Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy

Huy Hậu ghi. Ảnh: Huy Hậu |

"Mày khai không?" - tên đại uý hét lên. Hắn nốc cạn chai bia rồi đập nó thành chiếc lưỡi dao răng cưa. Hắn sấn tới, vừa túm chân tôi vừa đâm thẳng vào người - nữ biệt động Nguyễn Thị Mai nhớ lại ký ức năm hơn 16 tuổi.

Gần 45 năm kể từ ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất Đất nước, nhưng họ - những Biệt Động Sài Gòn cuối cùng còn sống tới nay, vẫn không thôi ám ảnh về nỗi đau, sự huỷ diệt tàn bạo từ cuộc chiến phi nghĩa.

Họ từng chiến đấu dưới làn đạn bay như rải trấu, bị tra tấn kinh hoàng, bị lửa thiêu sống.

Họ chứng kiến cái chết nhiều đến mức không thể khóc thêm được nữa… Nhưng họ - đội đặc công quân Biệt Động Sài Gòn vẫn sẵn sàng cầm súng.

Điều gì khiến họ trở nên "bất tử" như thế?

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2019), chúng tôi trở lại thăm nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai - người được mệnh danh là "con thoi sắt" thời chiến.

***

Chúng bó 2 chân tôi lại bằng nilon, hết lớp này đến lớp khác, như cục chả giò, chính giữa thì chế thêm 2 chai xăng. Xong xuôi, chúng móc tôi vào ròng rọc, kéo lên giữa cột cờ. Xăng cùng màu rỉ ra từ vai, tay, mặt... và khắp các khe hở trên người tôi.

"Để tao xem mày chịu được cỡ nào?" - tên đại uý cười.

"Chị Năm ơi chị Năm, khai đi chị Năm, chứ chị chịu hổng nổi đâu. Nó giết chị mất." - Thằng Chùng nài nỉ.  

Tôi ngắc ngư đầu sang một bên, im lặng như đã chết. Càng bị kéo lên cao, mớ dây thừng càng cứa vào thịt như những nhát dao, máu đòng đòng nhỏ khắp mặt sân. Bên dưới, đám lính vây tròn, đứng cười khanh khách như xem xiếc.

"Chị Năm ơi chị Năm, nó giết chị mất, chị Năm ơi!" - thằng Chùng vẫn gào lên. "Thằng chó, mày im đi… Tao không chị mày" - tôi thét bằng chút sức cạn cuối cùng.

"Mày khai không?", "Tao hỏi lần cuối, mày không khai thì chết?", tên đồ tể gào lên, cầm cây đuốc lớn quăng vào chân phải tôi. Lửa bắt ngọn dầu, cháy phừng phừng. Lửa lan nhanh, chạy khắp cơ thể, nilon chảy xệ xuống kéo theo mớ thịt, da dẻ tôi... nhỏ giọt xuống đất.

Chúng đốt tôi rồi! Đốt sống tôi rồi! Một cái chết đã được định đoạt khi tôi vẫn còn thở, tim vẫn còn đập. 10 năm nay, từ khi bước vào trận vũ bão này, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người thân thiết của mình ngã xuống. Và hôm nay, đến ngày tôi chết? Chết trước khi Sài Gòn giải phóng? Chết trước khi Kiều về, hỏi cưới tôi? Chết một mình, dưới cột cờ chiến tranh phi nghĩa? Tôi hận.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 2.

Một bức ảnh được chụp lại sau lần đầu tôi vào tù. Ảnh: NVCC.

"Chị Năm khai đi chị Năm! Chị Năm""Mày khai không?"."Mở chân tôi đi rồi tôi khai", tôi mở mắt bùng bùng lửa ra nhìn chúng.  Nghe thấy, tên đại uý bật cười: "Tốt, tốt".

Bọn đồ tể vừa cắt sợi dây ra thì tôi đã quệt chân phải vào chân trái, cho tất cả cùng cháy. Giờ thì đích thị cả người tôi đều rực rỡ như đuốc. Bọn chúng tán loạn, tháo chạy ồ ạt. "Nó điên rồi", "Nó điên rồi…", cả một quảng trường rộng lớn rượt đuổi nhau trong lửa.

Cho đến khi tôi kiệt sức, ngửa mặt lên trời. Tôi nhớ má. Nhớ ba. Nhớ Thuỷ. Nhớ Kiều. Nhớ cái hôm Kiều đứng ở bến tàu lên đường chiến đấu, tôi còn vội đổi đôi dép cho chàng: "Đường xa, lấy dép tui đi. Đưa đôi dép ràng dây chuối tui mang, mai mốt ra chợ tui mua đôi khác…", Kiều tủm tỉm cười: "Giải phóng anh cưới em…". Đôi dép tôi đi chưa đứt thì chúng đã giết tôi. Tôi muốn gào lên ngàn lần xin lỗi Kiều, ngàn lần từ biệt Kiều.

"Tụi nó đốt em, tụi nó giết em rồi. Kiều ơi!"…

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 3.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng với bà Mai, đó là hồi ức không thể quên.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 4.

Từ lúc nhận thức được về cuộc chiến tranh phi nghĩa này, chúng tôi đã đem lòng ôm hận giặc Tây. Hồi đó, mỗi lần giặc tràn vào làng, chúng lại giết hại dân thường. Đàn bà, con gái thì chúng hãm hiếp, đàn ông, con trai thì chúng sát hại, đặt ở ngã ba, ngã tư, thị uy. Chúng vơ vét hết lúa gạo, thiêu trụi nhà cửa… Cả một vùng quê lớn chỉ còn là tro tàn.

Nhưng hồi đó, ba má tôi vẫn một mực làm cách mạng. Lên 10 tuổi, ba má giao cho tôi cái thúng chuối xanh, sáng sáng dặn tôi gánh ra bến tàu giao cho bộ đội rồi về. Đến năm 16, tôi mới biết trong những nải chuối còn có cả thư từ, tài liệu bộ đội đem ra miền Bắc. Tôi lấy làm tự hào.

Năm 1964, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Một hôm, chú Mười Đạo ra nhà, dặm hỏi ý đưa tôi vào Sài Gòn tham gia biệt động, tôi lập tức đồng ý. Hôm đó, trước khi lên đường, tôi rẽ qua nhà, nói ba má: "Con đi miền Nam chiến đấu". Ba má nhìn tôi, khóc mướt.

"Con vào đó, đường đi thì khó, đường về xem như không. Con mà hy sinh thì ba má đau, nhưng đau một. Còn con phản cách mạng thì ba má đau mười…" - má vừa nói vừa mếu. Tôi vâng một tiếng rồi cùng chú Mười Đạo ra bến tàu đi Sài Gòn.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 5.

Ngày còn là thiếu nữ, tôi tham gia giao liên giúp bộ đội ở Quảng Nam. Ảnh: NVCC.

Tàu lênh đênh trên biển 4 ngày, tôi ở với chú Mười Đạo. Trong số tân binh vào Nam đợt đó chỉ có tôi là con gái, người đẹt lẹt như con mắm khô.

Tới Sài Gòn, tôi ở lại nhà chú Mười Đạo. Lần đầu vợ chú đãi món cơm trắng với dưa cà, tôi mừng hết nước mắt, ước khi nào giải phóng, về quê, tôi sẽ nấu cho má ăn món đó thay vì vùi ngô với củ chuối. Tối đến, vợ chú Mười Đạo mua cho 2 bộ đồ, 1 đôi guốc. Rồi tôi cùng chú lên xe máy đi Củ Chi để nhận nhiệm vụ liền.

"Đi trong này lái xe thì bên phải, không phải như ngoài quê đi đâu cũng được. Cảnh sát nó để ý…", vừa đi, chú Mười Đạo vừa dặn.

"Bên phải là bên nào chú?", tôi hỏi.

"Thì tay phải con đó".

"Tay phải là tay nào chú?". Nghe xong, chú Mười Đạo ôm bụng cười, chú cầm tay tôi lên đập chanh chách, "nè nè cô", tôi cũng xấu hổ cười theo. Sáng hôm sau, sợ quên lời chú, tôi lấy miếng vải sẫm màu buộc bên cánh tay chú chỉ, để định vị bên phải, rồi bắt đầu ra đường.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 6.

Bà anh dũng qua biết bao trận đấu với quân giặc. Ảnh: NVCC.

Ở Củ Chi huấn luyện hơn một tháng thì tôi rành rọt địa hình hẳn. Tôi nhận nhiệm vụ chuyển thơ từ, tài liệu, kíp nổ. 

Cứ cách 3 ngày, tôi lại mặc áo bà ba, đạp xe chở rau muống, chuối, củi,… xuống chợ Phước Thịnh (Củ Chi) đứng bán. Đến trưa, nhận thư xong thì nhét vào trong rau củ, quần lót, áo ngực rồi đạp xe về Sài Gòn. Tuần này, nếu tôi đi QL.22 thì đợt sau phải vòng qua lộ 8, đi đò xuống Bình Dương, về Gò Vấp (Sài Gòn)… Cứ phải thay đổi hướng xoành xoạch để tránh cảnh sát.

Hôm đó, tôi nhận giao 9 lá thư của tân binh gửi về nhà, 6 xấp tài liệu mật và 30 cái kíp nổ. Tài liệu thì tôi nhét vào quần lót, thư thì dòm qua một lượt, học thuộc địa chỉ rồi xé bìa, quấn nhỏ bằng điếu thuốc lá cho vào cái khăn mùi xoa. 

Tôi mua thêm một thúng khổ qua, mổ bụng từng quả rồi nhét kíp nổ vô giữa, cứ 5 quả khổ thì tôi nêm thêm 5 quả còn nguyên, chất lên xe đạp chở ra tới QL22 thì đón xe lam về thành phố.

Xe chạy đến ngã 3 Chợ Bà Điểm (Hóc Môn) thì tôi thấy cảnh sát vây đông nghịt. Nghĩ chuyện chẳng lành, tôi vội đút thúng khổ sâu dưới gầm ghế xe. Cảnh sát bắt bà con xuống, lục soát từng người. Đến lượt tôi, chúng moi xấp tài liệu ra khỏi quần lót, mặt đanh lại, "chuyến này thu hoạch lớn rồi". Tôi như gãy rụng, nghĩ mình lành ít dữ nhiều.

Chúng tiếp tục sờ soạng khắp cơ thể. Lúc lên tới cánh tay thì tôi lấy khăn mùi xoa cho vào miệng nhai ngấu nghiến. 2 tên cảnh sát đứng gần thấy liền bóp cổ, móc tay vào cuống họng để lôi cái khăn cùng một đống bã ướt đẫm. "Cái này của ai? Mang tới đâu hả con quỷ?", chúng tức giận đập đầu tôi.

Một lúc sau, chúng cắp cái thúng khổ qua ra khỏi xe, đổ xuống đường. Từng trái, từng trái lăn lông lốc, tôi nín thở. Chúng lụm những trái bị móc ruột dí vào mặt tôi, cười: "Lần này đi đời nha con quỷ". 15 phút sau thì bà con hoảng hốt leo lên xe về Sài Gòn, riêng tôi thì chúng còng tay, nhốt vào xe bọc thép chở đi.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 7.

Kỉ vật là những tư liệu và giấy ra tù được bà Mai cất giữ cẩn thận.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 8.

Ba trắc chúng đập đầu, mẻ chai chúng rạch từ từ, từ mặt xuống bắp chân, đầu sắt thì chúng kẹp vô vành tai, núm vú, kích điện. Điện chạy qua người, tôi nhảy đành đạch như con cá. Mùi thịt khét lẹt làm chúng thêm khoái chí. Cứ thế, cách 2-3 ngày, bọn đồ tể lại lôi tôi vào hành hình, làm đủ trò địa ngục. Chúng đâu còn là con người nữa!

Lần đầu, bước vào căn buồng ấy, nhìn mớ dây thừng treo tòn ten, chai lọ, bàn ghế tướm máu, tôi đã biết chắc mình là cá nằm trên thớt. 

Nhưng chúng hỏi cách mấy thì tôi cũng chỉ chắc nịch: "Quê ở Quảng Nam, dân bụi đời, ngủ ở chợ Cầu Muối, ai cho tiền mướn gì thì làm nấy. Bữa có một ông tên Ba, da trắng, tóc bạc thuê tôi đi giao rau cho ổng ở chợ Củ Chi về bãi rác Sài Gòn. Ổng trả tiền thì tôi làm…". Nghe xong, chúng đập đầu tôi tàn bạo hơn.

Một đêm, chúng còng tôi lại, dắt ra bãi rác để đứng chờ "ông Ba". Tôi đứng thất thểu nhưng trong bụng thì đánh lô tô rộn rã vì lừa được bọn giặc. Tự nhiên, giữa buổi, chú Mười Đạo đi đâu về lại tạt qua con đường đó. Từ xa, thấy dáng chú, tim tôi đã đập muốn bể lồng ngực. 5, 6 tên lính đứng cạnh, đứa nào cũng khát máu. Chúng như đàn chó săn háu đói. Và chỉ cần chú Mười Đạo nhỡ xui liếc tôi một cái thôi thì tôi nghĩ chúng sẽ có thể nhảy vào, thi nhau mà xâu xé chú mất. 

Tôi ngửa mặt lên trời, không ngừng cầu nguyện cho đến khi bóng chú khuất cuối đường thì mới dám thở nhẹ một cái.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 9.

Cảm giác về những ngón nghề tra tấn vẫn ám ảnh bà mãi.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 10.

Ảnh: NVCC.

Gần nửa đêm, không bắt được người, bọn đồ tể lại túm đầu lôi tôi về buồng tra khảo, tiếp tục chơi đủ trò hèn hạ. "Đêm nay, mày có muốn về Quảng Nam không?" - tên đại uý hạ giọng hỏi.  Tôi im lặng.

"Mày muốn về Quảng Nam không thì tao cho về?" - hắn nhắc lại.

"Mấy ông đưa thì tôi đi", tôi đáp, giọng thều thào.

"Muốn đi máy bay hay đi tàu thuỷ?"

"Đi máy bay". Đợt trước vào Sài Gòn tôi đi tàu rồi nên đợt này tôi muốn đi máy bay cho mới lạ.

Nghe xong, bọn đồ tể thi nhau cười. Tôi chẳng bao giờ ngờ chuyến "tàu bay" ấy hoá ra là một màn tra tấn dã man hơn, tàn nhẫn hơn của chúng. 

Chúng cột chân, treo ngược tôi tòng teng lên trần nhà. Rồi 2 tên, 2 bên, cầm ba trắc đập liên hồi. Tôi như cái bịch vậy, tên bên trái đập vào đầu, tôi xoay vòng rồi đánh đu qua tiếp cây ba trắc của thằng bên phải. Trái phải… trái phải… trái phải… cho đến khi tôi rớt xuống nền xi-măng, đầu mềm nhũn ra như trái bơ nước.

"Đi tàu bay vui không?" - tên đại uý cười khanh khách. Tôi ngất lịm.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 11.

Mỗi ngày, chúng thi nhau bày thêm một trò tra khảo mới, đến nửa đêm thì quăng tôi về xà-lim (phòng giam-PV). Tôi cứ nằm vậy, ướt đẫm trong vũng máu, không còn biết chỗ nào trên người đang chảy máu, đang đau. Khi trời còn chưa hửng sáng thì tôi đã trong buồng hành hình. Nhưng suốt 3 tháng, tôi không khai bất cứ lời nào.

Một khuya, chúng lôi cổ tôi lên buồng. Tôi đã mềm nhũn sau trận đòn buổi sáng nên cứ mặc kệ cho bọn đồ tể lần lượt xé quần, lột áo, cột tay chân vào ván gỗ.

Xong xuôi, chúng bắt một con lươn nhỉnh hơn ngón chân cái, đưa lên trước mặt, rồi từ từ nhét vào trong cửa mình tôi. "Để xem trận này mày chịu sao?" - tên đồ tể cười hanh hách. Con lươn nhờn nhụa luồng vào thịt da thịt... 

Tôi nằm im, mắt đã lăn sòng sọc.

Huyền thoại Biệt động Sài Gòn: Màn tra tấn kinh hoàng, đau đớn, hiểm độc chưa từng thấy - Ảnh 12.

"Con thoi sắt" Biệt Động Sài Gòn đã chịu những đòn tra tấn khủng khiếp. Ảnh: NVCC.

"Mày khai không???" - tên đại uý hét lên. Hắn nốc cạn chai bia rồi đập nó thành chiếc lưỡi dao răng cưa. Hắn sấn tới, vừa túm chân tôi vừa đâm thẳng vào người. "Không khai… Không khai…", vừa đâm, hắn vừa gầm thét. Máu tôi bắn hết lên mặt, lên người hắn, đỏ ối. 

Bọn đồ tể khiếp sợ, lùi ra xa. Tôi ngất, nghĩ mình đã chết đi cùng con lươn.

***

Kỳ tiếp: Huyền thoại Biệt Động Sài Gòn: "Chị Năm khai đi chị Năm. Nó giết chị mất"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại