TS. BS Phan Thị Hồ Hải - huyền thoại gây mê hồi sức của bệnh viện Chợ Rẫy được lớp lớp y bác sĩ bệnh viện này trìu mến gọi là "Má". Má Hải năm nay đã 88 tuổi, vẫn xắn tay làm mọi việc của một bác sĩ gây mê hồi sức. Trong ký ức của rất nhiều đồng nghiệp, học trò, má Hải là một tấm gương sáng đầy kiên định, vượt qua mọi khó khăn để phục vụ bệnh nhân tốt nhất.
Tôi đã xin phép hỏi, ở cái tuổi "đắc hi hỉ" 88 rồi mà vẫn đi làm như một bác sĩ gây mê bình thường mỗi ngày, điều gì khiến má không chịu nghỉ hưu?
Thanh An: Thưa TS. Phan Thị Hồ Hải, năm nay đã là năm thứ 68 bà làm nhiệm vụ của một nhân viên y tế. Ở độ tuổi 88 tuổi rồi vẫn có bệnh viện thuê bà, cần bà làm bác sĩ gây mê. Bà chưa có ý định "nghỉ hưu" ư?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Thực chất tôi đã nghỉ hưu rồi đấy. Năm 1993 tôi nhận quyết định về nghỉ chế độ ở bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, khi nhìn vào tờ quyết định thì hóa ra được ký vào năm 1992 cơ. Nghĩa là từ trước đấy 1 năm mình đã có cơ hội nghỉ ngơi nhưng vì tổ chức chưa kiếm được người thay vị trí Trưởng khoa gây mê - hồi sức của bệnh viện nên giấu đi. Đến năm 1993, tìm được người thay rồi họ mới xì ra.
Đấy là chức thứ nhất còn một chức nữa mà tôi làm đến năm 70 tuổi mới dừng đó là Chủ nhiệm Bộ môn Gây mê Hồi sức tại trường Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh. Sở dĩ làm việc dài như vậy chỉ vì tôi mê học trò thôi.
Còn riêng với chức phận bác sĩ gây mê thì trọn cuộc đời này không bao giờ tôi từ chối bệnh nhân. Mặc dù ai cũng biết nghề này thiếu thốn đủ mọi mặt. Năm nay 88 tuổi rồi tôi vẫn làm. Sau này Trời, Phật có thương cho mình sức khỏe thì tôi vẫn mê và vẫn làm gây mê hồi sức. Tại vì sao? Vì đến tay mình là bệnh nhân đã thoi thóp rồi. Trời Phật cho họ sống để chờ mình kéo về với đời. Nhân tâm nào quay lưng đi được?
Thanh An: Nếu không quay lưng thì bà đã chọn cách tiếp cận nào khi tiếp xúc với bệnh nhân?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Lao vô! Phải lúc nào cũng thường trực tinh thần xắn tay mà lao vào cứu người khỏi tử thần thì mới làm nghề này được.
Buổi sáng năm 1978, nếu ông Khánh Dư (GS.TSKH. Nguyễn Khánh Dư - phó giám đốc BV Chợ Rẫy từ 1975 - 2001) và tôi không sẵn sàng lao vào xe cáng đẩy bệnh nhân thì chắc cậu du kích thủng ruột già đã không sống nổi.
Xe cáng đẩy từ cửa thang máy ra đúng vào lúc tôi và ông Khánh Dư sóng đôi từ trong phòng mổ đi đến. Nhìn vô mà thấy kinh, bụng cậu ấy toang hoác vì vỡ đại tràng, vỡ gan, vỡ lách, vỡ dạ dày... máu chảy gần hết. Tôi trông thấy gan, trông thấy lách, trông thấy cả phân... Phân đã leo cả vào tim!
Thế là tôi với ông Khánh Dư nhào luôn vô. Tay đặt nội khí quản mà miệng tôi hét to: "Cắm ngay đường truyền vào! Cứ nước truyền vào! Giữ huyết áp không cho tụt!"
Ông Khánh Dư chỉ kịp tháo đôi găng bẩn sục tay ngay vào đôi găng sạch rồi hô hoán kỹ thuật viên thao tác luôn. Nhà mổ xôn xao từ 10h sáng cho đến tận hơn 5h chiều mới làm xong ổ bụng của bệnh nhân.
Ngay lúc nhân viên cắm đường truyền vào bệnh nhân, chúng tôi biết ca này căng rồi! Bệnh nhân mất máu trầm trọng trong khi ngân hàng máu của bệnh viện không còn một giọt. Nhân viên nhìn tôi, tôi nhìn trái tim co bóp phập phồng ở trên phân dính vàng khè thì đành ra khẩu lệnh: "Cho thêm muối ưu trương vào tĩnh mạch để nâng huyết áp. Duy trì đường truyền như vậy đến khi huyết áp ổn định thì ngừng! Ngừng nghĩa là bớt về tốc độ thôi. Vẫn phải duy trì để giữ ven cho bệnh nhân. Chờ máu về".
Thế mà ca mổ xong xuôi, nhà mổ vẫn phải chờ đến tận tối đêm bệnh viện mới xin được máu về.
Thanh An: Diễn biến ca mổ dễ mang lại cho người cảm giác ly kỳ như đang xem một đoạn phim Mỹ đầy kịch tính thưa bà?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Phim nào nghĩ ra nổi? Căng thẳng đến cực độ. Không nhanh thằng bé chết mất thôi. Phân leo đến tim rồi thế kia.
Lúc ấy thật ra mà nói, nếu chỉ có tình thương với bệnh nhân thôi không đủ để cứu người đâu. Điều đặc biệt của ca mổ này khiến tôi nhớ đời là ngay từ lúc bắt đầu cho tận cả sau khi kết thúc, bệnh viện không hề có máu để truyền. Mổ hơn 6 tiếng đồng hồ không máu truyền thì nhà mổ nào dám nhận? Phải hết sức tự tin vào năng lực của mình và đồng nghiệp mình thì tất cả mọi người mới dám lao vào một ca mổ như vậy và làm nó thành công.
Sau này khi báo cáo ở Hội nghị khoa học, tôi vẫn nói rất rõ. Trường hợp không có máu và bệnh nhân đối diện với tử thần, chúng tôi vẫn chiến đấu. Có gì trong tay tôi truyền cái đó. Có máu dùng máu, có đường có muối dùng đường dùng muối. Miễn là tôi làm mạch kín được, huyết áp tôi giữ được và bệnh nhân được sống ra viện.
Vỗ tay quá trời! Ý tưởng hay và hiếm lắm chứ.
Cho nên sau này người ta cứ hỏi vì sao tôi thích làm gây mê hồi sức? Vì đời một con người, được làm những điều hay và hiếm không dễ đâu.
Thanh An: Bà đã bắt đầu biết thích khi được làm những điều hay và hiếm để cứu người từ lúc nào?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Tôi vẫn nhớ tháng 7/1975 khi về tiếp quản bệnh viện Chợ Rẫy, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách khoa gây mê hồi sức của bệnh viện. Ngày đó lãnh đạo ban quân quản dặn mình cẩn thận lắm: "Chị xuống đứng nhìn nha. Xem anh em người ta làm như thế nào rồi học".
Tại vì mình là nữ, người bé tí tẹo lại chỉ được học y với các thầy ngoài Bắc. Anh em bác sĩ Chợ Rẫy lúc đó chủ yếu được đào tạo ở tận Mỹ, Canada, Anh, Pháp... đủ mọi nước tư bản. Lãnh đạo nhiều ông sợ ra mặt luôn ấy. Tôi chỉ nghĩ thôi, "sao lại đứng nhìn?"
Bệnh nhân nặng chuyển đến ngày càng nhiều, công việc của viện ngổn ngang trong khi người ra đi thì nhiều, người ở lại còn chút ít. Bảo mình đứng nhìn là thế nào?
Thay đồng phục đi vào phòng mổ, tôi tự giới thiệu: "Trên cử tôi về đây làm việc, xin anh em hợp tác, ta cởi mở với nhau trước đã. Chiến tranh đi qua mà bệnh viện giữ được phòng mổ đàng hoàng như thế này chứng tỏ anh em có tinh thần yêu nước tuyệt vời!"
Bao tủi hờn bấy lâu nay như lần đầu tiên được người khác hiểu thấu. Lúc bấy giờ, mọi người trong phòng đều bật khóc. Hóa ra chưa từng ai nói cho những người ở lại biết rằng, họ chính là những người rất yêu nước.
Từ chỗ cùng khóc được với nhau, tôi kêu gọi anh em ra sức giữ gìn và phát huy lề lối đáng tự hào của phòng mổ bệnh viện Chợ Rẫy. Làm sao để sự xuất hiện của tôi và sự ở lại của anh em là tốt nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân nặng đến cấp cứu là Chợ Rẫy người trên người dưới đồng lòng dốc sức cứu chữa. Cũng từ đó, chúng tôi đã cùng nhau đi qua những tháng năm khó khăn kinh khủng của đất nước sau chiến tranh, làm được những điều hay và hiếm mà khó có cơ hội được làm ở bất cứ nơi đâu.
Thanh An: Khởi đầu cho những tháng ngày hay và hiếm có đó sẽ là gì đây thưa bà?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Là phải vượt qua cái khổ. Mọi cái lúc đấy đều vô cùng thiếu thốn khổ sở. Ta nên nhớ từ năm 1973 Mỹ cắt hết viện trợ y tế cho chính quyền miền Nam. Anh em nhà mình ở Chợ Rẫy cố gắng rà rá kéo tình hình cho đến năm 1975 là thuốc đặc hiệu trong kho trống trơn.
Mà đừng nói thuốc đặc hiệu, nghe sang trọng quá. Thuốc men hồi đó hiếm hoi lắm, dụng cụ thiếu, máy móc hỏng vá chằng vá đụp... Ngay cả cái găng tay phẫu thuật chúng tôi còn phải giặt đi giặt lại, rồi vá rồi hấp rồi sấy để dùng đến khi rách toác ra không dùng được nữa mới dám bỏ.
Những ngày đói khổ buổi đầu, anh em tốt nghiệp Y khoa trong này và ở các nước tư bản về từng tuyên bố "không có thuốc mê loại này, tôi không mổ sọ não!" Các anh nói vậy với giám đốc lúc đó là ông Trịnh Kim Ảnh. Giám đốc run luôn.
Bây giờ bác sĩ bảo không mổ trong khi đó bệnh nhân sọ não của 16 tỉnh phía nam đều dồn về Chợ Rẫy. Chẳng nhẽ trả lời với người ta là hết thuốc mê rồi, bệnh viện không làm được, ôm người nhà về đi! Mặt mũi nào để một bệnh viện lớn nhất miền Nam Việt Nam làm như vậy. Rồi còn trách nhiệm cứu người của thầy thuốc ở đâu? Xấu hổ với bệnh nhân lắm chứ.
Nhưng bác sĩ được đào tạo trong điều kiện tư bản đầy đủ và phát triển, họ không nghĩ như mình đâu. Lý tưởng họ mới làm. Đúng công thức được dạy dỗ và bảo vệ họ mới làm. Không đúng yêu cầu thì dù bệnh nhân ngổn ngang ra đấy, họ cũng không dám làm.
Bây giờ phải làm sao?
Tôi chủ động đến gặp ông Ảnh: "Anh ạ, anh em quen như thế rồi, bây giờ anh cứ gật đi. Em sẽ để cái bình đúng tên thuốc bác sĩ phẫu thuật đòi nhưng trong không có thuốc."
Bởi vì bác sĩ họ biết, đặc thù của gây mê là loại bình này phù hợp với thuốc mê này, loại bình kia dùng cho thuốc mê kia. Cái nào nó phải vào cái đó chứ không được dùng lẫn lộn.
Thực chất tôi cũng không dùng lẫn lộn. Tôi dùng một phương pháp gây mê khác hẳn đi. Lúc đó, tôi đã giải thích với giám đốc về điều kiện gây mê cho bệnh nhân phẫu thuật sọ não. Thứ nhất, bệnh nhân phải ngủ, không biết gì. Thứ hai, phải nằm thật yên. Việc của mình là tìm ra cách giúp bệnh nhân ngủ được, rồi bệnh nhân nằm yên.
Lần đầu, tôi còn thử trên chính bản thân mình nữa. Thử nghiệm thành công rồi thêm những ca phẫu thuật đầu tiên thành công, chúng tôi mới quyết định lựa chọn phương án gây mê đó trong mấy năm liền. Sau này hoàn thiện, bệnh viện Chợ Rẫy làm thành báo cáo khoa học tại hội nghị gây mê toàn quốc ở Hà Nội. Người ta không hình dung ra nổi. Nhưng người ta khen mình ở chỗ đã không chuyển bệnh nhân đi đâu cả. Sẵn sàng đón và tự cứu chữa!
Mãi đến năm 1986 có dịp sang Liên Xô, gặp lại bà giáo khi xưa hướng dẫn tiến sĩ. Lúc đó, tôi mới tủi thân vừa khóc vừa kể: "Hoàn cảnh đất nước con như thế và con phải làm như thế..."
Bà giáo bảo ngay: "Thế là mày thông minh đấy Hải ơi. Cô vừa mới cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ đúng y phương pháp của con, nghĩa là làm sao để bệnh nhân nằm yên. Thuốc con dùng đó, chính là chất bảo vệ não. Tốt! Con yên tâm đi!"
"Trời ơi! Sao con hên dữ vậy! Con làm mà con sợ lắm nhưng tình thế bắt buộc con phải làm thôi.". Từ sau cuộc trò chuyện đó, tôi mới tự tin cất đi số bình rỗng không thuốc mê mà phẫu thuật viên vẫn thường đòi hỏi. Hơn nữa, lúc ấy nước mình đã bắt đầu mở cửa. Thuốc men bắt đầu về đa dạng hơn xưa rất nhiều.
Thanh An: Đã có lúc nào bà sợ hãi chưa?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Trực tiếp làm những ca như thế này cô nghĩ xem có nên sợ không?
Bệnh nhân bị một đầu đạn M79 găm vào đuôi mắt phải. Các chuyên gia về vũ khí của Quân khu 7 phân tích: đầu đạn chỉ phát nổ khi vòng xoay của nó vừa hết. Bệnh nhân này nếu mổ có khi cả phòng cùng gặp nguy hiểm. Vì đầu đạn có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Chuyên gia vũ khí đã cảnh báo như vậy đấy.
Ê kíp đi vào phòng mổ ngày hôm đó gồm ông Khánh Dư - Phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ Lâm Ngọc Ẩn - Viện Răng Hàm Mặt Trung ương được cử đến hỗ trợ, tôi và bác sĩ Huỳnh Thế Hùng phụ trách gây mê hồi sức. Thời điểm trực tiếp lấy đầu đạn M79 ra khỏi hốc mắt và xương gò má bên phải chính xác là muốn rụng cả tim.
Ngay sau đó, viên đạn được vùi vào sọt chứa đầy cát, nhanh chóng di chuyển về Quân khu 7. Sáng hôm sau, đơn vị bộ đội thông báo: đầu đạn M79 đã nổ trước một bức tường dày 40cm, sau khi được kích hoạt hết vòng xoay. Đấy, đừng tưởng hết chiến tranh rồi, mặc áo blouse trắng rồi, vào nhà mổ rồi là không phải đối diện với súng đạn nhé.
Thế nhưng nói thật với cô những căng thẳng đó chỉ là tình huống. Nó không kéo dài và không ám ảnh con người ta. Còn có những điều chúng tôi gọi là "sống chung với khổ" mới thực sự làm cho ngay cả những người bạn quốc tế đến thăm Chợ Rẫy hồi những năm tám mươi cũng còn phải sợ đến mức lúc thì mặt đỏ lúc thì mặt tái nữa kìa.
Một buổi sáng bà Đoàn Thúy Ba - Phó giám đốc bệnh viện gọi tôi lên phòng, giới thiệu: "Đây là những người bạn Việt kiều ở Pháp về muốn thăm quan bệnh viện ta. Chị giao cho em, cứ đưa họ vào nhà mổ". Lúc dẫn khách ra cửa, bà Thúy Ba rỉ nhỏ vào tai: "Có thiếu thốn gì cứ khéo khéo mà xin!" Bà ấy là bác sĩ ở rừng ra, tôi thì Việt Đức điều vào, chị em hiểu nhau quá mà.
Buồng mổ hôm đó lại nhằm đúng ca ông Khánh Dư làm. Chúng tôi mổ cho một bệnh nhân nữ 36 tuổi với chẩn đoán "Còn ống động mạch". Hồi đó lấy đâu ra siêu âm để chẩn đoán bằng hình ảnh. Cho nên bệnh nhân được chỉ định phải thông tim để xác định chẩn đoán.
Khổ vậy đấy. Ở các nước phát triển có đầy đủ máy móc thiết bị, bệnh nhân sẽ được chỉ định thắt ống đó lại lúc dưới 10 tuổi. Thủ thuật đơn giản và khỏe cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.
Trong lúc ông Khánh Dư đang thăm dò thì bệnh nhân đột nhiên bị ngộp thở, tím tái, mạch trở nên nhanh nhỏ và có những dấu hiệu điển hình của chứng chèn ép tim. Thường thường trong ca mổ, khi nào phẫu thuật viên nói câu bất thường là gặp chuyện rồi. Bác sĩ Khánh Dư là con người không bao giờ nói bậy. Vậy mà bữa đó ông buột mồm: "Chết mẹ rồi!" Hôm đó tôi là người gây mê chính, đứng sát đó, nghe mà tự nhiên thấy nhói quả tim trong lồng ngực mình.
Hóa ra chỗ còn ống động mạch đó để lâu ngày rồi, nó viêm dày hết rồi. Thành dày thì lại giòn, dễ vỡ. Tưởng tượng xem, chỗ tim ấy vỡ ra thì sao.
Thế là ông Khánh Dư phải chỉ định mổ cấp cứu mở lồng ngực trái. Tôi mới gọi mấy em nhanh nhẹn: "Thêm cho cô người vào! Tiếp với cô. Lại truyền giống như truyền cho thằng bé thủng ruột già khi xưa. Truyền để thắng sự cố chảy máu của cơ thể bệnh nhân".
Bối cảnh đó là cả một trận chiến cân não. Máu tím đen phun ra qua lỗ thủng trên thành của thân động mạch phổi. Ông Khánh Dư tay trái dùng ngón trỏ bít kín chỗ thủng, tay phải hút máu. Người phụ mổ cũng phải lao vào hút cùng. Họ cứ tay hút tay khâu vết thủng, rồi thắt dần động mạch lại.
Còn mình á, bơm biếc quá trời! Vừa gây mê vừa hồi sức cho bệnh nhân bằng truyền máu, trợ tim... Ca mổ đáng ra nhẹ nhàng mà vì mình thiếu đủ thứ nên mất tận 7 tiếng đồng hồ với gần 20 chai máu truyền cho bệnh nhân. Bệnh nhân sống, hậu phẫu tiến triển tốt. Hai ngày sau mổ là đã ngồi dậy, túc tắc tập đi được. Nhưng nhân viên y tế thì cơ cực quá trời đất!
Những người khách Việt kiều đứng quan sát từ đầu tới cuối mà họ nghẹn ngào: "Tôi thương các anh chị quá! Các anh chị lấy hết sức, hết trí tuệ ra mà cứu bệnh nhân. Chứ bên Pháp chúng tôi những ca như này không có khổ vậy. Tôi cho dùng thuốc hạ huyết áp một cái là nó ngừng chảy. Bác sĩ chỉ việc hút máu thừa đồng thời khâu vết thương thôi".
Sau buổi toát mồ hôi hột ấy, anh bạn Việt kiều gửi ngay cho tôi mấy chục lọ hạ huyết áp chỉ huy. Bạn hình dung được không? Về sau những ca như thế này, chúng tôi chỉ mất 3 - 4 tiếng là xong. Và từ chỗ tốn tận 20 mấy chai máu, có thuốc này nhà mổ chỉ cần dùng đúng 2 chai thôi. Phẫu trường khô, sạch ngon lành, nhẹ nhàng.
Giáo sư Tôn Đức Lang, thầy tôi ở Việt Đức vào công tác, nhìn thấy tôi có thuốc đó, mắt ông sáng lên. Rồi chị biết không, ông rụt rè nói nhỏ với trò: "Chị có cho tôi được mấy lọ không?" Tôi dúi cho ông 10 lọ mà hai thầy trò rơm rớm nước mắt với nhau. Thèm lắm. Thuốc đó quý giá lắm!
Thanh An: Sau những ngày tháng vượt khổ đó bác sĩ gây mê hồi sức sẽ nhận được những gì thưa bà?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Theo cô nhà mổ nhận được gì?
Đến thời điểm này là 66 năm tôi làm nghề gây mê rồi. Thực tế chỉ có bệnh nhân người nước ngoài mới quan tâm đến bác sĩ gây mê cho mình trước mỗi cuộc phẫu thuật. Bởi họ được giáo dục và hiểu rất rõ vai trò của người làm họ ngủ và giúp họ tỉnh dậy sau cơn dao kéo quan trọng như thế nào. Những ngày làm nghiên cứu sinh ở Matxcova, tôi đi trực bệnh viện. Hễ có chỉ định mổ, bệnh nhân hỏi ngay: "Bác sĩ gây mê cho tôi là ai?"
Việt Nam mình hơn một nửa thế kỷ tôi trông coi nhà mổ, chả thấy ma nào hỏi. Thường bệnh nhân vào tay mình là người ta thoi thóp. Bệnh nhân rời khỏi tay mình là lúc người ta ngủ mê man. Khỏe lại rồi người ta chỉ biết bác sĩ mổ cho họ thôi, quan tâm gì đến người gây mê hay hồi sức.
Ngày xưa nhà mổ khó khăn vì thiếu đủ thứ, nay sướng hơn đôi chút. Thuốc men rồi máy móc thiết bị... đầy đủ. Bây giờ có thể nói, ngành gây mê hồi sức của Việt Nam không thua gì bất cứ một nền y học tiên tiến nào trên thế giới. Ta đầy đủ mọi thứ chỉ có tiền thù lao là không bằng thôi.
Người ta tính ra, thù lao ca mổ của bác sĩ gây mê hồi sức KHÔNG BẰNG TIỀN VÁ 1 LỐP XE THỦNG. Mình đãi ngộ chưa đúng mức cho nên không giữ chân được bác sĩ gây mê tài ba. Mấu chốt chỗ đó thôi mà không ai dám nói ra.
Thậm chí trong mọi danh mục cho đến bây giờ hộ lý vẫn không được tính tiền thù lao phục vụ kíp mổ. Nếu không có người hộ lý đủ trình độ, kỹ năng và bỏ trọn công sức dọn dẹp vệ sinh vô trùng thì lấy đâu ra chỗ cho các bàn tay vàng vào tỏa sáng?
Người ta chỉ dọn bẩn cho anh một cái, ca mổ đó nhiễm trùng thì bệnh nhân chết, anh chết! Cho nên tôi không cào bằng và không bỏ sót ai.
Anh em người ta vẫn gọi "Thời của má Hải là thời hoàng kim, không ai bắt nạt được nhà mổ" là vì sao? Vì muốn vào được nhà mổ bao giờ xét nghiệm cũng phải ổn không, đủ không? Thiếu tôi không cho làm. Còn nghi ngờ, tôi cũng không cho làm. Thiếu xét nghiệm nhỡ bệnh nhân chết thì sao?
Thanh An: Đã từng có những lần xét nghiệm thiếu mà vẫn có chỉ lệnh đưa bệnh nhân vào phòng mổ?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Có chứ! Họ lấy cớ nọ cớ kia. Nhiều lắm! Cho nên người ta mới nói vào nhà mổ trước tiên phải gây. Gây là gây sự. Rồi mới mê. Gây mê mà!
Chẳng thiếu những lần phẫu thuật viên muốn mổ nhưng đứng về mặt gây mê hồi sức chưa đáp ứng được. Phải chuẩn bị thêm nếu không sẽ nguy hiểm ngay trên bàn hoặc lúc hậu phẫu. Bọn tôi cứ nửa đùa nửa thật, một khi phẫu thuật viên MÓT MỔ rồi thì khó cản lắm. Mình không đủ lý lẽ, không vững chuyên môn không dễ gì họ nghe mình.
Hiện tượng này không phải chỉ ở Việt Nam, tây tàu gì cũng vậy à!
Lý do phẫu thuật viên đưa ra nhiều nhất và dễ thành công nhất: ca này cấp cứu gấp cho nên phải thế! Anh gây mê vững nghề thì đâu có chịu. Vì thường thường bệnh nhân chết là người ta móc gây mê ra chịu đòn trước. Nước nào chả vậy.
Cho nên ở Mỹ, ở Nhật, ở Châu Âu... giá trả cho gây mê luôn cao hơn phẫu thuật viên. Là vì họ bị kiện nhiều! Còn Việt Nam khỏe lắm. Phẫu thuật viên cứ đổ hết cho gây mê.
Thanh An: Thưa bà, nếu để phẫu thuật viên đổ lỗi được thì có nghĩa là do anh gây mê đuối lý?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Thế mới nói, trên đời tìm được tay gây mê quỷ quái như tôi có phải dễ? Không dễ!
Thanh An: Gặp những trường hợp bất khả kháng đó bà xử lý như thế nào?
TS. Phan Thị Hồ Hải: Có trường hợp phẫu thuật viên là bác sĩ ngoại khoa tên tuổi lừng danh. Sau khi xem xét nghiệm kết hợp với thăm khám bệnh nhân, tôi không bằng lòng cho mổ. Ông lại trình bày với hội đồng là bệnh nhân viết thư khẩn thiết cầu xin. Ông không mổ bây giờ thì người ta tự tử.
Tôi vẫn giữ vững quan điểm: Chưa được! Vì ca này bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, nếu không ngừng lại để có thời giờ cho cơ thể trung hòa hết thuốc chống đông, khi mổ sẽ bị chảy máu.
Thế rồi sau không rõ bệnh nhân với bác sĩ ngoại khoa bàn bạc như thế nào mà ca phẫu thuật vẫn được tiến hành. Giám đốc bệnh viện trực tiếp gọi điện xuống nhà mổ trao đổi, tôi đành thưa: "Vâng em xin nghe lời anh Hai. Nhưng em sẽ ghi vào hồ sơ đó là ý kiến của anh". Tôi ghi thật.
Mổ xong 48 tiếng, tôi vào thăm và vừa hỏi được câu đầu tiên với bệnh nhân:
- Em thế nào?
- Em mệt!
Mấy phút sau bệnh nhân gục. Chết ngay tại chỗ!
Tôi gọi ngay X-quang lưu động đến phòng hồi sức yêu cầu chụp phim. Bệnh nhân chết tôi vẫn chụp. Kết quả là một bên phổi trắng xác ra. Tim to tướng chảy máu bởi vì chưa đủ thời gian để trung hòa thuốc chống đông. Đau đớn!
Từ nỗi đau đó tôi quyết liệt với toàn bệnh viện: Tuyệt đối không ai có thể can thiệp vào quyết định của nhà mổ. Tất cả mọi việc chúng tôi làm là nhằm để không bao giờ trường hợp đau xót của ngày hôm đó có thể xảy ra nữa.
Học trò của tôi như chị Phan Minh Tâm - Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức bệnh viện Nhi đồng 2), chị Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam... lớn tuổi rồi nhưng vẫn cứ nhắc: "Mọi người bảo chúng con dữ giống má Hải mà con vui sướng". Hôm bữa Minh Tâm gọi điện còn than thở: "Con dũng cảm đến bây giờ là để noi theo gương cô chứ còn không thì cũng bị gục rồi". Đấy, phụ nữ đi làm gây mê cho người đời thì bản thân luôn phải tỉnh táo, vững vàng trước đã, nhưng cũng có lắm lúc không đơn giản.
Thanh An: Rất cảm ơn bà với những chia sẻ hết sức quý báu này!