Huyền tích về rặng duối nghìn năm

VÕ HÓA - KIẾN NGHĨA |

Nhiều đời nay, người dân Cam Lâm thuộc làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) luôn coi rặng duối này là “bậc thánh linh” của làng. Theo huyền tích, rặng duối là nơi vua Ngô Quyền từng buộc voi chiến, ngựa chiến sau những lần tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh đuổi quân Nam Hán, chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc.

"Báu vật" của làng cổ Đường Lâm

Mất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội, chúng tôi đã tới "đất hai vua" Đường Lâm, nơi còn lưu giữ dáng dấp của một làng quê Việt cổ với hàng loạt di tích: Làng cổ, chùa Mía, đền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh… 

Tiếp chúng tôi trong phòng khách, thủ từ Tạ Duy Hiển, tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn rất minh mẫn cho biết, rặng duối không biết có từ bao giờ, chỉ biết hơn nghìn năm nay đã đứng đó với dáng vẻ cổ kính trang nghiêm.

Ông Hiển cho biết, theo lời kể của một số cụ cao niên trong thôn Cam Lâm, rặng duối vốn từ trên sườn đồi thoai thoải xuống tận bến sông. Xưa kia, đây là vùng đất gò đồi với rừng cây rậm rạp, là nơi trú ngụ của thú dữ. 

Từ rặng duối đến đồi Gầm (ý nói là nơi hổ từng về gầm gừ suốt ngày đêm), tướng Ngô Quyền đã cho phát quang làm bãi huấn luyện quân lính. Rừng rú hết dần, thú dữ cũng không bén mảng đến nữa. Nay, con sông theo biến cố bể dâu đã bị lấp vùi, chỉ còn cánh đồng thấp trũng. Mười tám gốc duối đứng đó thành hàng, trang nghiêm cổ kính như bức tường thành che giông chắn bão, bảo vệ cho lăng mộ Ngô Vương và cho cả vùng đất của thôn Cam Lâm.

Huyền tích về rặng duối nghìn năm - Ảnh 1.

Người dân nghỉ ngơi dưới rặng duối sau thời gian làm việc vất vả. Ảnh: Võ Hóa

"Trước đây, cả trăm cây mọc um tùm như khu rừng, nhưng theo thời gian, chỉ còn 18 cây cổ thụ sống sót. Duối không chỉ là nơi buộc ngựa, voi chiến của chủ tướng Ngô Quyền và quân sĩ, mà còn là nơi phân định gianh giới đất của Đức Vua khi chưa lên ngôi với đất của các dòng họ khác trong vùng. 

Quy ước ấy thực hiện từ năm 944 (năm vua Ngô Quyền mất) cho đến tận bây giờ. Theo đó, trong phạm vi từ rặng duối trở lại khu vực Đền và Lăng hiện nay là đất của Vua. Đây như là một quy ước được người dân địa phương tự giác tuân thủ, không ai dám xâm phạm, không ai xây cất nhà cửa hay đặt mộ phần vào khu vực này. Điều đó thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với vua Ngô Quyền", ông Hiển nói.

Theo thủ từ Tạ Duy Hiển, người dân trong làng luôn một lòng tôn kính rặng duối của Ngô Vương. Họ coi những cây duối này là "bậc thánh linh", là những vị thần bao bọc, bảo vệ, canh gác cho lăng Ngô Vương và cả người dân Cam Lâm. Sau này, do lâu năm, một số "cụ" duối bị chết, nhưng người dân không dám đốn hạ. Những bậc cao niên trong làng phải làm lễ, rồi mới cưa gốc và cho thợ mộc tiện thành những lọ lục bình, trang trí trong chính đền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và đền vua Ngô Quyền. "Cây già, gỗ quý rất cứng nên thợ phải mất rất nhiều công sức mới hoàn thành được", ông Hiển nói.

Không chỉ gắn với những huyền tích, rặng duối cổ thụ còn rất gần gũi với đời sống tinh thần của người dân Cam Lâm. Bao đời nay, đây là nơi đám trẻ chăn trâu hay những người làm ruộng lại tề tựu bên rặng duối để nghỉ ngơi, tránh nắng dưới những tán lá sum suê của buổi trưa hè; hay vào những đêm trăng sáng, nam thanh, nữ tú trong làng thường đến đây trò chuyện, hò hẹn. Theo kinh nghiệm dân gian, cây duối có khả năng trị nhức đầu, mụn nhọt, lợi tiểu lợi sữa.

"Cùng với đền thờ và lăng Ngô Vương, rặng duối cổ có giá trị to lớn về văn hóa, tâm linh của làng Cam Lâm nói riêng và đất nước nói chung. Việc giữ gìn, bảo vệ cây là trách nhiệm của mỗi người, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống đối với các thế hệ con cháu".

Một người dân địa phương chia sẻ

Vậy nên, trước đây cuộc sống còn kham khổ, điều kiện còn nhiều khó khăn, phụ nữ sống quanh làng khi sinh con nếu bị mất sữa thường đến bên gốc duối già, cầu xin cho nắm lá non đem về sắc uống, chẳng bao lâu bầu sữa sẽ đầy. Hoặc ai đó gặp khi trái nắng trở trời, cảm mạo trúng phong, người nhà lại đến xin "cụ" duối cho nắm lá về nấu nước xông, bệnh tình sẽ mau chóng thuyên giảm. 

"Lúc còn chiến tranh, thanh niên trai tráng của làng trước khi nhập ngũ cũng được gia đình dẫn đến bên những gốc duối làm lễ cầu an, lên đường may mắn, đánh thắng quân thù. Gặp những điều trắc trở trong cuộc sống, người dân Cam Lâm lại đến bên rặng duối để cầu xin phù hộ. Khi ấy, ai cũng cảm nhận được sự che chở trong tâm hồn", ông Hiển cho biết thêm.

Cần có phương án bảo vệ rặng duối

Đang tất bật làm đồng, nhưng khi thấy chúng tôi muốn tìm hiểu sâu về rặng duối, ông Nguyễn Văn Tài, 59 tuổi, một nông dân sống tại thôn Cam Lâm cho biết, nhiều năm qua, người dân trong vùng thường truyền tai nhau một vài câu chuyện huyền hoặc liên quan đến rặng duối cũng như đền Ngô Quyền. Chẳng hạn, xưa kia, một số trẻ chăn trâu nghịch ngợm từng đến rặng duối bẻ cành, đến khi về nhà không rõ ngẫu nhiên hay sao mà bị ốm.

 Người nhà phải mang lễ đến rặng duối cúng tạ, trẻ mới khỏi bệnh. Chia sẻ thế, nhưng ông Tài cũng luận rằng, những huyền tích liên quan đến rặng duối này được các cụ cao niên trong làng lưu truyền, chứ không có sổ sách hay chứng cứ gì lưu lại được nên không thể xác định điều đó là thực hay hư. "Dù chỉ là những câu chuyện truyền miệng, nhưng tôi nghĩ mục đích chính của nó là giáo dục trẻ em và dân làng sống tốt hơn nên là điều có giá trị" - ông Tài nói.

Qua hỏi chuyện thêm một số người dân tại địa phương, chúng tôi được biết, kể từ khi rặng duối được công nhận là cây di sản Việt Nam và để người dân tiện tham quan, chính quyền địa phương đã tiến hành tu sửa, làm một con đường sát với rặng duối. 

Việc này giúp du khách thuận tiện, nhưng vô tình khiến nguồn nước cung cấp vào rễ cây duối bị ảnh hưởng. Có thời điểm, một cây duối cổ bắt đầu bị héo rụng lá, rất may các nhà khoa học cùng chính quyền địa phương tích cực vào cuộc mới cứu được cây. Duối là loại cây ưa mát, nên khi nguồn nước không còn, sẽ ảnh hưởng tới việc sinh trưởng. Trong các cuộc họp thôn, có ý kiến đã nêu về việc tạo một rãnh nước để cung cấp cho rặng duối, nhưng nay chưa thấy thực hiện.

(còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại