Hủy diệt tàu sân bay Mỹ: Không quân Triều Tiên nói đùa hay định làm thật?

Sao Đỏ |

Hãng thông tấn KCNA mới đây cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ thị cho lực lượng Không quân Triều Tiên sẵn sàng tấn công tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ.

Mệnh lệnh của ông Kim Jong-un được đưa ra sau khi tham dự và chỉ đạo màn so tài giữa các phi đội chiến đấu cơ thuộc Không quân Triều Tiên (KPAAF). Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chăm chú quan sát màn trình diễn và thể hiện thái độ hài lòng.

KCNA còn dẫn lời chỉ huy lực lượng không quân cho biết, các phi công "có khả năng tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào, bao gồm cả tàu sân bay".

Hủy diệt tàu sân bay Mỹ: Không quân Triều Tiên nói đùa hay định làm thật? - Ảnh 1.

Biên đội tiêm kích J-5 (MiG-17) và J-7 (MiG-21) của Không quân Triều Tiên phóng rocket phá hủy mục tiêu mặt đất

Tuy nhiên có thể nói rằng lời khẳng định trên của phía Bình Nhưỡng mang nhiều ý nghĩa tinh thần hơn là thực tiễn.

Không quân Triều Tiên dù cho quy mô rất lớn nhưng trang bị lại quá lạc hậu, trong số hơn 450 chiến đấu cơ của nước này đa phần là J-5/6/7 (phiên bản MiG-17/19/21 do Trung Quốc sản xuất), khó mà phát huy được vai trò trong chiến tranh hiện đại, nhất là tác chiến không đối hải.

Trong biên chế KPAAF cũng có một vài máy bay tiêm kích và cường kích đáng chú ý như MiG-29SE, MiG-23ML, hay Su-25... nhưng khả năng đánh biển của chúng vẫn cực kỳ hạn chế.

Hủy diệt tàu sân bay Mỹ: Không quân Triều Tiên nói đùa hay định làm thật? - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-29, MiG-23, MiG-21 và Su-25 của Không quân Triều Tiên

MiG-29SE thuộc thế hệ đầu của dòng Fulcrum, điểm mạnh của nó là rất linh hoạt trong không chiến quần vòng cự ly gần, nhưng lại hầu như không thể chiến thắng khi đối đầu ở tầm xa với những chiếc F/A-18E/F Super Hornet hiện đại trên tàu sân bay Mỹ, chẳng thể đảm nhiệm vai trò chiếm ưu thế trên không để tốp cường kích hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể dự đoán lực lượng mũi nhọn được huy động cho cuộc tấn công vào tàu sân bay Mỹ (nếu xảy ra) sẽ là cường kích Su-25. Tuy nhiên do được thiết kế để đánh đất mà chiếc phi cơ này không có radar dẫn bắn, vì vậy không mang được tên lửa chống hạm mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào bom hoặc tên lửa dẫn đường bằng TV, laser có cự ly tác chiến ngắn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với tốp MiG-17/19/21, các tiêm kích này không còn cách nào khác ngoài cố gắng bay thấp để xâm nhập vòng phòng thủ của khu trục hạm Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga mang đầy tên lửa SM-2/6, lại được hỗ trợ bởi con mắt trên không E-2D Hawkeye, để ném bom hoặc bắn rocket, nhiệm vụ trên là bất khả thi.

Hủy diệt tàu sân bay Mỹ: Không quân Triều Tiên nói đùa hay định làm thật? - Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu Triều Tiên sẽ phải vượt qua hàng rào phòng thủ hùng hậu của các khu trục hạm, tuần dương hạm phòng không tiên tiến nhất thế giới nếu muốn tiếp cận tàu sân bay Mỹ

Với thực lực hiện tại, Không quân và cả Hải quân Triều Tiên không thể đủ sức tung đòn tấn công vào biên đội tàu sân bay Mỹ. Nếu quyết tâm tiến hành một trận đánh theo kiểu cảm tử thì khả năng cao họ sẽ bị tiêu diệt trong chớp mắt, vì cả số lượng lẫn chất lượng đều bị đối phương áp đảo toàn diện.

Khả thi hơn là Triều Tiên nên dồn sức hoàn thiện tên lửa đạo đạo KN-17 (phiên bản được cho là có tính năng tương tự tên lửa diệt tàu sân bay DF-21D của Trung Quốc) và các hệ thống dẫn đường tầm xa. Đây có lẽ là cách duy nhất khiến Hải quân Mỹ cảm thấy lo ngại chứ không phải là lực lượng chiến đấu cơ đông nhưng không tinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại