Hướng dẫn phòng và nhận biết sớm đột quỵ: Chuyên gia tim mạch giải đáp nhiều thắc mắc

Thảo Nguyên |

Bác sĩ Bùi Long đã nhận trả lời các câu hỏi độc giả gửi tới chương trình Live Stream về bệnh đột quỵ. Bạn đọc đã gửi câu hỏi có thể theo dõi qua bài trả lời chi tiết này.

Sau khi Soha.vn có chương trình Livestream với bác sĩ Bùi Long – Trưởng khoa Tim mạch can thiệp về bệnh hướng dẫn cách phòng và nhận biết bệnh đột quỵ sớm. Rất nhiều độc giả đã gửi câu hỏi tới chương trình để nhờ bác sĩ Long giải đáp thắc mắc những vấn đề liên quan đến bệnh tật.

Bác sĩ Bùi Long xin gửi câu trả lời cho những độc giả gửi câu hỏi tới chương trình.

Độc giả • Phuongthao Nguyen · Em hay bị đau nửa đầu bên trái, lúc thì trên đỉnh, lúc thì đau sau gáy, có phải bị ảnh hưởng máu lên não không?

Bác sĩ Bùi Long: Hiện tượng đau đầu có nhiều nguyên nhân. Có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân là nguyên nhân bên ngoài và nguyên nhân bên trong.

Nguyên nhân bên trong có thể liên quan các bệnh lý mạch máu não và nhu mô não như các dị dạng mạch máu não, các khối u não, nhồi máu hoặc xuất huyết não…

Nguyên nhân bên ngoài có thể do rối loạn thần kinh cơ, các dạng thoái hoá như co cứng cơ dưới da đầu, đau thần kinh ngoại biên, thoái hoá cột sống cổ gây chèn ép thần kinh… Đau đầu cũng có thể là tình trạng bệnh lý về tâm thần kinh như mất ngủ kéo dài, stress, đau đầu không rõ nguyên nhân…

Đứng trước một tình trạng đau đầu đơn thuần, để chẩn đoán những tổn thương thực thể bên trong não, bạn nên chụp cộng hưởng từ sọ não kết hợp với chụp cắt lớp vi tính đa dẫy hệ động mạch não.

Trong trường hợp không phát hiện bệnh lý, có thể yên tâm là tình trạng đau đầu lành tính. Lúc này chỉ cần điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu não, giãn cơ, vật lý trị liệu…

Hướng dẫn phòng và nhận biết sớm đột quỵ: Chuyên gia tim mạch giải đáp nhiều thắc mắc  - Ảnh 1.

BS Bùi Long (thứ hai thứ phải sang) thực hiện ca can thiệp tim mạch tại Bệnh viện.

Độc giả • Hong Oc: Tôi 50 tuổi, thỉnh thoảng bị đau nửa đầu hoặc tê đầu trong lúc ngủ đêm nhưng chỉ một chút lại bình thường trở lại. Vậy có phải báo hiệu đột qụy không?

Bác sĩ Bùi Long: Hiện tượng đau tê nửa đầu không phải là triệu chứng điển hình của bệnh nhồi máu não nếu chỉ xuất hiện đơn độc mà không kèm theo các dấu hiệu khiếm khuyết về ý thức và vận động.

Tuy nhiên nếu đau đầu kèm theo chóng mặt nhiều và buồn nôn thì cũng cần đi khám bác sĩ để kiểm tra hệ tuần hoàn máu não và những bất thường bên trong.

Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân ngoài bệnh lý mạch máu não, vì vậy chẩn đoán nguyên nhân đau đầu không đơn giản. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.

Độc giả • Kim Liên · Thưa bác sĩ, tôi đang bị đau nửa người bên phải, cổ, tay, chân và lưng. Đau lắm cả 2 tháng nay. Có phải bị dây thần kinh chèn hay bị đau xương khớp không?

Bác sĩ Bùi Long: Triệu chứng của bạn có thể liên quan đến bệnh lý thoái hoá cột sống cổ, cột sống lưng và thắt lưng. Ta biết là giữa các đốt sống có hệ thống dây thần kinh chạy qua các lỗ tiếp hợp, trong đó có các dây thần kinh liên sườn chạy vòng theo các cung sườn từ sau ra trước.

Khi có sự chèn ép các rễ thần kinh này do thoái hoá, thoát vị đĩa đệm cột sống có thể gây đau. Ngoài ra tình trạng viêm các dây thần kinh liên sườn cũng có thể khiến bạn đau nửa người.

Điều trị từ đơn giản đến phức tạp, sử dụng thuốc giảm đau thông thường, thuốc giảm đau thần kinh, tác động cột sống. Ngoài ra để chẩn đoán xác định cần chụp cộng hưởng từ hệ cột sống xem có thoát vị các đĩa đệm hay bất thường xương sống hay không để có hường điều trị tối ưu.

Độc giả • Xinh Chúm Chím: Chồng em khoẻ mạnh bình thường nhưng thỉnh thoảng bị tức ngực không thở được khoảng 10 - 15 phút, rất khó thở rồi tự hết và như bình thường. Mong bác sĩ tư vấn giúp em, chồng em có nguy cơ bị bệnh gì ạ?

Bác sĩ Bùi Long: Hiện tượng tức ngực khó thở có thể do bệnh lý tim mạch hoặc hộ hấp. Không biết chồng bạn có nghiện thuốc lá hay không vì bản thân những người nghiện thuốc lá đôi khi cũng có cảm giảm tức thở do tình trạng co thắt các tiểu phế quản do tác dụng của Nicotin.

Nếu chồng bạn đau thắt ngực bên trái vùng tim thì cũng nên cẩn thận với bệnh động mạch vành. Hiện nay bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim do hẹp động mạch vành khá thường gặp kể cả ở những bệnh nhân trẻ tuổi.

Vì vậy nếu hiện tượng này còn tiếp diễn, bạn nên đưa chồng đến cơ sở y tế để khám và chụp X quang phổi, làm điện tim, siêu âm tim. Nếu có biểu hiện nghi ngờ bác sĩ sẽ cho chụp động mạch vành để chẩn đoán xác định bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim.

Độc giả • Hue Hoang: Mẹ tôi bị tai biến, đến bệnh viện chữa trị đã đi được rồi nhưng vẫn không nói được. Xin hỏi bác sĩ cho biết có phương pháp nào và thuốc gì để cho mẹ tôi nhanh nói được không?

Bác sĩ Bùi Long: Tai biến mạch máu não thường gây di chứng yếu liệt nửa người có hoặc không kèm theo thất ngôn (không nói được). Tuỳ thuộc vị trí và mức độ tổn thương nhồi máu não mà các khiếm khuyết thần kinh với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Mẹ bạn đã được điều trị tích cực nên đã đi lại được là rất may mắn. Những khiếm thuyết về lời nói, thất ngôn rất khó hồi phục do vùng nhu mô não chỉ đạo phát âm khi bị tổn thương thiếu máu thường ít tuần hoàn phụ và đặc điểm của tổn thương tế bào thần kinh là tổn thương không hồi phục.

Bạn cố gắng kiên trì sử dụng cho mẹ bạn các thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc bổ thần kinh, kết hợp đông y, châm cứu, phục hồi chức năng ngôn ngữ. Chỉ có thể bằng các biện pháp tổng thể như vậy mới có hy vọng hồi phục được lời nói cho mẹ bạn.

Hướng dẫn phòng và nhận biết sớm đột quỵ: Chuyên gia tim mạch giải đáp nhiều thắc mắc  - Ảnh 2.

Độc giả • Long Pham: Uống 1viên Aspirin PH8 mỗi ngày có ngừa được bệnh xơ vữa và máu đông hay không?

Bác sĩ Bùi Long: Aspirin PH8 là thuốc chống tắc mạch kinh điển. Tác dụng thuốc là chống đông vón tiểu cầu, một thành phần trong quá trình hình thành cục máu đông.

Thuốc không có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch nên đây không phải là thuốc chống xơ vữa. Với bệnh nhân không có nguy cơ tăc mạch, không có hiện diện của xơ vữa động mạch thì không có khuyến cáo sử dụng thường quy Aspirin PH8 để phòng bệnh tắc mạch.

Thực ra thuốc này cũng có tác dụng không tốt với dạ dày vì nguy cơ gây viêm loét dạ dày. Vì vậy nên cân nhắc sử dụng thuốc này khi cần thiết, chỉ khi lợi ích bảo vệ mạch máu vượt trội với nguy cơ tác dụng phụ trên đường tiêu hoá.

Thuốc nên được chỉ định cụ thể bởi bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý dùng. Đ

Độc giả • Phuong Hoa Tran: Tôi đi làm điện tim bác sĩ ghi có tiếng dẹt T3 là sao, có nguy hiểm không ạ? Xin Bác sĩ giải thích.

Bác sĩ Bùi Long: Có lẽ bạn đã nhầm khi nghe bác sĩ chẩn đoán. Theo như bạn kể thì khả năng bạn làm điện tim có một chuyển đạo D3 hoặc V3 có sóng T dẹt. Sóng T là một trong phức bộ điện tim bao gồm các sóng P, QRS, sóng T. Sóng T thường biểu hiện cho tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim hoặc tình trạng rối loạn điện giải trong máu, chủ yếu là Kali.

Khi có bất thường của sóng T như sóng T dẹt, âm hay cao nhọn thì nên khám kỹ về tim mạch. Một thông tin ít ỏi của bạn như vậy không đủ để chúng tôi kết luận bạn có bị bệnh tim hay không.

Bạn có thể đăng ký khám tim mạch tại Khoa Tim mạch can thiệp bệnh viện Hữu Nghị của chúng tôi để được tư vấn và điều trị cụ thể. Điện thoại tư vấn 01626762626. Trang web: www.timmachcanthiep.com.vn

Độc giả Duyên (email: [email protected]): Tôi năm nay 38 tuối, tôi hay bị đau đầu chóng mặt, mấy tháng gần đây tôi bị tê nhức nửa người bên phải.Tôi đi chụp CT não thì BS kết luận " hình ảnh kén khoang dưới nhện vùng góc cầu tiểu não phải".

Tôi đi chụp cộng hưởng từ đốt sống cổ BS kết luận "Thoái hóa nhẹ các địa đệm cổ, Phình đĩa đệm C4/5". Tôi chụp cộng hưởng từ thắt lưng "Thoái hóa cột sống"

Tôi đã uống các loại thuốc BS kê đơn nhưng vẫn không thấy đỡ và cảm giác rất khó chịu khi tê nhức và chóng mặt. Vậy mong BS cho biết phải điều trị như thế nào ạ?

Bác sĩ Bùi Long: Khoang dưới nhện là khoảng trống giữa nhu mô não và các lớp màng não, chứa dịch não tuỷ là chủ yếu. Kén khoang dưới nhện là tổ chức nang dạng nước, thường xuất hiện bẩm sinh và tình cờ phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não.

Kén khoang dưới nhện ít khi gây triệu chứng đau đầu, chỉ khi kích thước quá lớn gây chèn ép nhiều mới gây triệu chứng. Thường không phải phẫu thuật nếu kén không gây triệu chứng khó chịu gì. Bạn có thể định kỳ chụp kiểm tra xem nó có tiến triển kích thước to lên không.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay cột sống thắt lưng đều gây ra cảm giác đau tê nhức khó chịu do chèn ép rễ thần kinh. Thoát vị cột sống cổ còn có thể gây đau đầu chóng mặt rất khó chịu. Các thuốc giảm đau và tăng cường tuần hoàn não hệ sống nền có thể giúp giảm triệu chứng.

Tuy nhiên nhiều trường hợp phải phối hợp thuốc với vật lý trị liệu mới có kết quả. Bệnh có thể khỏi trong đợt cấp nhưng cũng có thể tái phát những đợt tiếp theo.

Một số trường hợp đau đầu chóng mặt ngoài nguyên nhân thoát vị cột sống cổ còn có thể do thiếu máu não hệ sống nền do xơ vữa gây nặng động mạch đốt sống thân nền. Với những trường hợp này cần phải chụp mạch máu não để chẩn đoán xác định mức độ hẹp động mạch để điều trị can thiệp.

Độc giả Long Bình (email [email protected]): Tôi hay bị đau đầu, da đầu ko còn cảm giác ngứa kể cả 1 tháng ko gội đầu, thi thoảng có hiện tượng nhói đỉnh đầu, trí nhớ giảm sút... mấy năm nay tôi bị stress do căng thẳng về kinh tế và tiền bạc.

Xin hỏi đó là dấu hiệu bệnh gì, có bị đột quỵ ko và cách xử lý?

Bác sĩ Bùi Long: Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thần kinh là chủ yếu. Đặc biệt đau đầu lại mất cảm giác da đầu thì chắc chắn liên quan đến thần kinh cảm giác dưới da đầu.

Tuy nhiên nếu thời gian này bạn cảm thấy căng thẳng nhiều chuyện liên quan đến cuộc sống thì cũng là nguyên nhân gây đau đầu. Ngoài ra mất ngủ kéo dài cũng là nguyên nhân. Bạn nên khám chuyên khoa thần kinh tầm thần để uống thuốc chuyên khoa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại