Huyền thoại có thật về cuộc trả thù đẫm máu của 47 samurai mất chủ ở Nhật bản

Gabe |

Chủ nhân bị kẻ xấu hãm hại vì tính tình quá ngay thẳng, bản thân trở thành những lãng nhân, chịu nhiều tủi hổ, song tất cả đều được thanh toán sòng phẳng bằng máu của kẻ thù.

Có thể nhiều người đã nghe tới câu chuyện về 47 lãng nhân (47 ronin), biểu tượng có danh dự và lòng trung thành của võ sĩ đạo Nhật Bản, nhưng không phải ai cũng hiểu rằng vì sao đó được coi như "huyền thoại quốc gia".

Vào đầu thế kỷ thứ 18, năm 1701, giống như nhiều nước phong kiến khác, Nhật Bản nằm dưới sự cai trị của Thiên Hoàng (nhà vua) ở Kyoto nhưng điểm khác biệt là thực quyền lại nằm trong tay của các Chinh di Đại tướng quân, cụ thể trong trường hợp này là Tokugawa Tsunayoshi tại Edo.

Hàng năm, để tỏ ý kính trọng, Đại tướng quân thường dâng cống vật tới Kyoto cho Thiên hoàng, đổi lại, khâm sai sẽ theo lệnh đi tới Edo.

Bi kịch bắt đầu

Khi khâm sai tới tới Edo, Tokugawa giao trọng trách tiếp đón cho 2 người thân cận là Naganori Asano, chúa tỉnh Harima và thành Ako, cùng Munehare Date chúa tỉnh Sendai.

Huyền thoại có thật về cuộc trả thù đẫm máu của 47 samurai mất chủ ở Nhật bản - Ảnh 1.

Chân dung lãnh chúa Asano

Mọi chuyện sẽ không có gì để nói nếu như khâm sai năm đó không phải là Yoshinaka Kira, hắn là 1 con cáo già, nhiều mưu mô và cực kỳ tham lam. Hắn yêu cầu Asano và Date phải đưa hối lộ nhiều món đồ giá trị.

Nhưng cả 2 lãnh chúa đều không đồng ý, điều này khiến Kira tức giận và thường xuyên lăng mạ, sỉ nhục Asano và Date. Sự quá quắt, ngang ngược lớn dần đến nỗi có lần Date nổi giận, suýt chút nữa rút gươm chém chết tên khâm sai tham lam.

Tuy nhiên, sau này, nghe theo lời khuyên của nhiều người và cả quân sư thân cận, "không nên động vào cọp", Date đành chấp nhận yêu sách và đưa nhiều món hối lộ cho Kira với mong muốn được yên thân.

Huyền thoại có thật về cuộc trả thù đẫm máu của 47 samurai mất chủ ở Nhật bản - Ảnh 2.

Chân dung tham quan Kira

Còn về phía Asano, vốn là người ngay thẳng, trung thực, ông không chấp nhận những việc xấu xa nhơ nhuốc đó. Cũng chính vì vậy mà căng thẳng giữa lãnh chúa vùng Harima với khâm sai Kira ngày một tăng lên.

Sau hơn 2 tháng chịu đựng sự nhục mạ, chèn ép quá đáng, Asano không thể nhẫn nhịn hơn được nữa và đã rút gươm chém thẳng vào Yoshinaka Kira ngay tại thành Edo nhưng hắn chỉ bị thương nhẹ mà không chết.

Vì hành động bất cẩn này, Asano bị Chinh di Đại tướng quân khép trọng tội, buộc phải thực hiện nghi thức Seppuku (mổ bụng) để tự sát, kèm theo đó là toàn bộ tài sản bị tịch thu, gia tộc bị truất quyền thừa kế và hơn 320 Samurai dưới trướng ông trở thành vô chủ và được gọi là lãng nhân (ronin - được hiểu là samurai mất chủ hoặc con người trôi dạt) trong khi Kira thì hoàn toàn vô sự.

Huyền thoại có thật về cuộc trả thù đẫm máu của 47 samurai mất chủ ở Nhật bản - Ảnh 3.

Lãnh chúa Asano tấn công Kira.

Đương nhiên, những thuộc hạ thân tín của lãnh chúa Asano vô cùng giận dữ và không thể chấp nhận được quyết định trên, họ cảm thấy việc Kira không bị kết tội bất kỳ điều gì là không công bằng.

Trước tình hình đen tối trên, trưởng quan và cũng là cánh tay phải của lãnh chúa, Oishi Kuranosuke đã lập tức hành động sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng với mọi người. Oishi đưa ra thỉnh cầu với Tokugawa, xin lấy lại danh dự cho gia tộc và ban cho em trai Asano làm lãnh chúa nếu không sẽ tử chiến đến cùng để giữ lại thành Ako.

Cuộc trả thù đẫm máu và huyền thoại sống mãi của Nhật Bản

Thế nhưng cố gắng bé nhỏ này đã thất bại khi em trai lãnh chúa là Daigaku Asano không muốn thuộc hạ phải mất mạng vô ích trước hàng trăm hàng ngàn quân Mạc phủ đang trên đường tới Ako, ông đã viết thư cho Oishi và ra lệnh phải tôn trọng và nghe theo quyết định của Đại tướng quân.

Cực chẳng đã, Oishi không thể bất tuân và đành cùng 59 võ sĩ Samurai khác đầu hàng vô điều kiện (trong số 321 lãng nhân, hầu hết đã bỏ trốn, chỉ còn lại 60 trung thành nhất). Tuy nhiên, ông cũng đã lên kế hoạch trả thù tham quan Kira để tế vong hồn lãnh chúa Asano.

Để thực hiện được kế hoạch động trời này, Oishi chia những Samurai trên thành nhiều nhóm nhỏ để che giấu ý định báo thù cũng như tránh tai mắt của Kira. Thậm chí, chính Oishi đã biến thành 1 kẻ nghiện rượu, cờ bạc có tiếng ở ngoại ô Kyoto.

Huyền thoại có thật về cuộc trả thù đẫm máu của 47 samurai mất chủ ở Nhật bản - Ảnh 4.

Oishi Kuranosuke - chỉ huy nhóm 47 lãng nhân

Trong khi đó, em trai của Asano quá cố, Daigaku thì bị giam lỏng trong 1 ngôi biệt thự của dòng họ với mục đích dập tắt mọi hy vọng tái thiết gia tộc của nhà Asano cùng các thuộc hạ trung thành.

Cứ như vậy, hơn 2 năm đã trôi qua, 60 lãng nhân kia, người thì nghiện rượu, người thì say mê cờ bạc, có kẻ thì buông kiếm đi bán rong... ai ai cũng chịu sự chửi mắng, phỉ nhổ của người đời vì không dám chiến đấu vì chủ nhân, nhưng mấy người hiểu được nỗi khổ của họ.

Cuối cùng, Kira cũng nghĩ rằng thuộc hạ của Asano quá cố đã hoàn toàn bỏ cuộc, mất hết ý chí. Hắn trở nên chủ quan và lơi lỏng đề phòng, chớp lấy cơ hội ngàn năm có 1 đó, Oishi Kuranosuke đã tổ chức 1 cuộc họp kín với 59 người anh em kia.

Trong đó, ông chỉ cho phép 46 người đi cùng mình, 13 người còn lại nhận lệnh phải quay trở lại với gia đình. Dù không muốn nhưng họ cũng không thể làm trái lệnh cấp trên.

Thế rồi vào 1 đêm tuyết rơi dày đặc, 47 lãng nhân trung thành bắt đầu tấn công dinh thự của Kira trong khi hắn đang tổ chức 1 buổi tiệc trà. Họ đã phải đối đầu với hơn 60 tay kiếm tinh nhuệ được Kira thu nhận trong suốt những năm làm quan.

Huyền thoại có thật về cuộc trả thù đẫm máu của 47 samurai mất chủ ở Nhật bản - Ảnh 5.

Đêm tấn công dinh thự của Kira

Nhưng kỳ lạ ở chỗ, dù tài giỏi đến mấy, 60 tay kiếm đó vẫn thất bại sau hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ mà không hạ được bất kỳ ai trong số 47 ronin. Trong số đó, kẻ bị chết, kẻ bị thương, máu văng khắp nơi, nhuộm đỏ tuyết trắng.

Về phần Yoshinaka Kira, hắn bị Oishi và đồng đội bắt được khi đang trốn trong 1 nhà kho nhỏ phía sau dinh thự. Cuối cùng, Kira bị chặt đầu do hèn nhát từ chối nghi thức Seppuku. Đầu của hắn được 47 lãng nhân đem đến chùa Tuyền Nhạc Tự để tế vong linh lãnh chúa Asano.

Sự việc chấn động này không những không khiến Chinh di Đại tướng quân tức giận mà ông còn cảm thấy vô cùng ấn tượng trước lòng trung thành và tinh thần võ sĩ đạo của 47 lãng nhân. Cuối cùng, dù không muốn nhưng Tokugawa vẫn phải xử họ chết nhưng được phép tự xử, chết trong danh dự.

Câu chuyện về 47 Samurai này đã trở thành huyền thoại của Nhật Bản, nó là biểu trưng cho lòng trung thành, danh dự và cả tinh thần võ sĩ đạo mà người Nhật luôn đề cao.

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại