Huyện Cam Lâm được thành lập năm 2007, hiện chiếm 10,5% diện tích và 8,7% dân số toàn tỉnh Khánh Hòa. Phía Bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang. Phía Nam giáp thành phố Cam Ranh. Phía Đông giáp biển Đông, huyện đảo Trường Sa. Phía Tây giáp các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 28/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045. Khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.719 ha.
Theo đó, mục tiêu là xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía Nam tỉnh Khánh Hoà và vùng Nam Trung Bộ; góp phần sớm đưa Khánh Hoà lên thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu; trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; đô thị có môi trường sống chất lượng cao; có hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Về tính chất, đây là đô thị sân bay tầm quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo mang tầm quốc gia và tương tác tiệm cận quốc tế. Cam Lâm cũng là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển tầm khu vực; tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính và thương mại - dịch vụ, giáo dục đào tạo, các viện nghiên cứu chế tạo ứng dụng công nghệ cao; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của tỉnh Khánh Hoà nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài ra, huyện là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới; đô thị phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huyện có sân bay quốc tế, cao tốc, đường sắt, quốc lộ
Theo định hướng, đô thị mới Cam Lâm phát triển theo mô hình đô thị tập trung tại khu vực đồng bằng; phát triển du lịch tại dải ven biển phía Đông gắn với bảo tồn cảnh quan đặc hữu của đầm Thuỷ Triều - vịnh Cam Ranh, bờ biển Bãi Dài và các giá trị sinh thái núi rừng phía Bắc và phía Tây.
Về giao thông, Huyện có sân bay Cam Ranh, quốc lộ và nhiều cầu đường khác. Trong tương lai, đô thị mới Cam Lâm sẽ có thêm tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Nha Trang, quy mô 4-6 làn xe; Quốc lộ 1; đường tránh Quốc lộ 1.
Về các tuyến đường tỉnh, quy mô gồm 9 đường tỉnh tối thiểu đạt cấp III, 2 làn xe, riêng các đoạn qua khu vực đô thị, quy mô theo quy hoạch đô thị. Cụ thể: đường tỉnh 653c (Hương lộ 39C); đường tỉnh 655 (Đường phía Tây bán đảo Cam Ranh); đường tỉnh 655B (Trục Đông Tây); đường tỉnh 65 5B (Trục Đông Tây); đường tỉnh 655D (Trục Đông Tây); đường tỉnh 656 (Tỉnh lộ 9); đường tỉnh 657; đường tỉnh 657K (Đường tỉnh 3 và đường Hòn Bà); đường tỉnh 6571.
Với đường sắt, tỉnh cũng sẽ xây mới đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hướng tuyến song song với đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua Cam Lâm; xây dựng mới tuyến đường sắt đô thị từ sân bay Cam Ranh đi thành phố Nha Trang.
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của Cam Lâm đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 14.515 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2022. Lượng khách lưu trú du lịch trên địa bàn huyện đạt 517.800 lượt, trong đó lượng khách quốc tế 298.928 lượt, khách nội địa 218.872 lượt; tổng ngày khách lưu trú 1.543.648 ngày; doanh thu tại các cơ sở lưu trú đạt 3.076 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 386,3 tỷ đồng, đạt 110,7% so với Nghị quyết HĐND huyện giao, vượt 10,7% so với năm trước.