Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/1/2024, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 35% trở lên. Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có 25 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 05 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V.
Đáng chú ý, tỉnh này có thêm 5 đô thị so với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 2/2021.
Cụ thể gồm Đô thị Thái Thụy (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III trên cơ sở toàn huyện Thái Thụy); Đô thị Trà Giang, huyện Kiến Xương (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại V, nằm trong ranh giới mở rộng thành phố Thái Bình); Đô thị Nam Trung, huyện Tiền Hải (đến năm 2020 đạt tiêu chí đô thị loại V); Đô thị Cộng Hòa, Hồng Minh, huyện Hưng Hà (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại V).
Với Đô thị Thái Thụy, trước đó, theo bản dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, đô thị này được đề xuất quy hoạch trên cơ sở toàn bộ huyện Thái Thụy hiện nay. Đây là huyện rộng nhất tỉnh này với diện tích 256,4 km2, tương đương 25.600ha, mật độ dân số hơn 1.040 người/km2.
Huyện Thái Thụy hiện có thị trấn Diêm Điền là đô thị loại IV. Thị trấn thuộc Khu kinh tế Thái Bình - khu kinh tế trọng điểm của tỉnh với diện tích trên 30.500ha gồm 22 khu công nghiệp cùng với các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và của tỉnh luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư.
Ngoài ra, đây cũng vừa là đô thị tiểu vùng Đông Bắc của vùng tỉnh Thái Bình, vừa là đô thị trung tâm vùng của Khu kinh tế Thái Bình gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng của khu bến Diêm Điền, Tân Sơn.
Đô thị mới Hồng Minh, xã Hồng Minh hiện nằm về phía nam huyện Hưng Hà. Khu vực quy hoạch là vùng phát triển tổng hợp đa ngành gồm dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn của huyện Hưng Hà. Tổng diện tích đất tự nhiên 898,39 ha; dân số khoảng 8.859 người; mật độ dân số 986,5 người/km2. Kinh tế chủ lực là dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,4 triệu đồng/người/năm.
Với đô thị mới Cộng Hòa, xã Cộng Hòa hiện nằm về phía bắc huyện Hưng Hà, giáp tỉnh Hưng Yên). Khu vực này được quy hoạch là vùng phát triển tổng hợp đa ngành gồm dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn của huyện Hưng Hà. Tổng diện tích đất tự nhiên 632,79 ha; dân số khoảng 7.174 người; mật độ dân số 1.135 người/km2. Kinh tế chủ lực là dịch vụ, nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,35 triệu đồng/người/năm.
Đô thị Trà Giang, bao gồm xã Trà Giang và các xã An Bình, Quốc Tuấn, nằm về phía Bắc huyện Kiến Xương. Đô thị này quy hoạch là vùng phát triển tổng hợp đa ngành gồm dịch vụ, đô thị và nông thôn của huyện Kiến Xương. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 19,98 km2 (1.998ha); dân số khoảng 16.874 người; mật độ dân số 844,5 người/km2. Kinh tế chủ lực là dịch vụ, nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng/người/năm.
Đối với đô thị mới Nam Trung, xã Nam Trung hiện nằm về phía nam huyện Tiền Hải, được quy hoạch là vùng phát triển tổng hợp đa ngành gồm dịch vụ, đô thị và nông thôn của huyện Tiền Hải. Tổng diện tích đất tự nhiên 786,6 ha; dân số khoảng 11.678 người; mật độ dân số 1.485,7 người/km2. Kinh tế chủ lực là dịch vụ, nông nghiệp.
Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.534,4 km2, nhỏ thứ 10 cả nước, chiếm 0,5% diện tích Việt Nam. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.
Phía Bắc giáp tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Phía Nam giáp tỉnh Nam Định; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ, biển Đông. Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam.
Tỉnh Thái Bình có 08 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ và Vũ Thư. Những năm qua, Thái Bình được đánh giá là tỉnh năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư,…