Cách đây không lâu, một trong những đề tài được quan tâm nhiều nhất trên các trang tin tức và phân tích quân sự là những tình tiết trong giai đoạn cuối cùng của cuộc tập trận hải quân đa quốc gia khối NATO và các lực lượng hải quân đồng minh với tên gọi "Sea Breeze 2020".
Bên cạnh đó là cuộc tập trận thường lệ trên không với sự tham gia của máy bay chống hạm P-8A Poseidon (căn cứ Sigonella, Ý), tốp các tiêm kích đa mục tiêu F-16C/D Block 40 (căn cứ Aviano, Ý), một cặp máy bay tiếp nhiên liệu KC-135R (căn cứ Moron, Tây Ban Nha) và UAV trinh sát-tấn công MQ-9A Reaper (căn cứ 12 của Không quân Ba Lan ở Mirosławiec).
Đáng chú ý, theo trang tin giám sát hoạt động đường không PlaneRadar, trong ngày 03/8, cách không phận phía nam của Đảo Síp khoảng 100km đã ghi nhận sự xuất hiện của cùng lúc 3 máy bay chống hạm tầm xa P-8A Poseidon.
Hai trong số các máy bay này đã thực hiện lộ trình thường lệ là di chuyển về phía không phận tây bắc của Syria, trên bầu trời tỉnh Tartus và Latakia, để triển khai hoạt động trinh sát điện tử đối với căn cứ không quân Hmeymim và khu vực xung quanh.
Mục đích của hoạt động này là theo dõi động thái của lực lượng không quân chiến thuật Nga và khả năng Nga triển khai thêm các hệ thống tên lửa phòng không để thiết lập "mái vòm" phòng thủ chống tên lửa đa lớp trên vùng trời của căn cứ này.
Theo một số nguồn tin trước đó, để triển khai hoạt động trinh sát điện tử đối với căn cứ Hmeymim và cơ sở của Hải quân Nga tại Tartus, bộ tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi thường bố trí một chiếc P-8A Poseidon trang bị hệ thống cảm biến đa phổ quang-điện và hồng ngoại kỹ thuật số MX-20HD.
Hệ thống này có khả năng cung cấp cho kíp lái của Poseidon thông tin đầy đủ về mọi sự thay đổi tại địa điểm trinh sát (từ việc đối phương triển khai bổ sung các phương tiện phòng không, cho tới việc xác định biến thể của các máy bay không quân chiến thuật và nhận dạng vũ khí bom-tên lửa gắn trên các giá treo ngoài của những máy bay này).
Một chiếc tàu ngầm Varshavyanka của Hải quân Nga. Ảnh: Sputnik
Như vậy, ở đây một câu hỏi được đặt ra là: Điều gì khiến bộ tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi phải cử đến không phận quốc tế trên vùng trời đông Địa Trung Hải cùng lúc 3 chiếc Poseidon?
Theo trang mạng topwar.ru, có thể nhận thấy rằng trong trường hợp này, Poseidon không chỉ thực hiện nhiệm vụ trinh sát điện tử-quang học, mà có vẻ còn cần phát huy chức năng trinh sát thủy âm để phát hiện sự có mặt của các tàu ngầm đối thủ.
Mục tiêu của 3 chiếc P-8A Poseidon hoàn toàn có thể là 1 trong 6 chiếc tàu ngầm diesel-điện tiếng ồn thấp đề án 636.3 Varshavyanka thuộc lữ đoàn tàu ngầm số 4 Hạm đội Biển Đen.
Có thể con tàu đã "lặng lẽ" tiếp cận căn cứ Akrotiri (Síp) của Hải quân Hoàng gia Anh để đánh giá khả năng hoạt động của các phương tiện phòng thủ chống hạm Hải quân NATO. Điều này được chứng minh bằng lộ trình bay lượn của 1 trong số 3 chiếc Poseidon mà PlaneRadar ghi nhận được.
Theo Topwar, việc phát hiện vị trí của chiếc tàu ngầm Varshavyanka là khá khó khăn, thậm chí cả khi nhờ tới sự giúp đỡ của nhiều phao thuỷ âm dẫn hướng và không dẫn hướng, trang bị thiết bị thu âm độ nhạy cao và có khả năng hoạt động trong chế độ chủ động/thụ động.
Để phát hiện chiếc tàu ngầm tiếng ồn siêu thấp Varshavyanka, lực lượng không quân chống hạm của Hải quân NATO cần phải có sự giám sát chi tiết và liên tục từng km2 trên cả một vùng biển, với sự phối hợp của số lượng lớn các phao thủy âm, cũng như những cảm biến từ tính được bố trí không chỉ trên một chiếc máy bay tuần tra chống hạm P-8A.
Trang mạng Nga cho rằng, từ nhiệm vụ trinh sát điện tử cho tới truy tìm Varshavyanka, các sĩ quan điều khiển Poseidon lần này đã phải "toát mồ hôi hột".