"Hữu xạ tự nhiên hương": Thêm một lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ "bỏ rơi" Patriot, "mãn nguyện" trước S-400 của Nga

Quốc Vinh |

Khả năng S-400 có thể bảo vệ thành công trước cuộc tấn công nhằm vào cơ sở dầu Saudi Arabia vẫn còn là dấu hỏi. Nhưng có một tính năng đáng giá ngàn vàng mà Patriot không thể bằng S-400.

Cạnh tranh vũ khí

Cuộc tấn công vào cơ sở dầu của Saudi Arabia vào cuối tuần trước là một thảm họa đối với cả Riyadh và Washington, khi các máy bay không người lái và tên lửa hành trình của đối phương đã vượt mặt hệ thống phòng thủ tên lửa đắt tiền của Mỹ.

Nhưng tại Moscow, tin tức về vụ tấn công đã được chào đón như một cơ hội khác để hạ thấp sức mạnh của phương Tây - trong khi thể hiện những ưu điểm công nghệ phòng thủ tên lửa của Nga, theo Washington Post.

"Chúng tôi vẫn còn nhớ những tên lửa phi thường của Mỹ đã không bắn trúng mục tiêu hơn một năm trước, và bây giờ các hệ thống phòng không tuyệt vời của Mỹ lại không thể đẩy lùi một cuộc tấn công", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Maria Zakharova bình luận. "Tất cả đều những điều trên đều cho thấy một vấn đề", bà nhấn mạnh.

Tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hồi đầu tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn đi xa hơn khi ngầm ám chỉ rằng, Saudi sẽ vô hại trước cuộc tấn công nếu họ mua một hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất.

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga trên lĩnh vực bán vũ khí đã tồn tại kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong giai đoạn từ 2014-2018, hai nước cũng đồng thời là hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.

Nhưng trong vài năm qua, sự cạnh tranh đó đã ngày càng trở nên gắt gao hơn khi xung đột địa chính trị và sự phát triển công nghệ mới đã khiến vũ khí của Mỹ và Nga liên tục chạm mặt nhau trên thị trường.

Ở Trung Đông, nơi căng thẳng và xung đột nổ ra liên tục đã dẫn đến sự gia tăng doanh số bán vũ khí. Tại đây, Washington và Moscow cũng thường trở thành lựa chọn đau đầu của một khách hàng nào đó.

Mặc dù Mỹ thường tuyên bố vũ khí của mình đứng đầu bảng nhưng một số hệ thống vũ khí do Nga sản xuất đang ngày càng thách thức vị thế độc tôn.

Nổi bật trong số đó là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, một vũ khí được quảng cáo rộng rãi là đối thủ của hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, mặc dù hiệu suất của nó chưa được chứng minh trên thực tế.

S-400 có bảo vệ được Saudi Arabia?

Hữu xạ tự nhiên hương: Thêm một lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ bỏ rơi Patriot, mãn nguyện trước S-400 của Nga - Ảnh 2.

Patriot đang bị hoài nghi sau vụ tấn công Saudi Arabia.

Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí ở Saudi cuối tuần trước sử dụng tên lửa hành trình và máy bay không người lái – những vũ khí có thể dễ qua mặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Saudi.

Mạng lưới phòng thủ của Saudi chủ yếu là Patriot. Đây là hệ thống được thiết kế để tối ưu trước các mục tiêu tên lửa đạn đạo và máy bay từ xa. Vì tên lửa hành trình và máy bay không người lái bay ở tầm thấp nên chúng khó bị phát hiện hơn, trừ khi Patriot phải điều chỉnh lại radar.

Trong khi đó, các hệ thống của Nga sử dụng cột sóng radar di động có thể khắc phúc vấn đề này. S-400 được thiết kế để có thể hoạt động 360 độ, bao quát toàn hướng, trong khi các hệ thống Patriot bị giới hạn ở hướng mà chúng được thiết lập ban đầu.

Chính vì điều này, một số nhà phân tích cho rằng, các hệ thống Patriot được triển khai gần cơ sở dầu bị tấn công có thể không được đặt đúng hướng nơi cuộc tấn công được phát động.

"Cuộc tấn công của Saudi đã cho thấy sự bắt buộc hệ thống phòng thủ phải có khả năng bao quát 360 độ", Tom Karako, người đứng đầu Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

Mặc dù hệ thống S-400 của Nga có các thông số kỹ thuật ấn tượng trên lý thuyết, nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá về vũ khí phòng thủ này.

Vấn đề quan trọng nhất là nó chưa được chứng minh đầy đủ trong chiến đấu thực tế, trong khi hệ thống Patriot đã đánh chặn thành công tên lửa trong cả Chiến tranh vùng Vịnh và cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu.

Tính hiệu quả vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa Nga-Mỹ. Đã nhiều lần Moscow lên tiếng bác bỏ những so sánh tiêu cực với vũ khí Mỹ. Có thể kể đến việc Nga đã không công nhận những tuyên bố bắn hạ mục tiêu của tên lửa Mỹ, Anh và Pháp trong cuộc tấn công vào tháng 4/2018 ở Syria.

Vào thời điểm đó, Nga tuyên bố phòng không Syria đã bắn hạ 71 trong số 103 tên lửa được bắn ra bởi liên minh phương Tây; Lầu Năm Góc phủ nhận con số này và Moscow không cung cấp bằng chứng.

Nga đã cung cấp các hệ thống phòng thủ cho Syria, nhưng cho biết, hệ thống S-400 được triển khai để bảo vệ một căn cứ của Nga ở Syria chỉ giám sát cuộc tấn công nói trên.

Trong sự cạnh tranh vũ khí giữa Mỹ và Nga , cuộc đối đầu chủ yếu diễn ra trên mặt trận chính trị.

Moscow đã chào mời một số đồng minh của Mỹ mua các hệ thống phòng không của mình với chi phí thấp hơn đáng kể so với hàng của Lầu Năm Góc. Hiện tại, Ấn Độ và Qatar là hai quốc gia công khai ý định mua S-400 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là một quốc gia NATO khác vừa nhận đợt giao hàng đầu tiên.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathryn Wheelbarger hồi tháng 5 tuyên bố, S-400 là một hệ thống được thiết kế để bắn hạ các mẫu máy bay tàng hình tiên tiến như F-35.

Về lý thuyết, tầm bắn của tên lửa đất đối không do F-35 mang theo sẽ cho phép nó phá hủy S-400 trước khi bị radar phát hiện, nhưng ý tưởng đó chưa được thử nghiệm trên thực tế.

Cả Washington và Moscow dường như đều hy vọng rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Với cả hai quốc gia, một chút gì đó mơ hồ có thể giúp việc bán vũ khí càng thêm sinh lợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại