1. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà cầm quân lão luyện Lê Thụy Hải lại tấm tắc khen bàn thắng của Công Phượng. Đúng như ông Hải nhận định, đấy là một tình huống thể hiện rõ nhất tư duy chơi bóng hiện đại, với đường chuyền dài chính xác, phối hợp đơn giản và chớp nhoáng. Chỉ sau vài chạm, bóng đã nằm gọn trong lưới đối phương.
Phải nói lại cho rõ, chuyên gia Lê Thụy Hải khen tình huống dẫn đến bàn thắng ấy, chứ không khen Công Phượng, bởi ở tình huống ấy, Phượng là người làm việc dễ nhất: thực hiện pha kết thúc từ đúng chấm 11m, với chỉ mình thủ thành đối phương trong khung gỗ.
Ngoại trừ bàn thắng đầu đến từ pha lộn xộn trước khung thành U22 Timor Leste sau quả phạt góc từ chân Công Phượng, bàn thắng thứ hai của Đức Chinh từ cú tạt bóng "như đặt" của Văn Hậu mang đậm nét của... U20 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn, và cú sút xa tuyệt phẩm cũng của Văn Hậu mang đậm nét cá nhân.
Bàn thắng của Văn Hậu và Đức Chinh mang đậm nét U20 Việt Nam.
Thực tình, U22 ViệtNam chẳng thiếu cơ hội ăn bàn trước U22 Timor Leste, thậm chí nếu thực hiện thành công tất cả các cơ hội có thể ăn bàn, số bàn thắng ghi vào lưới đối phương của các học trò HLV Hữu Thắng thậm chí có thể vượt qua con số... hàng tá. Bàn thắng mà Công Phượng ghi được đến sau pha kết thúc hỏng ăn thứ... 5 của tiền đạo này.
U22 Timor Leste lép vế hoàn toàn trước Công Phượng và đồng đội, nhưng những pha đập nhả bóng ngắn, phối hợp trung lộ hay chọc chéo từ sườn vào đúng chất... HAGL của các cầu thủ tấn công U22 Việt Nam lại không thể nào một lần xé lưới đối phương.
Không khó để nhận ra ngoài những pha hỏng ăn vì... quá đen, ví dụ như cú sút xa đập cột dọc của Tuấn Anh, thì các chân sút trẻ Việt Nam đều phải thực hiện cú kết thúc trong tư thế không mấy thoải mái, thậm chí phải xoay sở chật vật trước hàng thủ chơi khá "nhiệt" trong vòng 16m50 của đội nhà.
Các pha bỏ lỡ của U22 Việt Nam trong trận gặp U22 Đông Timor
Sau trận, HLV Hữu Thắng có phát biểu "chữa thẹn" cho các chân sút của mình bằng cách phàn nàn rằng mặt sân Selayang quá mềm, nên Công Phượng, Xuân Trường và Văn Thanh sút bóng không được như mong muốn. Nhưng hãy nhớ, các học trò của Hữu Thắng có cả hiệp 1 thênh thang để "chỉnh chân cẳng", chứ cứ sân mềm mà không sút được, thì... đá bằng niềm tin à?
2. Đánh giá về trận đấu giữa Thái Lan gặp Indonesia tổ chức cùng giờ, tuyển thủ quốc gia Quế Ngọc Hải - học trò cưng của Hữu Thắng nhận xét U22 Thái Lan tại SEA Games lần này không mạnh và đáng sợ như lứa đàn anh 2 năm về trước. Theo trung vệ này, U22 Thái Lan không còn chơi ban bật nhỏ, mà thường dùng nhiều đường chuyền dài trước U22 Indonesia.
Quế Ngọc Hải nhận xét hoàn toàn đúng, chứ chẳng phải để lấy lòng ông thầy Hữu Thắng. Quả tình người Thái không còn dùng lối đá "thêu hoa dệt gấm" từng khiến Hải "Quế" và đồng đội phải quay cuồng như trận thua đến 0-3 như tại Mỹ Đình nữa, nhưng đấy là do họ muốn thế, chứ chẳng phải không còn tiqui-taka được như ngày nào.
Sự thay đổi lối chơi của U22 Thái Lan đến từ sự thay đổi tư duy tiếp cận với bóng đá tầm châu lục.
Sau một chiến dịch tìm đường đến VCK World Cup 2018 thất bại thảm hại ở vòng loại cuối cùng, rốt cuộc người Thái đã quyết tâm thực hiện cải cách triệt để, để thêm một lần nữa hiện thực hóa ước mơ to lớn này. Thay đổi lối chơi chính là từ thay đổi tư duy, thay vì bắt nạt các đội yếu, chuyển sang đối phó với các đội mạnh.
Cái cách của người Thái đang làm với lứa U22 hiện tại, cũng là nòng cốt cho chiến dịch World Cup 2022 cũng giống như cách HLV Hoàng Anh Tuấn dùng để đưa U20 Việt Nam đến được VCK U20 World Cup hồi tháng Năm vừa qua. Nó không đơn thuần là thay đổi lối chơi, mà còn là nâng tầm cả một đội tuyển. Lối chơi ấy, khi đã "vào việc" sẽ cực kỳ nguy hiểm.
3. Quay lại với U22 Việt Nam, Công Phượng được bố trí chơi rất rộng, và khá nhiều lần "giẫm chân" vào vị trí của Tuấn Anh, và cũng vì thế Xuân Trường buộc phải lùi xuống chơi rất thấp. Trận đấu này, Phượng có khá nhiều bóng, nhưng lối chơi cầm bóng qua người của Phượng, cũng như Văn Toàn, Tuấn Anh luôn khiến nhịp tấn công của U22 Việt Nam bị chậm lại.
Lối chơi rườm rà khiến những pha tấn công của U22 Việt Nam chậm nhịp đáng kể.
Trước một hàng thủ chơi lép vế như U22 Timor Leste, lối chơi mà HLV Hữu Thắng định hình cho U22 Việt Nam không thể chọc thủng phòng tuyến cuối cùng của đối phương bằng những "bài" được kỳ vọng nhất. Bên cạnh đó, các chân sút - đặc biệt là Công Phượng và Đức Chinh bỏ lỡ rất nhiều cơ hội ngon ăn.
U22 Timor Leste, U22 Philippines hay Campuchia hoàn toàn chưa phải là đối thủ xứng tầm của các học trò HLV Hữu Thắng, và không phải là nói quá khi khẳng định dù họ có chủ động phòng ngự kiểu "xe bus 2 tầng" đi nữa, thì lối chơi của U22 Việt Nam vẫn đủ sức là "khắc tinh", lấy đủ 9 điểm trước ba đối thủ này.
Tuy nhiên, trước U22 Indonesia hay Thái Lan, lối chơi ban đập nhỏ, tấn công đẹp mắt dựa vào Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường sẽ là điểm yếu dễ bị "bắt bài" và khắc chế của U22 Việt Nam.
Bảng B SEA Games 29: U22 Việt Nam 4-0 U22 Timor Leste
Sự đột biến của U22 Việt Nam nằm ở những pha phối hợp như của Văn Hậu cho Hà Đức Chinh như đã thể hiện ở bàn thắng thứ hai trước Timor Leste - thứ đáng ra nếu như những Công Phượng, Tuấn Anh thành công ở "phương án A", sẽ là "lá bài giấu trong tay áo" của Hữu Thắng dành để đối phó với các đối thủ ngang tầm và mạnh hơn.
Thời may, U22 vẫn còn đó Quang Hải, nhân tố chưa thể hiện được gì nhiều ở những trận đấu gần đây của U22 Việt Nam, nhưng với kinh nghiệm chinh chiến tầm World Cup và những gì đã học được từ HLV Hoàng Anh Tuấn, cũng như sự già dặn từ những tháng ngày chinh chiến trong màu áo CLB Hà Nội, sẽ là "con bài tẩy" cho những thời khắc khó khăn.
Còn Hữu Thắng chọn sai lối chơi hay "giấy bài trong tay áo", thiết nghĩ hỏi đã là tự trả lời...