Ông Laszlo Kover có bài phát biểu của Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Budapest, Hungary ngày 20/5/2022. (Ảnh:AFP / Attila Kisbenedek )
Chủ tịch Hạ viện Hungary Laszlo Kover tuyên bố ông đã nhận được hàng chục email từ các cử tri Thụy Điển và Phần Lan kêu gọi ông ngăn cản việc các quốc gia này gia nhập NATO.
Mặc dù ông Kover ủng hộ nỗ lực gia nhập của Phần Lan, nhưng ông tuyên bố Budapest đã bị Helsinki quay lưng ngay sau cuộc bỏ phiếu ủng hộ.
Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu ủng hộ việc Phần Lan gia nhập NATO vào tháng trước, vài ngày trước khi một cuộc bỏ phiếu tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ dọn đường cho quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên thứ 31 của khối.
Phần Lan và Thụy Điển đều từ bỏ vai trò trung lập và nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái. Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri ở cả 2 nước đều ủng hộ động thái này, nhưng không chính phủ nào đưa quyết định này ra trưng cầu dân ý.
“Các đại diện của Hungary đã nhận được hàng tá email từ Thụy Điển và Phần Lan không chấp nhận việc gia nhập, vì theo họ, không có tính hợp pháp dân chủ nào đằng sau quyết định này” - ông Kover nói với Hir TV của Hungary hôm 9/4.
Ông Kover chỉ ra rằng có một cuộc trưng cầu dân ý ở Hungary về việc gia nhập NATO vào năm 1999, nhưng, “ở cả Thụy Điển và Phần Lan, họ quên hỏi người dân về điều này”.
Chính phủ Hungary ban đầu ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, nhưng một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội sau đó đã bị đình trệ khi Thủ tướng Viktor Orban cáo buộc cả 2 quốc gia này “lan truyền những lời nói dối về Hungary, về pháp quyền ở Hungary, về nền dân chủ và về cuộc sống ở đây”.
Thụy Điển và Phần Lan đã chỉ trích gay gắt chính phủ bảo thủ của Hungary, họ đều ủng hộ việc EU rút tiền khỏi Budapest vì cáo buộc ông Orban bóp nghẹt quyền của người có giới tính đặc biệt (LGBT) và người di cư, cũng như những lo ngại về độc lập tư pháp ở đây.
Chưa đầy 2 tuần sau khi Hungary bỏ phiếu chấp nhận Phần Lan vào NATO, chính phủ Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia vụ kiện pháp lý của Ủy ban Châu Âu chống lại Luật Bảo vệ Trẻ em của Hungary. Luật cấm mô tả đồng tính luyến ái hoặc chuyển giới trong nội dung truyền thông nhắm vào đối tượng dưới 18 tuổi này đã bị các thành viên EU khác chỉ trích là chống LGBT.
“Ngay sau khi Hungary đồng ý cho Phần Lan gia nhập, ngày hôm sau, người Phần Lan lập tức tham gia vụ kiện LGBTQ chống lại Hungary tại Tòa án Công lý Châu Âu” - ông Kover nói với Hir TV.
Ông cho biết “họ đã không thể hiện dù chỉ một chút tôn trọng đối với Hungary hay ý chí của người Hungary”.
Theo RT