để hội chẩn về việc điều trị đặc hiệu cho người bệnh.

Theo y văn thì để điều trị, cần loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng phương pháp chelation. Dùng các loại thuốc có thể kết nối với kim loại nặng để nó có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể bằng đường tiểu.

“Ở Việt Nam, nguồn thuốc rất khan hiếm nên chúng tôi đã quyết định liên lạc với Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital (Đài Loan) có chuyên ngành Độc chất rất phát triển. Các chuyên gia tại đây nhanh chóng hỗ trợ chúng tôi hoàn tất các thủ tục để đưa người bệnh qua Đài Loan chữa bệnh”, TS BS. Cao Thanh Ngọc chia sẻ.

Trong thời gian chờ thủ tục sang Đài Loan, người bệnh được điều trị nội trú, tích cực bổ sung dinh dưỡng, nâng tổng trạng nhằm giúp người bệnh bớt suy kiệt, điều trị giảm các triệu chứng như đau, tê, châm chích, dị cảm, kiểm soát bệnh nền xơ gan – viêm gan siêu vi B...

Sau một tháng được hỗ trợ và điều trị của bệnh viện ở Đài Loan, sức khỏe của người bệnh cải thiện rõ rệt, từ chỗ không đi lại được, người bệnh có thể đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ, tăng được 6kg so với trước khi qua Đài Loan, sang thương da giảm rõ rệt. Người bệnh được chuyển về Khoa nội cơ xương khớp Bệnh viện ĐH Y Dược để điều trị tiếp.

Sau gần hai tháng điều trị tại hai bệnh viện, bệnh nhân tăng được 10 kg, bắt đầu đi lại được. Hiện tại, bệnh nhân đã được xuất viện, sinh hoạt và làm việc gần như bình thường và tháng 8 tới sẽ sang lại Đài Loan tái khám, kiểm tra hiệu quả điều trị thuốc.

TS. BS. Cao Thanh Ngọc khuyến cáo, người dân không nên sử dụng những chế phẩm hay thuốc men không rõ nguồn gốc.

Nếu có các triệu chứng của bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị bằng những thuốc đã được nghiên cứu, kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả, độ an toàn cũng như liều lượng chuẩn xác vì đôi khi một chất với liều nhỏ có thể là thuốc chữa bệnh nhưng liều cao lại là thuốc độc gây chết người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại