Huyện tại Thủ đô chuẩn bị lên quận: Quy tụ đại dự án to ngang ngửa quận Hoàn Kiếm, chục tỷ một kiot buôn quần áo, 12 xã và thị trấn gộp thành 6 phường

Nhật Minh |

Dự kiến 12 xã và thị trấn của huyện Gia Lâm sẽ gộp còn 6 phường.

Sáng ngày 22/9, tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, chủ trương lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên hơn 116 km2, dân số hơn 300.000 được các đại biểu HĐND TP Hà Nội tán thành thông qua.

Theo đó, quận Gia Lâm gồm 16 phường, được thành lập trên cơ sở 22 xã, thị trấn cũ.

Đáng chú ý, 12 xã và thị trấn gồm thị trấn Yên Viên, xã Yên Viên, xã Trung Mầu, Phù Đổng, Đình Xuyên, Dương Hà, Kim Sơn, Phú Thị, Bát Tràng, Đông Dư, Văn Đức, Kim Lan sẽ gộp còn 6 phường .

Lên quận, Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía đông của Thủ đô với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng được xây dựng theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với đô thị và dịch vụ.

Ở cửa ngõ nối thủ đô với tam giác kinh tế vùng Đông Bắc gồm Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh, Gia Lâm là điểm đến của chiến lược di cư, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng nội đô. Liên tục trong 2 năm qua, cùng với Đông Anh, Gia Lâm được Hà Nội ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Hiện Gia Lâm đã đạt 5/5 tiêu chuẩn để thành lập quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Cùng với đó, huyện quy tụ đủ hệ thống logistics, cảng cạn, chợ, siêu thị, công viên chuyên đề, cùng hơn 300 di tích văn hóa.

9 cây cầu, 2 tuyến metro kết nối trung tâm Hà Nội

Hiện tại, để vào trung tâm thành phố, người dân địa phương sẽ di chuyển qua cầu Thanh Trì. Cách đó khoảng 5 km có thêm cầu Vĩnh Tuy 1 và 2, thuộc quận Long Biên. Ngoài ra, ba cây cầu bắc qua sông Đuống là cầu Phù Đổng 1, 2 và cầu Đuống sẽ kết nối huyện Gia Lâm với một phần quận Long Biên.

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội dự kiến xây cầu Ngọc Hồi dài 4 km bắc qua huyện Thanh Trì và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.880 tỷ đồng, đi trùng với đường vành đai 3.5 đang thi công.

Huyện Gia Lâm cũng sẽ có thêm 3 câu cầu vượt sông Đuống, nâng cao khả năng kết nối giữa quận Long Biên, huyện Gia Lâm và tỉnh Hưng Yên. Cụ thể là cầu Đuống mới dài 2 km, cầu nối đường Gia Thượng (Long Biên) với quốc lộ 3 (Gia Lâm), cầu Giang Biên dài 4 km nối quận Long Biên sang Ninh Hiệp.

Như vậy, đến năm 2030, dự kiến huyện Gia Lâm sẽ có tất cả 9 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống.

Bên cạnh đó, dự kiến giai đoạn 2020 - 2050 sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) - Yên Viên - Như Quỳnh và số 8 Sơn Động (Hoài Đức) - Mai Dịch - Dương Xá đi qua địa phận huyện Gia Lâm.

Giờ đây, huyện Gia Lâm đang dần định hình dáng vóc một vùng đô thị hiện đại. Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có 4 tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: Đường đê Long Biên – Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội – Hưng Yên), Quốc lộ 17, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 (cũ) kết nối với Hưng Yên, hải Phòng.

Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn.

Trong tương lai, sẽ có nhiều tuyến đường sẽ mở qua Gia Lâm như Vành đai 3.5, loạt tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng, đường gom Quốc lộ 3 trị giá 135 tỷ đồng, đường 179 dọc đê Phù Đổng gần 180 tỷ đồng,…

Hai tuyến metro kết hợp với các tuyến đường trọng điểm, các cây cầu sắp xây sẽ giúp việc lưu thông giữa Gia Lâm với nội đô và các địa phương lân cận trở nên thuận tiện hơn.

Cùng với phát triển giao thông, vài năm gần đây, Gia Lâm đầu tư phát triển nhiều đại đô thị cùng dự án dân sinh, nổi bật nhất là Vinhomes Ocean Park do Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức vốn 3,5 tỷ USD. Dự án rộng 420 ha, bằng 80% diện tích quận Hoàn Kiếm. Hay như dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng,…

Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế của huyện này đều ở mức cao thời gian qua. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 3.981 tỷ đồng, bằng 124,4% kế hoạch. Trong năm 2022 thu cao gấp 1,6 lần năm trước. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh qua các năm, đạt 71,7 triệu đồng/người vào năm 2022, dự kiến đến năm 2025 đạt 86 triệu đồng/người một năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ. Đơn cử một thị trường ngách là kinh doanh quần áo, vải tại khu chợ Ninh Hiệp đã khiến Gia Lâm được mệnh danh “con đường tơ lụa toàn miền Bắc”. Khu chợ rộng khoảng 6.000 m2 nhưng tập trung đến hàng nghìn tiểu thương, chỉ riêng một gian hàng xuất đi khoảng vài tỷ đồng tiền hàng mỗi ngày.

Đáng chú ý, một kiot bán hàng cũng có giá bán lên tới hàng chục tỷ đồng. Thậm chí tại vị trí trung tâm chợ, con số này cao hơn gấp 2 – 3 lần. Theo nhiều website bất động sản, truyền thông và mạng xã hội, một số kiot tại Ninh Hiệp có giá bán ngang ngửa với khu vực phố cổ . Dù mức giá cao chót vót, song các chủ sở hữu cũng không có nhu cầu bán ra. Bởi tiềm năng kinh doanh tại khu vực này rất lớn.

Ngoài ra, một nhân tố góp sức quan trọng trong dịch chuyển kinh tế Gia Lâm là khu công nghiệp. Hiện huyện đang dành 283 ha đất làm 3 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp. Cụ thể là Khu CN Sài Đồng B, Khu CN Hà Nội – Đài Tư, CCN công nghiệp Phú Thị, CCN Ninh Hiệp, Cụm sản xuất làng nghề tập trung Kiêu Kỵ, CCN làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng), CCN thực phẩm Hapro.

Riêng các CCN tạo việc làm cho gần 8.700 lao động, với thu nhập bình quân mỗi tháng là 6,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, huyện cũng đang quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc 302,8ha.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại