Hy hữu bé trai được cứu sau 5 ngày xương cá đâm vào ống động mạch cổ

Anh Thư |

Bị hóc xương cá đã khiến cậu bé gặp phải tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", bác sĩ phải vội gây mê bé ngay tại phòng chụp CT rồi chuyển gấp sang phòng mổ.

Bệnh nhân là bé trai 3 tuổi, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào ngày 4-1 và đến nay 11-11, sau 1 tuần phẫu thuật, bé đã hồi phục và đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Tai mũi họng.

Theo lời kể của phụ huynh, bé có bị hóc xương cá 5 ngày trước khi nhập viện, bị nôn ói sau khi hóc xương. Sau 3 ngày bé sốt cao, không ăn uống được, chảy nước bọt nhiều nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, sau đó chuyển lên TP HCM.

Hy hữu bé trai được cứu sau 5 ngày xương cá đâm vào ống động mạch cổ - Ảnh 1.

Các bác sĩ kể về ca bệnh với sự chứng kiến của người mẹ và bệnh nhi

Bác sĩ chuyên khoa I Dương Minh Toàn, khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1, người trực tiếp phẫu thuật cho cháu bé cho biết kết quả CT scan vùng hàm mặt ghi nhận một ổ áp-xe lớn sau thành họng, dị vật xương bên trái nằm ngang mức đốt sống C4-C5, và nguy hiểm nhất là đâm vào trong ống động mạch đốt sống C4-C5, đe dọa đâm vào động mạch. Chưa kể khối áp-xe sưng to còn chèn ép, làm hẹp đường thở.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai mũi họng, cho hay đã phải gây mê cho cháu bé ngay tại phòng CT, bảo đảm bé nằm yên rồi chuyển sang phòng mổ. Bởi lẽ nếu mọi chuyển động nhỏ nhất có thể khiến chiếc xương đâm vào động mạch, gặp phải nguy cơ này thì bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức bởi động mạch này cung cấp máu cho một vùng não quan trọng.

Cháu bé đã được phẫu thuật mở cạnh bên cổ và rất may các bác sĩ đã tìm thấy và gắp được chiếc xương 2 cm. Các bác sĩ cho biết đây là ca mổ hết sức hồi hộp vì phải theo dõi kỹ coi có tình trạng chảy máu báo hiệu tổn thương động mạch hay không và phải thao tác thật nhẹ nhàng.

Thông qua ca bệnh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Như khuyến cáo khi phát hiện trẻ hóc xương, nên sớm đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra vì nếu vừa bị hóc xương các bác sĩ sẽ lấy ra rất dễ. Ngược lại nếu để lâu hay người nhà cố tìm cách lấy ra, có thể khiến xương đâm sâu hơn hoặc gây nhiễm trùng.

BS Tuấn Như cho biết ca hóc xương này là rất hy hữu, với 3 điều nguy hiểm. Một là khối áp-xe gây nhiễm trùng nặng nề. Hai là xương cò thể đâm thẳng vào động mạch bất cứ lúc nào, không cấp cứu kịp, mà có cấp cứu kịp cũng tổn thương não nặng nề.

Ba là ca phẫu thuật được tiến hành trong tình trạng đầy nguy cơ như nguy cơ tổn thương động mạch như đã nói, hay nguy cơ tổn thương thần kinh bởi bác sĩ phải "đi qua" đám rối thần kinh ở khu vực phẫu thuật để tiếp cận ổ áp xe và chiếc xương cá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại