Theo kênh truyền thông Defense Express của Ukraine, các máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy ít nhất 23 hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo trong các cuộc xung đột quân sự gần đây ở Syria và Libya.
Trong đó, ít nhất 8 hệ thống Pantsir do Nga sản xuất đã bị phá hủy tại Trung Đông còn 15 tổ hợp khác bị tiêu diệt ở châu Phi. Tổng số hệ thống phòng không Pantsir bị thiệt hại có thể con lớn hơn con số trên nếu tính cả những phương tiện bị Israel phá hủy ở Syria.
Pantsir-S1 cho thấy nó đã không thể chống trả được các UAV Anka-S và vũ khí dẫn đường MAM-L trang bị cho các máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Thành công này còn được tiếp sức thêm bởi các hệ thống tác chiến điện tử Koral đặt trên mặt đất do Ankara chế tạo.
Các máy bay không người lái thường được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tấn công theo kiểu “bầy đàn”. Mục tiêu bị phá hủy từ nhiều khoảng cách và độ cao khác nhau, cả ban ngày lẫn ban đêm.
Một hệ thống Pantsir-S1 của Nga bị thu giữ trong tình trạng hư hại nặng
Trong Chiến dịch Lá chắn Mùa Xuân (OSS) chống lại Quân đội Syria cùng các lực lượng đồng minh do Iran hậu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ được năng lực tác chiến bằng máy bay không người lái do nước này tự thiết kế, phát triển và sử dụng. OSS là chiến dịch chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng nhiều nhất các UAV nội địa Anka-S và Bayraktar TB2.
Với Ankara, lợi thế của các máy bay không người lái là khá rõ ràng: Chúng cho phép Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thống lĩnh không phận mà không cần huy động thêm các lực lượng không quân, bộ binh nhưng vẫn gây tổn thất lớn cho kẻ thù.
Tính chính xác và mức độ sát thương từ các vụ không kích bằng UAV ở Idlib được giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là khá ấn tượng.
Truyền thông Thổ Nhĩ kỳ thậm chí còn cho rằng các vụ tấn công ồ ạt bằng UAV chống lại lực lượng quân đội Chính phủ Syria là một sự “sỉ nhục” với cả người Nga bởi công nghệ, trong đó có các hệ thống phòng không do Moscow chế tạo, đã tỏ ra “vô dụng”.
Anka là dòng UAV cỡ lớn do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo nội địa với một loạt phiên bản khác nhau, bao gồm: Anka-A, Anka-B, Anka-S và Anka-I. Trong đó, Anka-A là mẫu đầu tiên, Anka-B là UAV trinh sát, Anka-I là phiên bản tác chiến điện tử và Anka-S là loại tích hợp cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công.
Anka-S bắt đầu được sử dụng trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018 và đây là loại vũ khí hoàn toàn mới, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, thu thập tin tức, giám sát các mục tiêu trên mặt đất. Phương tiện này được trang bị hệ thống thấu kính điện tử cùng các bộ cảm biến hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Anka-S dài 8,6m, có sải cánh 17,5m, tốc độ tối đa 217 km/h, tốc độ hành trình là 204 km/h, thời gian bay tối đa 26 giờ và trần bay thực tế 9.000m. UAV Anka-S có thể mang tới 250kg vũ khí các loại, được trang bị 4 quả bom dẫn đường laser cỡ nhỏ MAM-L/C.
Trong khi đó, Pantsir là hệ thống phòng không tầm gần và tầm trung, được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở trọng yếu và chống trả các vụ không kích chính xác hoạt động ở trần bay thấp. Trong ít nhất 2 sự vụ, các UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ được các tổ hợp Pantsir-S1 tại Idlib.
Hệ thống UAV Anka đa nhiệm do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nội địa