Bên trong một trung tâm dữ liệu vừa đưa vào hoạt động tại TP.HCM - Ảnh: THU VÂN
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang "đua" xây dựng các DC mới theo chuẩn toàn cầu, phục vụ và thu tiền không chỉ trong nước mà cả từ khách hàng quốc tế.
Ồ ạt chi nghìn tỉ cho DC chuẩn thế giới
Giữa tháng 12-2022, Công ty VNG đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu mới và đạt chuẩn quốc tế với tên gọi VNG Data Center, tại TP.HCM. Trung tâm có quy mô ban đầu 410 tủ rack (tủ để lắp đặt các máy chủ) và sẽ mở rộng lên đến 1.600 tủ.
VNG Data Center có diện tích sàn sử dụng lên đến 12.400m2, sẵn sàng cho các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số, lưu trữ dữ liệu an toàn và các giải pháp điện toán đám mây đặc thù, đồng thời bổ sung cho các dịch vụ điện toán đám mây hiện có cho khách hàng tại Việt Nam.
Đây là 1 trong 3 DC tại Việt Nam đạt chứng chỉ Tier III cả về thiết kế (TCDD) và thiết bị lắp đặt (TCCF), cấp bởi Uptime Institute - hệ thống đánh giá trung tâm dữ liệu uy tín nhất thế giới.
Trước đó, tháng 10-2022, Viettel cũng ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud có hạ tầng trung tâm dữ liệu nhiều nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 tủ rack, trên 60.000m2 mặt sàn. Tập đoàn này còn công bố sẽ đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng vào Viettel Cloud để mở rộng quy mô lên 17.000 rack vào năm 2025.
Tháng 8-2022, Tập đoàn công nghệ CMC cũng khánh thành DC chuẩn quốc tế với quy mô 1.200 tủ rack trên diện tích 13.000m2 tại TP.HCM, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nổi tiếng nước ngoài cũng tham gia xây dựng DC tại Việt Nam. Chẳng hạn tháng 3-2022, Công ty CP phân phối công nghệ Quang Dũng (thuộc Tập đoàn GREENFEED Việt Nam) và Công ty NTT Global Data Centers (thuộc Tập đoàn NTT Nhật Bản) liên doanh xây dựng DC đạt chuẩn Tier III tại TP.HCM, dự kiến chính thức đi vào hoạt động năm 2024.
Thu lớn, không dễ cạnh tranh với "ông lớn"
Theo tiết lộ của ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm CEO KardiaChain, cựu giám đốc kỹ thuật cấp cao Google, không phải ngẫu nhiên nhiều doanh nghiệp đầu tư làm DC, bởi số thu rất lớn. "Riêng công ty tôi hiện đang sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp Việt Nam với chi phí đến 50.000 USD/tháng (trên 1 tỉ đồng/tháng)" - ông cho biết.
Trong khi đó, tiết lộ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực (đề nghị không nêu tên) cho biết các công ty dịch vụ Internet hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Apple... đều đã thuê dịch vụ đặt máy chủ tại các DC của Việt Nam, thậm chí là đến hàng nghìn máy chủ từ trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực từ 1-10-2022.
Bởi theo quy định của luật này, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng Việt Nam trong nước...
Tuy vậy, ông Huy Nguyễn đánh giá các DC tại Việt Nam còn ở mức độ quy mô rất nhỏ nếu so với những "ông lớn" trên thế giới (AWS, Google, Microsoft...), cơ bản vẫn là không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, nên hiện phải ưu tiên cho những khách hàng thuộc khối nhà nước hay các doanh nghiệp đòi hỏi việc lưu trữ thông tin tại Việt Nam.
Vì quy mô nhỏ nên chi phí của các nhà cung cấp tại Việt Nam cũng còn rất cao so với AWS/Google/Microsoft. Cần các siêu DC mới tối ưu hóa được chi phí vận hành.
"Quá trình chuyển đổi số Việt Nam chưa hoàn thành nên vẫn còn thời gian để xây dựng thêm các DC cho các mục đích cần thiết của đất nước, xa nhất thì có thể cố gắng chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á" - ông Huy Nguyễn nói.
Hướng đến trung tâm dữ liệu khu vực
Dù chưa so được với các "ông lớn" thế giới nhưng hãng nghiên cứu và báo cáo ResearchAndMarkets (Ireland) đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên toàn cầu năm 2021, đạt doanh thu thị trường khoảng 858 triệu USD (khoảng 20.000 tỉ đồng) vào năm 2020, dự đoán mức tăng trưởng kép hằng năm gần 15% cho đến năm 2026:
"Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là ấn tượng, cùng năng lực cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, năng lực tổ chức, doanh nghiệp lớn".
Các doanh nghiệp trong nước cũng kỳ vọng hệ thống DC "make-in-Việt Nam" sẽ đóng góp nhiều vào sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam.
Ông Tào Đức Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, tự tin: "Viettel xin nhận thêm một sứ mệnh mới, đó là phải hoàn thành mục tiêu mỗi người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây được đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành...".
Tham vọng hơn, ông Nguyễn Trung Chính, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC, đã bày tỏ trong sự kiện ra mắt DC hồi tháng 8-2022: "Đây là sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới để đưa Việt Nam gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực Digital HUB của châu Á - Thái Bình Dương".
Đã có khoảng 30 trung tâm dữ liệu trên cả nước
Theo nhiều thống kê, tính đến thời điểm này Việt Nam có gần 30 DC, miền Bắc chiếm hơn 46%, miền Nam chiếm hơn 35% và miền Trung chiếm hơn 18%. Tỉ lệ này có sự chênh lệch bởi các DC lớn tập trung chính ở các bộ, ngành khu vực phía Bắc. Tính từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các DC Việt Nam đã tăng gấp ba lần.