Hưởng cơ chế đặc thù, chủ đầu tư cao tốc tỷ đô 'méo mặt'

Vũ Điệp |

Ngoài thu phí đường, chủ đầu tư cao tốc Hà Nội Hải Phòng còn được Chính phủ cho nhiều “cơ chế đặc thù” hấp dẫn ven cao tốc. Những “cơ chế đặc thù” này tác động thế nào tới việc tăng phí đường vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Chưa làm rõ lợi nhuận từ 'cơ chế đặc thù'

Trong lần trả lời phóng viên VietNamNet về việc tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: Khi xây dựng phương án tài chính cho cao tốc này, ngoài chuyện thu phí để hoàn vốn, nhà đầu tư (công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI - PV) còn được Nhà nước hỗ trợ với nhiều đặc quyền khác.

Đó là được xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp (KCN), các khu dịch vụ hậu cần phục vụ dọc tuyến cao tốc và thu phí QL5 đến hết thời gian BOT là khoảng 30 năm.

Do vậy, nếu nhà đầu tư chỉ trông chờ vào tăng phí đường để hoàn vốn sẽ đè thêm gánh nặng phí, đẩy rủi ro cho người dân.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cũng xác nhận: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có mức đầu tư ban đầu lớn (hơn 1 tỷ USD - PV), ngân sách Nhà nước không đủ nên các Bộ ngành cũng như VIDIFI đề xuất Chính phủ cho VIDIFI được sử dụng quỹ đất ven đường làm khu đô thị, KCN và xem như đó là tiền hỗ trợ.

Đây là hình thức hỗ trợ tài nguyên hạ tầng, do ngân sách nhà nước không có tiền nên nhà đầu tư được khai thác đất.

Khi được hỏi: Liệu lợi nhuận từ những “tài nguyên hỗ trợ” này trong tương lai có được tính toán là nguồn thu để giảm mức phí cho đường cao tốc ngay từ thời điểm này không, ông Nguyễn Danh Huy cho hay: Lợi nhuận đem lại từ các khu này là bao nhiêu hiện vẫn chưa tính được.

Do vậy, VIDIFI phải thu phí với mức như hiện nay để cân đối tài chính. Sau này nếu giá đất cao, đầu tư thu được lợi nhuận lớn thì VIDIFI phải tính toán cụ thể để nộp lại ngân sách!

Chưa dám làm gì

Tuy nhiên, nói về những vấn đề trên, ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch VIDIFI cho rằng “đây không phải là đặc thù, cũng không phải là ưu đãi” bởi Nhà nước không có tiền mặt nên mới giao cho VIDIFI quỹ đất để phát triển khu đô thị, KCN.

“Đây là trách nhiệm nặng nề của VIDIFI”, ông Chiến nói.

Hưởng cơ chế đặc thù, chủ đầu tư cao tốc tỷ đô méo mặt - Ảnh 1.

Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết dù được hưởng nhiều đặc thù nhưng chưa khai thác được gì. Ảnh: VietNamNet

Hơn nữa, việc VIDIFI được sử dụng quỹ đất mới chỉ là quyết định của Thủ tướng. Còn các khu đô thị, KCN ở các địa phương có tuyến đường đi qua vẫn chưa phê duyệt quy hoạch.

Khi thực hiện, VIDIFI cũng phải tự giải phóng mặt bằng, không phải như hình thức đầu tư BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Chủ tịch VIDIFI cũng đánh giá hiện nay đất dành cho phát triển KCN ven QL5 còn rất lớn, giá thuê rẻ, lợi thế xe ra vào thuận tiện.

Còn ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng việc ra vào bất tiện hơn nhưng về lâu dài, phát triển KCN ven cao tốc này sẽ có lợi thế.

Ở thời điểm hiện tại, VIDIFI dù có “cơ chế đặc thù” nhưng "chưa dám làm gì" vì kêu gọi đầu tư nước ngoài chưa khởi sắc, tình hình bất động sản Hà Nội vẫn trầm lắng, đầu tư vào những khu vực được cho là “tài nguyên hỗ trợ” này dễ có nguy cơ bị lỗ kép.

Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng liên tục than khó

Ông Chiến cho hay: Với mức phí thu tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL5 như hiện nay vẫn chưa đủ để VIDIFI trả lãi hàng ngày.

Hiện nay, mỗi năm VIDIFI phải trả cho ngân hàng hơn 2.000 tỷ, trong khi nguồn thu phí đường từ QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là 1.300 tỷ mỗi năm.

Theo ông Chiến, trong khi các dự án cao tốc như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai... được Nhà nước hỗ trợ tư 50-70% tiền trực tiếp từ ngân sách thì cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ được 23%.

Hơn nữa, tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà nước hỗ trợ VIDIFI tiền GPMB, nhưng từ năm 2008 VIDIFI bỏ ra khoảng 4.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được hoàn trả và kế hoạch 5 năm tới cũng chưa được huy động đồng nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại