Phát biểu với đài LCI (Pháp) hôm 2-5, ông Szijjarto cho rằng chính những bình luận của nhà lãnh đạo Pháp đã góp phần làm tình hình leo thang căng thẳng.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: "Nếu một thành viên NATO triển khai lực lượng bộ binh, đây sẽ là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, sau đó sẽ là Thế chiến thứ 3".
Theo đài RT, ông Macron đã đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn The Economist - được công bố hôm 2-5, nhấn mạnh những tuyên bố trước đó về khả năng triển khai quân đội Pháp tới Ukraine.
Tổng thống Pháp cho biết những đề xuất ban đầu của ông, vốn được đưa ra vào đầu năm nay, là "lời cảnh tỉnh mang tính chiến lược đối với những người đồng cấp". Ông gợi ý rằng Paris có thể triển khai quân đội nếu Nga phá vỡ tiền tuyến và nhận được yêu cầu trợ giúp đến từ Kiev.
Nhà ngoại giao hàng đầu Hungary cũng chỉ trích ý tưởng của ông Macron rằng vũ khí hạt nhân của Pháp có thể trở thành một phần trong "hệ thống phòng thủ đáng tin cậy của châu Âu".
Ông Szijjarto nhấn mạnh: "Trong thời bình thì sẽ khác nhưng trong xung đột, những tuyên bố như vậy có thể bị hiểu sai và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu tình hình leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu, sẽ là dấu chấm hết đối với tất cả".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron hôm 2-5 nói với hãng tin Reuters rằng London sẽ tiếp tục gửi cho Kiev khoảng 3 tỉ USD mỗi năm "trong thời gian cần thiết" và gợi ý rằng Ukraine có mọi quyền sử dụng vũ khí của Anh để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3-5 cho rằng những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron là "một phần của hành động gây căng thẳng bằng ngôn từ" đến từ các quan chức phương Tây.
Ông Peskov cho đó là một "xu hướng rất nguy hiểm", có thể đe dọa an ninh lục địa.
Bất chấp những lo ngại, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định Moscow sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu.