Phan Sào Nam.
Lật tẩy
Phan Sào Nam, nhân vật dậy sóng dư luận trong đường dây đánh bạc ngàn tỷ qua game cờ bạc Rikvip/Tip.Club bị kết án 5 năm tù về các tội “Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền”. Ngoài ra, ông Nam còn bị buộc thi hành án số tiền 1.475 tỷ đồng.
Không chỉ khiến tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hoá (cựu Thiếu tướng, Cục trưởng C50 – Bộ Công an) lĩnh án, ông trùm cờ bạc còn tiếp tục khiến một loạt cán bộ lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo cấp phòng thuộc Công an tỉnh Phú Thọ “ngã ngựa” vì tạo điều kiện cho nhân vật này được tha tù trước hạn 22 tháng trái quy định.
Ngày 6/2/2021, ông Phan Sào Nam được tha tù. Nhưng sau đó, vụ việc bị Vụ 8 – Viện KSND Tối cao phát hiện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, 14/4/2021, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị các quyết định giảm án cho Phan Sào Nam.
Cơ quan chức năng đã lật tẩy “thành tích lập công” của Phan Sào Nam dẫn đến việc được giảm án. Kết quả xác minh tại Trại tạm giam và Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ cho thấy, trong quá trình bị giam giữ, không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên đối tượng truy nã quốc tế Lê Văn Kiên về nước đầu thú (Kiên là đồng phạm của Nam trong việc tổ chức đường dây đánh bạc và bỏ trốn sang Philippines - PV). Ngoài ra, điều tra viên và cán bộ điều tra không biết Phan Sào Nam tác động đến gia đình Lê Văn Kiên như thế nào.
Tài liệu xác minh của cơ quan tố tụng thể hiện, Phan Sào Nam không tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Cụ thể, Nam không đồng ý, không tự nguyện khấu trừ 5,3 triệu USD tại ngân hàng DBS Singapore để thi hành phần nghĩa vụ trên 155 tỷ đồng còn lại theo quyết định của bản án. Ngoài tài sản cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu Nam truy nộp, tại thời điểm đó, Nam còn hơn 253.000 SGD tại Ngân hàng DBS Singapore nhưng không khai báo, không tự nguyện khấu trừ.
Đáng chú ý, khi xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam, Trại giam Quảng Ninh còn căn cứ vào đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của bà Phan Thu Nga (mẹ của Nam). Tuy nhiên, kết quả xác minh tại UBND phường Đa Kao, quận 1, TPHCM cho thấy, gia đình Nam không thuộc trường hợp có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn.
Liên quan đến vụ việc giảm chấp hành hình phạt tù cho Phan Sào Nam, ngoài việc xử lý 9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết định đưa vụ việc vào diện theo dõi.
Đến ngày 9/9/2021, UBKT Trung ương đã công bố quyết định kỷ luật với Ban cán sự Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, một số ủy viên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh, do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện. Trong đó, ông Hoàng Văn Tiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh bị kỷ luật cảnh cáo.
Còn tại Phú Thọ, ngày 25/11/2021, UBKT Tỉnh ủy đã ra quyết định thi hành kỷ luật đối với 4 cán bộ lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra và Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ do liên quan vụ án Phan Sào Nam.
Theo quyết định, UBKT Tỉnh ủy Phú Thọ cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đại tá Đào Văn Lý, Trưởng phòng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ và thượng tá Hoàng Phương Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Hạ Hòa (nguyên Chi ủy viên nhiệm kỳ 2020 - 2021, nguyên Phó Trưởng phòng, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ).
UBKT Tỉnh ủy Phú Thọ cũng đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đại tá Nguyễn Văn Trường, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, thượng tá Thạch Văn Thắng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám thị Trại tạm giam.
Hy hữu trong lịch sử tố tụng
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho rằng, những sai phạm của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên thuộc TAND tỉnh Quảng Ninh là tình huống pháp lý hy hữu, hiếm khi xảy ra và bị xử lý trong lịch sử tố tụng.
"Việc cơ quan kiểm sát ra kháng nghị với một bản án là bình thường, nhưng kháng nghị với quyết định giảm án là điều chưa từng thấy. Tuy nhiên, sự việc này cho thấy pháp luật được thực thi nghiêm, bất luận là cá nhân hay tổ chức nào vi phạm đều bị xử lý” – luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Về việc ông Phan Sào Nam sẽ phải thi hành án trở lại sau khi TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vào trung tuần tháng 11/2021, và chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại Hà Nội; tuyên hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh với Nam, luật sư Giang Hồng Thanh (người bảo vệ quyền lợi của Phan Sào Nam) cho biết, ông Nam sẵn sàng đi thi hành án bất cứ lúc nào. Tuy nhiên đến nay, ông Nam vẫn chưa nhận được quyết định hay thông báo thi hành án.
Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho biết, ông Nam đã có đơn gửi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đề nghị cho biết số tiền thi hành án còn lại để có phương án nộp nốt. Nam báo cáo đang phối hợp với Chi cục thi hành án huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) xúc tiến bán 125 m2 đất thuộc dự án Golden Hills City và bán nốt căn hộ chung cư tại phường Bến Nghé (quận 1, TP HCM) để có đủ tiền nộp cơ quan thi hành án. Cả hai bất động sản đều thuộc sở hữu của vợ chồng Nam.
Ngày 12/11, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ trả lời số tiền còn lại của Nam gần 10,9 tỷ đồng. “Trong trường hợp Nam đi thi hành án, việc bán hai tài sản này sẽ gặp đôi chút khó khăn do người mua không thể chủ động trao đổi và thực hiện giao dịch. Nam đang cố gắng bán trước, nộp xong tiền trước khi đi thi hành án", vị luật sư nói.