TQ tăng cường năng lực phá mìn, chuẩn bị chiến tranh
Truyền thông Trung Quốc thông báo, Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành tốt đẹp các chiến dịch phá mìn phức tạp bằng cách sử dụng các "đội tàu" quét mìn để làm sạch những tuyến đường biển rải thủy lôi (hay còn gọi là mìn biển).
Theo tạp chí National Interest, đây là một phần trong sáng kiến của Trung Quốc nhằm "đe dọa" Đài Loan thông qua việc vẽ ra viễn cảnh về một cuộc tấn công đổ bộ thắng lợi.
"Quân đội Trung Quốc (PLA) có đủ năng lực đẩy lùi bất cứ nỗ lực nào nhằm triển khai thủy lôi để cản trở các hoạt động của PLA, chiến thuật rải mìn của Đài Bắc tại eo biển Đài Loan nhằm kéo dài thời gian cho quân tiếp viện của Mỹ [kịp đến hỗ trợ] sẽ không thành công" – Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh.
Hải quân Trung Quốc diễn tập rà phá thủy lôi trên biển Hoa Đông. Nguồn: CCTV
Nhà phân tích Kris Osborn trên tạp chí National Interest nhận định, bất chấp tuyên bố huyênh hoang của truyền thông Trung Quốc, năng lực phá mìn thực sự của PLA vẫn là một câu hỏi mở.
Dẫn báo cáo của hãng tin Reuters, Global Times viết thêm rằng, Mỹ đang thúc đẩy bán vũ khí cho Đài Loan, trong đó có các loại thủy lôi ngầm, thông minh. Đài Loan cũng đang chế tạo các tàu rải mìn, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho lực lượng vũ trang của họ vào cuối năm nay.
Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại học viện thuộc lực lượng phòng vệ trên biển của Đài Loan, cho biết Đài Loan đã mua nhiều thủy lôi Mỹ và tìm cách cải tiến chúng nhằm ngăn cản nỗ lực đổ bộ của PLA.
"Nếu PLA cố gắng tấn công đảo Đài Loan, đó sẽ là trận chiến phi đối xứng. Một trong những biện pháp tốt nhất mà lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể triển khai là rải thủy lôi dưới vùng nước quanh hòn đảo và các tuyến đường biển chính nối với đại lục" - Lu nói.
Trước tình hình đó, theo Global Times, "PLA đã đưa vào sử dụng các hệ thống sonar và robot quét mìn để phát hiện và phá hủy thủy lôi" nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Nhà phân tích Osborn cho hay, mặc dù Trung Quốc tuyên bố công nghệ của họ có thể tìm kiếm và vô hiệu hóa các loại "mìn thông minh" nhưng hiện có rất ít bằng chứng được đưa ra để chứng minh điều đó, nhất là trong bối cảnh các loại thủy lôi ngày càng được chế tạo tinh vi hơn.
Câu hỏi mấu chốt đặt ra là: Năng lực phá mìn của Trung Quốc đã có khía cạnh nào sánh ngang với các hệ thống mới của Mỹ hay chưa?
Ví dụ, Hải quân Mỹ đang gấp rút phát triển một phương tiện không người lái dưới nước, gọi là Barracuda, sử dụng mạng không dây và cảm biến tiên tiến để tìm kiếm các bẫy mìn, giúp giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra với con người trong các phương thức trước đây.
Bản thân Barracuda cũng có thể trở thành một loại mìn kích nổ sau khi dùng cảm biến để xác định được vị trí rải mìn của đối phương.
Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc được cho là đã có các loại sonar quét mìn nhưng cũng không có gì đảm bảo chúng có hiệu quả hoạt động tiệm cận với hệ thống AQS 24 của Hải quân Mỹ. AQS 24 là hệ thống sonar có khả năng phát hiện – quét mìn nhanh, cũng như được trang bị cảm biến quét laser cho phép xác định vị trí rải mìn chính xác hơn và trong thời gian ngắn hơn.
Global Times cho biết, các hệ thống phá mìn được PLA sử đụng dể phát hiện "sự thay đổi trường điện từ" tạo ra do chuyển động của các con tàu đã chứng tỏ được hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Osborn cho rằng tuyên bố này có vẻ chưa được xác thực, và nó cũng không phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có đủ năng lực kỹ thuật để nhanh chóng phát hiện ra một bãi mìn quy mô lớn được rải xuống vùng nước ít biến động hoặc được chôn bên dưới thềm đại dương.
Một điểm đáng chú ý khác, theo Global Times, ngoài chiến dịch phá mìn, các tàu hải quân Trung Quốc còn tiến hành một số bài diễn tập phòng không bằng đạn thật. Tờ báo này tuyên bố, trong trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn các bẫy mìn mà đối phương bố trí, PLA có thể "tiến hành hoạt động đổ bộ đường không" để tránh mìn.
Theo ông Osborn, điều này thể hiện nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc trong việc duy trì mối đe dọa tấn công đổ bộ đối với Đài Loan, bất chấp chiến thuật bẫy mìn hiệu quả của hòn đảo này.
Nguy cơ đụng độ gia tăng tại eo biển Đài Loan
Nguy cơ đụng độ tại eo biển Đài Loan đang có xu hướng gia tăng, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách ngăn cản Đài Loan tiếp tục củng cố quan hệ với Mỹ và các quốc gia khác.
Theo ghi nhận của tờ Bloomberg, các chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc (PLA) đã nhiều lần xâm phạm giới tuyến trên không giữa Đài Loan và Trung Quốc lục địa, làm căng thẳng leo thang vào thời điểm Bắc Kinh liên tục tổ chức các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực.
Chưa hết, tờ China Times dẫn lời một số quan chức Đài Loan nhận định, những vụ việc tương tự sẽ còn diễn ra trong tương lai, đặc biệt là sau khi các phi công PLA tuyên bố "chẳng hề tồn tại giới tuyến nào cả" vào thời điểm Đài Loan tìm cách cảnh báo các máy bay này.
Một máy bay quân sự Trung Quốc bị phát hiện xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan. Ảnh: Lực lượng phòng vệ Đài Loan
Stéphane Corcuff, chuyên gia về Trung Quốc tại Sciences-Po Lyon nhận định: "Trung Quốc đã bước qua một giai đoạn mới trong việc khiêu khích quân sự với Đài Loan.
Eo biển Đài Loan đang trong khủng hoảng quân sự trầm trọng kể từ năm 1958 (Trung Quốc oanh tạc các đảo Kim Môn, Mã Tổ) và 1996 (Trung Quốc bắn mấy chục hỏa tiễn vào Đài Loan). Không loại trừ trường hợp một phi công có hành động quá trớn, làm nổ ra chiến tranh".
Hôm 19/9, tờ Global Times cảnh báo chiến tranh sẽ nổ ra nếu lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vi phạm luật Chống ly khai của đại lục.
"Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người muốn tăng cường quan hệ sâu sắc hơn với Washington trong bữa tối tiếp một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tới thăm, rõ ràng đang đùa với lửa.
Nếu bất kỳ hành động khiêu khích nào của bà ấy vi phạm Luật Chống Ly khai của Trung Quốc, chiến tranh sẽ nổ ra và Thái Anh Văn sẽ bị loại bỏ", Global Times viết trên tài khoản Twitter chính thức.
Tuyên bố được Global Times đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế, năng lượng và môi trường Keith Krach thăm Đài Loan từ 17/9 đến 19/9. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tới Đài Loan sau 4 thập kỷ và bà Thái đã chủ trì tiệc chiêu đãi ông Krach tại dinh thự của bà tối 18/9.
Nhà phân tích Andreas Fulda tại Đại học Nottingham cảnh báo, Trung Quốc có thể nhắm vào Đài Loan và Bắc Kinh có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn trong khu vực.