Liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu ô tô, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3/7, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thu ngân sách của địa phương 6 tháng vừa qua đạt thấp chủ yếu do giảm sút kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô trên địa bàn.
“Theo tính toán, ngân sách của tỉnh năm nay sẽ hụt thu khoảng 1.600 tỷ đồng do giảm thu từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô. Dự kiến 6 tháng cuối năm tiêu thụ xe tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm khoảng 11%”, ông Thu cho hay.
Từ thực tế này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ nên sớm tính lại thuế nhập khẩu linh kiện cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng mức thuế này sớm hơn thời điểm 1/1/2018, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lĩnh vực này tận dụng thời cơ sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Quảng Nam, vừa qua Thủ tướng có chỉ đạo các bộ ngành có Nghị định về điều kiện sản xuất, lắp ráp bảo hành bảo dưỡng ô tô. Đây là điều kiện tốt để phát triển sản xuất ô tô trong nước, do vậy đề nghị Thủ tướng sớm ban hành Nghị định này.
Về chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải (pick-up), ông Thu cho biết, thực tế đang tồn tại nhiều bất cập bởi thời gian qua mức thuế đưa ra thí điểm ngang với thuế suất áp đảm bảo tính cạnh tranh theo quy định tại Luật Cạnh tranh, vì thế cần điều chỉnh lại.
Theo báo cáo về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương, cơ quan này đề xuất Chính phủ và Quốc hội áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế suất nhập khẩu đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống như xe ôtô con dưới 9 chỗ, đồng thời tăng lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải.
Trong khi đó, theo quy định hiện nay, xe bán tải nhập vào Việt Nam chỉ chịu thuế nhập khẩu 5%. Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi – lanh dưới 2,5 lít là 15%; 2,5 – 3 lít là 20% và trên 3 lít là 25%. Mức phí trước bạ đang áp dụng với loại xe bán tải là 2%.
“6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng của Quảng Nam tăng chậm lại thể hiện qua chỉ số công nghiệp của tỉnh cũng giảm 0,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách địa phương không đạt mục tiêu”, ông Thu trình bày.
Lắng nghe kiến nghị của Quảng Nam, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tìm mọi cách để bù thu ngân sách địa phương do giảm thu từ ngành công nghiệp ô tô trên địa bàn.
Thủ tướng giao nhiệm vụ, HĐND, UBNS tỉnh Quảng Nam tiếp tục tìm kiếm, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để bù cho hụt thu, chủ yếu là tháo gỡ các dự án đầu tư vào công nghiệp.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các giải pháp về tăng cường quản lý đầu tư, tăng vốn giải ngân, đưa các dự án vào hoạt động và đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, tỉnh sẽ tạo điều kiện về mặt bằng để các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể triển khai dự án vào nửa cuối năm nay.