Đơn hàng đầu tiên từ Mỹ trong 30 năm
Newage, nhà cung cấp cho Hennes & Mauritz AB, vẫn làm ăn với các công ty châu Âu trong 3 thập niên nhưng giờ đang nhận được đơn hàng từ Macy’s Inc. và Gap Inc., Asif Ibrahim - Phó Chủ tịch Newage cho biết trong cuộc phỏng vấn.
Trong khi đó, một đối thủ của Newage Group là Viyellatex Group dự báo, lượng xuất khẩu hàng năm đến Mỹ sẽ tăng gấp đôi lên 25 triệu USD bắt đầu từ 1/7, nhờ đơn hàng gia tăng, theo Chủ tịch David Hasanat.
Quốc gia Nam Á, nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 2 toàn cầu, đã chứng kiến giá trị giao thương ra nước ngoài chạm mốc kỷ lục 40,5 tỷ USD, trùng với thời điểm Tổng thống Trump áp thuế bổ sung từ 10 lến 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
"Tỷ lệ đơn hàng đã tăng lên 30%. Mức thuế quan đang được áp đặt đơn phương ở thời điểm này khiến một số nhà bán lẻ lo lắng. Họ đang chuyển đơn đặt hàng đến Bangladesh để giảm rủi ro", Phó Chủ tịch của Newage cho hay.
Chuỗi cửa hàng Macy’s của Mỹ cho biết, họ đã làm việc trong nhiều tháng, về việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cùng thời điểm, hãng GAP cũng tiết lộ họ đã có bước đi tương tự.
Quần áo thành phẩm hiện đang nằm ngoài danh mục bị đánh thuế nhưng nếu các cuộc đàm phán tiếp theo thất bại, ông Trump sẽ tiếp tục áp thuế lên 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc và đồ may mặc sẽ bị ảnh hưởng.
Bangladesh được xem là có vị trí tốt như là một trung tâm sản xuất và là một lựa chọn rõ ràng khi các nhà bán lẻ di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo.
Để đạt được yêu cầu đang tăng cao, Newage, đang quan hệ chặt chẽ với một nhà đầu tư Trung Quốc để xây dựng một nhà máy dệt trị giá 20 triệu USD ở khu lân cận thủ đô Dhaka, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất trong 4 tháng.
Hàng Trung Quốc vẫn có lợi thế
Nhưng đối với các công ty Bangladesh, vẫn tồn tại rào cản để giành được nhiều đơn đặt hàng từ các công ty phương Tây. Với cơ sở hạ tầng xếp hạng 103 trong Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, so với vị trí thứ 29 Trung Quốc, Bangladesh có nhu cầu hiện đại hóa các nhà máy may mặc, xây dựng đường cao tốc và các cảng để thu hút nhiều đơn đặt hàng hơn.
Quốc gia Nam Á này đã khai trương 2 cây cầu 4 làn trên đường cao tốc dẫn đến cảng Chittagong vào tháng 5 và một cây cầu khác vào đầu tháng 3, cắt giảm gần một nửa thời gian lưu thông đến cảng chính. Chính phủ cũng đã được đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc.
Các nhà xuất khẩu cũng cần phải cải thiện năng suất, Fahmida Khatun, giám đốc điều hành của Trung tâm đối thoại chính sách có trụ sở tại thành phố Dhaka cho biết. "Để tăng năng suất, chúng tôi cần nâng cấp công nghệ và tự động hóa trong ngành may mặc. Có một số công ty đã áp dụng tự động hóa, nhưng điều này phải được thực hiện trên toàn lĩnh vực, "cô nói.
Ngoài ra, hàng Trung Quốc có lợi thế về giá cả khi hàng may mắc của nước này ở mức khoảng 2,3 USD/chiếc, so với 2,79 USD của Bangladesh và 2,52 USD của Campuchia, theo Rubana Huq, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh.
Nhưng hiện tại, các công ty Bangladesh đang tận dụng tốt cơ hội. Khoảng 30% khách hàng của Viyellatex là đến từ Mỹ, so với 20% một năm trước.
Chủ tịch Hasanat của Viyellatex cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng xử lý một loạt các đơn đặt hàng kinh doanh từ các công ty Mỹ".