72 giờ sau khi Chính phủ Hà Lan gia hạn thời gian giãn cách xã hội, KNVB sẽ phải tổ chức một cuộc họp để tuyên bố hủy bỏ mùa giải đồng thời thông báo chi tiết cách xác định đội giành chức vô địch, danh tính các đội giành quyền tham dự Champions League và Europa League mùa tới, những đội sẽ xuống hạng và các đội hạng dưới Eerste Divisie được thăng hạng.
Các cầu thủ Ajax hồi hộp chờ công bố danh hiệu vô địch
Ngày 24-4 chắc chắn sẽ là một cột mốc thú vị trong lịch sử bóng đá châu Âu khi nhiều khả năng có đến 2 quốc gia láng giềng là Hà Lan và Bỉ cùng tuyên bố xóa sổ mùa giải đồng thời công bố tên tuổi nhà vô địch của Eredivisie và Jupile Pro League. "Quả bóng" mà LĐBĐ châu Âu (UEFA) chuyền vào chân những nhà quản lý bóng đá Hà Lan (KNVB) và Bỉ (RBFA) xem ra không dễ để tính toán hướng triển khai tiếp theo.
Vitesse sẽ tranh chấp suất tham dự Europa League từ vòng loại
Tình hình đối với Hà Lan nan giải hơn nhiều so với Bỉ, nhất là khi các quyết định đưa ra chắc chắn sẽ tạo nên vô số cuộc tranh cãi gay gắt, thậm chí các bên liên quan còn chuẩn bị việc đưa nhau ra tòa khi quyền lợi bị xâm phạm nghiêm trọng. Giải VĐQG Hà Lan còn 9 vòng cuối đối với hầu hết các đội và Ajax cùng với AZ Alkmaar đang chia sẻ vị trí dẫn đầu khi cùng đạt 56 điểm, chỉ hơn kém nhau về chỉ số phụ. Feyenoord dù đứng thứ 3 với 6 điểm ít hơn nhưng về lý thuyết, họ vẫn còn cơ hội tranh chấp ngôi vô địch trong 9 vòng đấu còn lại. Đó là chưa kể đội bóng này đứng trước cơ hội giành một danh hiệu năm nay khi đã lọt vào trận chung kết Cúp Quốc gia với Utrecht.
AZ Alkmaar không có cơ hội đăng quang mùa này
Nếu căn cứ vào bảng xếp hạng Eredivisie hiện tại để xác định thành tích, Ajax sẽ nghiễm nhiên trở thành nhà vô địch nhờ hiệu số bàn thắng-bại tốt hơn so với AZ Alkmaar. Hai suất vé tham dự Champions League cũng đương nhiên được trao cho hai đội bóng này trong khi Feyenoord và PSV chỉ có thể đặt chân đến Europa League.
Mùa giải mới với 20 đội là giải pháp khả thi
Ở cuối bảng xếp hạng, đội bóng xếp thứ 13 là VVV Venlo chỉ nhiều hơn 2 điểm so với vị trí thứ 16 của Fortuna Sittard mà theo quy định, các đội hạng 16 và 17 – hiện là Fortuna Sittard và ADO Den Haag – sẽ phải tham dự vòng play-off tranh suất trụ hạng với 6 đội Hạng nhất. Đội đứng cuối bảng RKC Waalwijk cũng có thể phải rớt hạng hoặc may mắn trụ lại nếu Eredivisie mùa 2020-2021 được tổ chức với 20 đội bóng, tức không có đội rớt hạng trong khi vẫn tiếp nhận thêm hai đội đứng đầu giải Hạng nhất là SC Gampar và Graafschap.
Hà Lan đã tính đến việc tái xuất mùa giải trên sân không có khán giả
Tăng số lượng đội bóng ở mùa giải tiếp theo là giải pháp khả dĩ với KNVB lúc này khi họ tránh được các vụ kiện pháp lý của cả các đội có nguy cơ rớt hạng Eredivisie lẫn những đội sắp có vé thăng hạng từ Eerste Divisie. Chỉ có điều, khi quỹ thời gian của mùa giải 2020-2021 bị thu hẹp đáng kể do chỉ có thể khởi tranh sớm nhất vào đầu tháng 9, số lượng đội tăng lên tỉ lệ thuận với số trận đấu tăng phi mã, người ta sẽ tự hỏi phải làm gì để tất cả kịp kết thúc đúng tiến độ, trả đấu trường lớn châu Âu lại cho vòng chung kết EURO.
Các sân bóng giờ phải chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải mới
Mọi quốc gia châu Âu sẽ nhìn vào Hà Lan và Bỉ để có giải pháp cho riêng mình. Bundesliga của Đức và Serie A của Ý vẫn hy vọng mùa giải 2019-2020 sẽ được tái xuất trên các sân bóng đóng kín cửa vào tháng Năm hoặc tháng Sáu. Sân cỏ Anh, Tây Ban Nha và Pháp cũng chắc chắn sẽ sáng đèn trở lại, dù muộn hơn một chút.
Chẳng phải ngẫu nhiên UEFA mong các giải kết thúc trọn vẹn
Những vấn đề quá lớn chưa từng có sẽ nảy sinh một khi đời sống thường nhật của bóng đá bị xáo trộn đến tận cùng. Vì thế, cũng dễ thông cảm cho UEFA khi khăng khăng bảo lưu quan điểm mùa giải nên được các quốc gia nghiên cứu xem xét hoàn tất. Ngay cả Hà Lan cũng chưa phải đã hết cách giải quyết dù họ chỉ còn không đầy 24 giờ để quyết định số phận mùa bóng.