Hủy tấn công Iran vào phút chót: Trump trao chiến thắng cho “kẻ thù“?

Hồng Anh |

Việc hủy quyết định tấn công Iran khiến nhiều người cho rằng ông Trump đã gián tiếp trao chiến thắng cho Iran – quốc gia mà Mỹ xem là "kẻ thù nguy hiểm".

Bằng cách rút lại lệnh khai hỏa chiến dịch quân sự tấn công Iran chỉ 10 phút sau khi phê chuẩn, Tổng thống Trump đã giúp Mỹ tránh bờ vực chiến tranh nguy hiểm mà một số chuyên gia cho rằng “sẽ là mẹ của tất cả cuộc xung đột ở Trung Đông”. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về cách xử lý tình huống của ông với vai trò là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ.

Trong một tuyên bố ngày 21/6, ông Trump xác nhận đã hủy bỏ kế hoạch không kích nhằm vào Iran. “Chúng tôi đã lên nòng súng và chuẩn bị cho việc trả đũa nhằm vào 3 điểm khác nhau. Khi tôi hỏi có bao nhiêu người sẽ chết, 150 người là câu trả lời từ một vị tướng. 10 phút trước khi diễn ra cuộc không kích, tôi đã ra lệnh dừng lại vì việc này không tương xứng với vụ bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Tôi không vội”, ông Trump lý giải về quyết định của mình.

Một số nhà phân tích cho rằng, bằng cách hủy cuộc tấn công Iran , Tổng thống Trump đã thành thật với chính bản thân ông, tránh bị sa lầy vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Đây là nguyên tắc cốt lõi của niềm tin chính trị mà ông theo đuổi bấy lâu nay và là trọng tâm của kế hoạch giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11/ 2020. Nhưng đồng thời, quyết định đảo ngược này cũng cho thấy một chính sách thiếu nhất quán về vấn đề an ninh quốc gia trong nội bộ nước Mỹ vào thời điểm Bộ Quốc phòng chưa tìm được người thích hợp đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng lâu dài.

Quyết định mang tính thức thời

Việc hoãn tấn công vào phút chót của Tổng thống Trump cho thấy có quá ít biện pháp mà ông chủ Nhà Trắng được phép lựa chọn để đáp trả hành động bắn hạ máy bay của Iran mà không gây leo thang căng thẳng. Nhưng ông Trump đã có quyết định khôn ngoan nhằm ngăn chặn một chuỗi các sự kiện có thể kéo Washington vào một cuộc chiến khác không có hồi kết. Theo cây bút Stephen Collinson của tờ CNN, ông Trump đã cứu mạng sống của nhiều người Iran và cả người Mỹ. “Có lẽ điều khó nhất đối với bất kỳ Tổng thống nào là phải ngăn chặn đà tấn công quân sự khi mà các chính trị gia và tướng lĩnh quân sự đều ủng hộ nó”.

Tổng thống Trump trước hết đã không lạm quyền và bỏ qua vai trò của Quốc hội. Bởi nếu muốn phát động chiến tranh với một quốc gia khác, trong trường hợp này sẽ là cuộc chiến hao người tốn của, Tổng thống cần phải được sự phê chuẩn của Quốc hội, hay nói cách khác là cần một nghị quyết chính thức tại Quốc hội về việc sử dụng vũ lực. Trong lịch sử có đôi lần các Tổng thống tiền nhiệm đã tranh thẩm quyền của Quốc hội cho phép tiến hành tấn công quân sự vào một quốc gia khác.

Thứ hai, một cuộc xung đột quân sự với Iran có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với người Mỹ tại Trung Đông. Không giống như đất nước Syria mà ông Trump đã hai lần ra lệnh thực hiến chiến dịch không kích vào năm 2017 và 2018, Iran có khả năng xúc tiến các hoạt động trả đũa trên khắp Trung Đông. Iran và những lực lượng do nước này hậu thuẫn có sự hiện diện tại nhiều quốc gia như Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Iran cũng có hàng nghìn tên lửa với tầm bắn lên đến 1.500 dặm có thể tấn công chính xác nhiều mục tiêu trong khu vực như Israel, thậm chí vươn xa tới khu vực đông nam Châu Âu.

Những nhân vật cứng rắn hơn ở Iran có thể dễ dàng huy động lực lượng hoặc các phe cánh ủng hộ họ chống lại quân đội Mỹ ở cả Iraq, Syria hoặc chống lại các mục tiêu thương mại Mỹ ở Trung Đông. Minh chứng rõ ràng cho nhận định này là vụ việc xảy ra ngày 20/6 khi một quả tên lửa rơi trúng trụ sở công ty khai thác dầu mỏ ExxonMobil của Mỹ ở miền nam Iraq. Không rõ ai đứng sau vụ tấn công, nhưng có nhiều đồn đoán cho rằng lực lượng dân quân Shia liên kết với Iran đã thực hiện.

Cuối cùng, Mỹ sẽ nhận được rất ít sự ủng hộ từ các đồng minh Châu Âu của nước này nếu tấn công Iran bởi Iran thực hiện rất nghiêm túc những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký kết với nhóm P5+1 năm 2015. Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 và áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc đối với Iran mà không tính đến lợi ích của các đồng minh liên quan. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn không tính đến kế hoạch B để chuẩn bị cho kịch bản sẽ xảy ra tiếp theo khi mà Iran làm mọi cách để đẩy lùi lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế của họ.

Mặt trái của việc đảo ngược quyết định tấn công Iran

Tại Washignton, từng có ý kiến cho rằng ông Trump thật may mắn khi chưa phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp an ninh quốc gia nghiêm trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Song tình hình giờ đây đã thay đổi.

Cây bút Stephen Collinson của CNN nhận xét: “Ông Trump – vị Tổng thống đã đảo ngược tất cả mọi thứ mà người tiền nhiệm Barack Obama gây dựng nên trong suốt nhiệm kỳ -không thích sự so sánh, nhưng rõ ràng quyết định nói trên của ông phần nào giống với quyết định của ông Obama dừng kế hoạch tấn công quân sự vào Syria năm 2013 để thực thi “giới hạn đỏ” của ông đối với cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học”. Động thái của cựu Tổng thống Obama đã bị chỉ trích bởi các nghị sỹ Cộng hòa – những người mà hiện giờ đang ủng hộ mạnh mẽ ông Trump.

Tổng thống Trump đã bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khó khăn nhất liên quan đến Iran. Ông bị mắc kẹt giữa các nghị sỹ Cộng hòa yêu cầu đưa ra phản ứng cứng rắn và các nghị sỹ Dân chủ cảnh báo ông có thể lún sâu vào chiến tranh với Iran. Việc đảo ngược quyết định tấn công Iran khiến ông chủ Nhà Trằng phần nào có được thiện cảm từ những nhân vật lâu nay chỉ trích chính sách của ông với Iran, nhưng nó lại gây chia rẽ sâu sắc trong chính quyền khi mà các thành viên chủ chốt như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hay Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton luôn ủng hộ việc thực thi những hành động cứng rắn đối với Tehran.

Thông thường Tổng thống Trump chỉ thực thi một hành động tương lai trong chính sách đối ngoại khi xác định được hành động này nhanh chóng mang lại lợi ích cho ông về mặt chính trị. Tránh tham gia vào một cuộc xung đột ở nước ngoài là nguyên tắc cốt lõi của “chủ nghĩa Trump”. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí không muốn triển khai binh sỹ tại các quốc gia đồng minh ngay trong thời bình, chứ đừng nói đến việc đưa quân đến tham chiến một khu vực nhiều bất ổn như vùng Vịnh.

Nhưng việc không đáp trả cuộc tấn công của Iran, dù chỉ là một phản ứng quân sự “kiềm chế” như bắn hạ máy bay không người lái của Iran hay tấn công căn cứ của Iran – nơi đã bắn tên lửa nhằm vào máy bay Mỹ, làm gia tăng ấn tượng rằng lời đe dọa “lửa và sự giận giữ”, cũng như tính cách mạnh mẽ của ông Trump hiếm khi biến thành hành động thực tiễn.

Nhìn rộng hơn, việc Mỹ hủy cuộc tấn công sẽ thu hút sự chú ý của các đối thủ và khiến họ nghĩ rằng ông Trump đã gián tiếp trao chiến thắng cho Iran – quốc gia mà Mỹ xem là “kẻ thù nguy hiểm”, bằng cách cho thấy Tehran có thể bắn hạ máy bay do thám không người lái trị giá 110 triệu USD của Mỹ mà không bị trừng phạt. Bên cạnh đó, sự đảo ngược quyết định tấn công Iran của ông Trump dễ khiến Iran thấy rằng quốc gia này có đòn bẩy để hành động chống lại các lợi ích của Mỹ miễn là không vượt quá “ranh giới đỏ” mới Tổng thống Trump đặt ra.

Iran không dễ đối thoại với Mỹ

Dù Tổng thống Trump rút lại quyết định tấn công Iran nhưng theo một số nhà phân tích, không có dấu hiệu nào cho thấy bước lùi này sẽ mở đường cho sự đột phá trong giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran hoặc Iran sẽ coi đây là động lực để mở ra một cuộc đối thoại với Mỹ.

Có lẽ đây là lần đầu tiên, ông Trump bị buộc phải giải quyết một vấn đề khó khăn mang tính cổ điển trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, một vấn đề mà ai cũng biết là không mang lại kết quả tốt đẹp và thường kết thúc trên bàn của Tổng thống vì những nhân vật khác không đủ năng lực để xử lý. Tổng thống Trump có lẽ đã phải suy tính rất kỹ lưỡng bởi sinh mạng của người Mỹ phụ thuộc vào phản ứng của ông. Ông cần lường trước nguy cơ Mỹ có thể bị kéo vào cuộc chiến với một quốc gia có sức mạnh hơn nhiều so với Iraq – nơi mà quân đội Mỹ đã sa lầy trong một thập kỷ qua. Hơn nữa, một cuộc chiến tranh kéo dài với Iran có thể phá hủy toàn bộ nhiệm kỳ Tổng thống của ông nếu nó đi sai đường.

Nhưng cũng phải xét đến thực tế rằng, trong khi Tổng thống Trump muốn giảm căng thẳng với Iran thì có rất ít động lực để Iran hợp tác với Mỹ. Đó là vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ dưới chiến dịch gây sức ép tối đa của ông chủ Nhà Trắng đã bóp nghẹt nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này. Những diễn biến gần đây, trong đó có việc Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái Mỹ, cảnh báo phá vỡ các giới hạn quốc tế về làm giàu uranium hay vụ tấn công các tàu chở dầu tại Vịnh Oman dường như là nỗ lực khiến Mỹ phải trả giá cho chính sách của nước này.

Vì thế nếu không có việc giảm bớt các lệnh trừng phạt thì cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran sẽ rơi vào bế tắc. Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei từng tuyên bố quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân đồng nghĩa với việc Washinton không bao giờ được tin tưởng để đối thoại với Tehran thêm một lần nữa./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại