Cuối chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ đã dùng máy bay B-29 ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Nhật bản. Bằng cách này, Mỹ không những đạt mục tiêu cụ thể là tàn sát dân thường và phá hoại các thành phố của Nhật mà còn gián tiếp đe dọa các nước XHCN khi đó do Liên Xô đứng đầu.
Khác với Mỹ, Liên Xô bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nên đầu những năm năm mươi phải khắc phục nhiều khó khăn vô cùng để xây dựng lại các thành phố, làng mạc, nhà máy, nông trang, gấp rút phục hồi sản xuất nông nghiệp đối phó với nạn thiếu lương thực.
Nhưng ngay sau khi Thế chiến 2 kết thúc thì Chiến tranh Lạnh bắt đầu, cuộc chạy đua vũ trang trở nên quyết liệt. Mặc dù nền kinh tế còn eo hẹp, các cơ sở khoa học công nghệ chưa kịp phục hồi nhưng Liên Xô không thể chần chừ khi Mỹ độc quyền bom nguyên tử.
Bằng những nỗ lực phi thường cùng với những hy sinh xương máu, năm 1949, Liên Xô chế tạo và thử nghiệm thành công bom nguyên tử, phá thế độc quyền của Mỹ. Nhân dân các nước XHCN thở phào nhẹ nhõm vì không còn nơm nớp lo sợ bom nguyên tử Mỹ.
Thế nhưng năm 1953, Stalin mất, nền chính trị Liên Xô bước vào khủng hoảng. Nhân cơ hội đó, Mỹ liên tục o ép Liên Xô. Mỹ xây dựng rất nhiều căn cứ quân sự ở các nước thân Mỹ xung quanh Liên Xô và các nước XHCN khác.
Phe XHCN nằm trong thế bao vây của Mỹ và máy bay ném bom chiến lược B-29 của Mỹ có thể mang bom nguyên tử cất cánh từ các căn cứ quân sự để ném bom Liên Xô và các nước đồng minh của họ.
Trong khi đó, Liên Xô không thể có hành động đáp trả vì máy bay ném bom của Liên Xô không bay được khoảng cách hàng chục nghìn km để ném bom lãnh thổ Mỹ rồi quay về được. Thời kỳ này hết sức căng thẳng, Liên Xô như bị dồn vào chân tường.
Năm 1954, Đảng cộng sản Liên Xô ổn định lại bộ máy do Tổng bí thư kiêm chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Khrushchyov đứng đầu.
Bộ quốc phòng báo cáo tình hình căng thẳng và những thông tin tuyệt mật trực tiếp lên Tổng bí thư, trong đó có thông tin như máy bay do thám của Mỹ ngày đêm bay trên bầu trời Liên Xô, chụp ảnh ngay cả trên bầu trời Moskva mà quân đội Liên Xô không làm gì được.
Tổng bí thư hỏi lý do thì các nhà quân sự cho biết máy bay trinh sát U-2 của Mỹ bay ở trần bay trên 20 km nên tiêm kích MiG-17 không thể bay và tác chiến ở tầm cao đó. Còn tên lửa phòng không thì sao? Thời kỳ này Liên Xô cũng chưa có tên lửa phòng không tác chiến ở tầm cao trên 20 km.
Mỹ ngày đêm ngạo nghễ dạo chơi và săm soi trên bầu trời Liên Xô mà không lo bị trừng trị. Liên Xô nên làm gì để đáp trả đòn tấn công hạt nhân nếu bị Mỹ tấn công?
Chiến dịch khai hoang lớn chưa từng có
Các nhà quân sự đã báo cáo lên tổng bí thư một dự án tuyệt mật, mà sau này mới biết là nhiều đồng chí trong bộ chính trị cũng không được thông báo.
Đó là dự án sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bắn vào đất Mỹ, thay cho việc dùng máy bay ném bom và khiến cho Mỹ bất ngờ, chưa có cách đối phó, buộc Washington phải xuống thang trong quan hệ đối ngoại.
Nhưng một khó khăn mà các nhà quân sự chưa thể giải quyết được, đó là làm sao xây dựng một trường bắn khổng lồ để phóng tên lửa đạn đạo mà vẫn giữ được bí mật.
Các nhà khoa học đã khảo sát nhiều địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Liên Xô và đi đến thống nhất chọn vùng hoang mạc ở Kazakhstan, nơi hầu như không ai cư trú, không có đường sá hay bất kỳ công trình xây dựng nào.
Song, lại một khó khăn xuất hiện, việc xây dựng trường bắn khổng lồ phải huy động hàng chục nghìn người, hàng triệu tấn vật liệu phải có đường để chuyển đến, và rồi phải lo ăn ở cho hàng chục nghìn người trong thời tiết hoang mạc vô cùng khắc nghiệt, mùa hè nóng đến 50 độ C, mùa đông -40 độ.
Tất cả hoạt động phải đảm bảo tuyệt mật trong điều kiện ngày đêm nằm dưới con mắt quan sát của máy bay Mỹ.
Điều đó cũng được báo lên Tổng bí thư. Thời kỳ này, vào giữa năm 1954, trung ương đang họp bàn về việc khôi phục sản xuất nông nghiệp đối phó với nguy cơ thiếu lương thực. Tổng bí thư đang đau đầu về cả hai việc lớn, một việc chung công khai – nông nghiệp, một việc tuyệt mật - an ninh quốc phòng.
Cả 2 việc đó quay cuồng trong đầu ông, nhưng ông vẫn phải ưu tiên an ninh quốc phòng vì đây là vấn đề sống còn của cả khối XHCN mà Liên Xô chịu trách nhiệm đứng đầu. Một ý nghĩ lóe lên, hay ta kết hợp cả hai việc, cho khai hoang để tăng diện tích canh tác và ngụy trang cho việc xây dựng trường bắn tên lửa.
Thế là hôm sau họp Trung ương, Khrushchyov tuyên bố rằng, để giải quyết vấn đề lương thực, ta phải phát động chiến dịch khai hoang trên toàn liên bang, đặc biệt trọng điểm là các vùng hoang mạc ở các nước cộng hòa trung Á.
Trung ương nhất trí đa số nhưng một số đồng chí trong bộ chính trí không hiểu thâm ý của tổng bí thư nên tỏ ra hoài nghi. Lý do cũng rất chính đáng vì đất đai màu mỡ của Nga và Ukraine chẳng thiếu gì, sao phải đưa người đến những vùng mà điều kiện sống tối thiểu không có, không có nước, không có đường đi lại, chưa nói gì đến nhà, đến điện….
Nhưng với cương vị đứng đầu cả Đảng và chính phủ nên Khrushchyov quyết định và phát động chiến dịch khai hoang lớn chưa từng có, huy động hơn 1.700.000 thanh niên, chủ yếu từ Nga và Ukraine, đến vùng hoang mạc trung Á.
Gần 2 triệu thanh niên và hàng chục nghìn quân nhân Liên Xô đã tham gia chiến dịch khai hoang lớn chưa từng có.
Cùng với những đoàn tàu chở thanh niên khai hoang đó là những đoàn tàu chở hàng chục nghìn quân nhân xây dựng và những chiếc tàu hàng được ngụy trang thành tàu khách để chở hàng triệu tấn vật liệu. Khi đến các ga gần hoang mạc thì đội quân khổng lồ theo nhiều hướng khác nhau tiến vào hoang mạc.
Trường bắn giả - trường bắn thật
Đội quân khai hoang đã vượt qua muôn vàn khó khăn và chết chóc do bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt và côn trùng cắn nhưng họ đã viết nên thiên anh hùng ca vĩ đại còn truyền lại trong văn chương, điện ảnh, hội họa…
Ngay năm đầu vụ mùa đã bội thu và năm thứ hai họ đã khai phá được một diện tích khổng lồ 47 triệu hecta đất, thu được hơn 80 triệu tấn lúa mì từ vùng đất đó. Họ đã từ chỗ ở lều bạt mà xây lên cả thành phố Tselinograd – thành phố khai hoang, nền móng của thủ đô Astana xinh đẹp ngày nay ở Kazakhstan.
Hình ảnh trong những ngày đầu chiến dịch khai hoang của Liên Xô.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, nỗi buồn ập đến, lúa mỳ không dùng hết, kho không đủ để cất giữ, không có đường để vận chuyển đi nơi khác nên bị thối hỏng rất nhiều. Những năm tiếp sau năng suất giảm dần, bão bụi hoành hành cả một vùng rộng lớn, thảm họa môi trường khủng khiếp.
Ấy vậy mà, những người khai hoang còn lập nên một chiến tích vĩ đại thầm lặng khác, họ đã che giấu cho hai đội quân, một đội mấy chục nghìn người đến ngôi làng Toretam xây dựng trường bắn khổng lồ, còn một đội hàng nghìn người đến ngôi làng cách Toretam 300 km về phía đông bắc để xây dựng một trường bắn giả (nhưng họ không được biết) - trường bắn Baykonur.
Sau 2 năm lao động quên mình, họ đã xây dựng xong trường bắn và quân đội Liên Xô đã bắt đầu thử tên lửa đạn đạo bắn từ Kazakhstan đến Kamchatka. Sau nhiều lần thất bại, đến năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên Trái Đất.
Thành công này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì Liên Xô đi tiên phong trong nghiên cứu vũ trụ, nhưng về mặt quốc phòng, nó cho đối thủ thấy Liên Xô có thể tấn công bất cứ điểm nào trên hành tinh này- phá hẳn thế bao vây của Mỹ.
Cho đến lúc ấy, người Mỹ vẫn chưa thể biết Liên Xô xây dựng trường bắn ở đâu. Đến năm 1961, khi Gagarin bay vào vũ trụ thì hãng thông tấn TASS ra thông báo lần đầu tiên cho biết con tàu được phóng từ sân bay vũ trụ Baykonur.
Từ đó về sau, mọi thông báo về các chuyến thám hiểm vũ trụ đều nói là tàu vũ trụ được phóng từ sân bay Baykonur – sân bay giả, nhưng thực chất là từ sân bay Toretam.
Những người đi khai hoang không những lập nên chiến tích "đánh thức" vùng hoang mạc rộng lớn xa xôi mà còn che chở cho một công trình quân sự chiến lược có quy mô lớn nhất thế giới mà giờ đây nó đã trở thành trung tâm vũ trụ của thế giới.