Hứng chịu đòn bao vây nhiều mặt, 3 tàu khinh hạm tên lửa của Nga buộc phải bán tháo!

Quang Huy |

Các tàu khinh hạm tên lửa của Nga đang được đóng, tiền không thiếu, nhưng không có động cơ của Ukraine thì chúng mãi mãi sẽ nằm lại trong xưởng.

Khi tại Ukraine xảy ra đảo chính, một cuộc chiến tranh đã nổ ra nhằm chống lại Nga. Nếu như không phải khu vực Donbass nổi dậy thì có lẽ cuộc chiến tranh đó đã không chỉ dừng lại ở lĩnh vực truyền thông và kinh tế…

Và Nga đã phải lãnh chịu quả đắng, các mắt xích sản xuất được kết nối với Ukraine trong suốt lịch sử vài chục năm qua đã bị đứt quãng. Nga vấp phải những vấn đề rất cụ thể mà gây hậu quả khôn lường trong tương lai.

"Các tàu chiến của một số đề án sẽ không được hoàn thiện vì một vài hợp đồng rất lớn đã ký với Công ty chế tạo động cơ Nikolaevsky, tiền giải ngân, nhưng sản phẩm họ không thèm bàn giao, còn tiền không chịu trả lại. Kiện ra tòa tại Kiev chăng? Hãy đi mà kiện!", hãng RIA Novosti trích dẫn lời phó thủ tướng Nga Dmitri Rogozin.

Tàu khinh hạm tên lửa hiện đại!

Nga hiện sở hữu các tàu khinh hạm tên lửa đề 11356 được đánh giá rất tuyệt vời. Với lượng giãn nước 4 nghìn tấn, chúng được trang bị bệ phóng đa năng có thể dùng mang phóng các tên lửa Kalibr hoặc Onyx hiện đại và đáng gờm.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung "Shtil-1" phóng thẳng đứng có nhiệm vụ đối phó với các mối đe dọa từ trên không, diệt tối đa 12 mục tiêu cùng lúc ở cự ly 50km và độ cao tới 15km với cơ số đạn 3 quả vào một mục tiêu, đảm bảo xác suất trúng đích cao nhất, đủ sức phòng thủ toàn diện kể cả trong trường hợp bị tấn công tổng lực.

Ở tầm gần và cực gần, các tàu này có khả năng phòng vệ bằng 2 tổ hợp pháo/tên lửa "Palash" cùng 2 pháo bắn nhanh 6 nòng.

Trên tàu còn trang bị cả tổ hợp pháo 100mm cực mạnh, tốc độ bắn nhanh nhất trên thế giới với 80 viên/phút nhằm vào các mục tiêu ở khoảng cách 20km.

Để chống lại các tàu ngầm, nó sử dụng 2 máy phóng ngư lôi và thiết bị thả thủy lôi chống ngầm RBU-6000. Chiếc tàu này còn bố trí sàn đáp và khoang đỗ cho máy bay trực thăng Ka-27 hoặc Ka-31 cảnh báo sớm trên không.

Nói chung, đây là chiếc tàu khinh hạm tên lửa được trang bị vũ khí tận răng.

Hứng chịu đòn bao vây nhiều mặt, 3 tàu khinh hạm tên lửa của Nga buộc phải bán tháo! - Ảnh 1.

Chiếc thứ hai thuộc đề án 11356 mang tên Admiral Essen.

Phát súng tự bắn vào chân

Nga đã kịp chế tạo 3 chiếc tàu thuộc lớp này – "Đô đốc Grigorovich" và "Đô đốc Essen", hiện đang thuộc biên chế của Hạm đội Biển Đen từ năm nay, còn "Đô đốc Makarov" đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Thêm 3 chiếc nữa đang được đóng mới.

Điều bất ngờ đã xảy ra, Ukraine từ chối cung cấp động cơ turbine khí. Các tàu khinh hạm tên lửa đang được đóng, tiền không thiếu, chúng rất cần cho hạm đội, nhưng không có động cơ thì chúng mãi mãi sẽ nằm lại trong xưởng.

Nga đã xem xét các phương án giải quyết tình hình, nhưng cuối cùng đã đi tới kết luận chỉ hoàn thiện một chiếc trong nước và bán nó cùng với 2 thân tàu khác cho Ấn Độ, sau đó sẽ hoàn thiện tại quốc gia này. Ukraine chỉ đồng ý giao động cơ tuốc bin khí nếu như những tàu chiến này thuộc biên chế của Hải quân Ấn Độ.

Từ đâu có quyết định này?

11356 là đề án tàu khinh hạm tên lửa "Talwar" mà Nga đóng và xuất khẩu cho Ấn Độ từ năm 1999, nhưng với một số thay đổi nhỏ. Tất cả đều là sự kế thừa của đề án 1135 chế tạo tàu tuần tra "Burebestnik" từ thời Liên Xô.

Khi đó, Ukraine là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô, có hạ tầng sản xuất phát triển với nền tảng khoa học mạnh mẽ, và đã sản xuất các động cơ tuốc bin khí cho các loại tàu chiến của toàn liên bang. Và sau khi Liên Xô tan rã, hoạt động hợp tác sản xuất vẫn tiếp tục được triển khai.

Những năm qua, Nga đã đóng cho Ấn Độ 6 tàu khinh hạm tên lửa lớp "Talwar" và họ, như đã thấy, không từ chối mua thêm 3 chiếc tương tự với những điều kiện hấp dẫn.

Hứng chịu đòn bao vây nhiều mặt, 3 tàu khinh hạm tên lửa của Nga buộc phải bán tháo! - Ảnh 2.

Khinh hạm tên lửa lớp "Talwar" của Hải quân Ấn Độ.

Thế hạm đội của Nga thì sao? Không còn tàu tuần tra?

Thực ra, đề án 11356 chỉ là biện pháp tăng cường sức mạnh cho hải quân Nga mang tình tạm thời khi chưa hoàn thành xong quá trình thử nghiệm các tàu khinh hạm tên lửa hoàn toàn mới thuộc đề án 22350.

Những chiếc tàu thuộc đề án này có trọng tải 4.500 tấn, trang bị những loại vũ khí hoàn toàn khác và về tổng thể, hoàn toàn vượt trội so với các tàu 11356. Hiện nay, Nga đã hoàn thiện chiếc đầu tiên của đề án này – "Đô đốc Gorshkov" – nó đang trong quá trình thử nghiệm, chỉnh sửa thiết kế, thảo luận về những cải tiến cần thiết.

Ngành công nghiệp Nga cần thời gian để có thể thiết lập hoạt động sản xuất các tàu chiến thuộc đề án này. Kết quả là "Đô đốc Kasatonov" đang trong quá trình thử nghiệm neo đậu và thêm 2 chiếc nữa đang được triển khai đóng.

Từ giờ không còn các động cơ tuốc bin khí?

Mùa thu năm 2013, chiếc tàu tuần tra đề án Yastreb mang tên Neustrashimy, theo kế hoạch, đã vào xưởng sửa chữa, sau đó vào mùa đông, thêm chiếc tàu chống hạm hạng nặng «Đô đốc Chabanenko» cũng cập cảng sửa chữa.

Chúng cần phải sửa động cơ tuốc bin khí. Trong khi đang tiến hành tháo động cơ thì xảy ra đảo chính tại Ukraine và những khó khăn khác khiến cho các tàu chiến này nằm "đắp chiếu" vô thời hạn.

Nhưng không có gì mà các kỹ sư Nga không thể xử lý được. Tập đoàn công nghiệp Novik đã bắt tay vào công tác thiết lập sản xuất từ con số 0 và họ đã nhanh chóng làm chủ được công nghệ sửa chữa và bảo dưỡng các động cơ tuốc bin khí.

Ban đầu, các động cơ tuốc bin của Neustrashimy đã được đưa tới xưởng của Metallist-Samara, sau đó là của tàu Đô đốc Chabanenko. Nhưng kế hoạch sửa chữa bị gián đoạn – vào đầu năm 2015, thêm động cơ của chiếc tàu tuần tra Yaroslav Mudry bị hỏng và phải ưu tiên cho nó.

Yaroslav Mudry hoạt động trên biển đã từ lâu và nó từng chịu trách nhiệm tuần tra chống cướp biển trên vịnh Aden. Neustrashimy sẽ phải rời xưởng vào cuối năm nay. Còn «Đô đốc Chabanenko» sẽ phải chờ tới năm 2017.

Điều quan trọng nhất đó là không chỉ công nghệ sửa chữa và bảo dưỡng mà Novik còn bắt tay vào xây dựng quy trình sản xuất những động cơ mới và do đó, từ nay về sau các tàu tên lửa thế hệ mới của Nga sẽ không phụ thuộc vào bất cứ ai.

Hứng chịu đòn bao vây nhiều mặt, 3 tàu khinh hạm tên lửa của Nga buộc phải bán tháo! - Ảnh 3.

Khinh hạm tên lửa thế hệ mới thuộc đề án 22350 của hải quân Nga đang thử nghiệm trên biển

Tổng kết

Tóm lại, giai đoạn chiến tranh kinh tế của Ukraine với Nga đã kết thúc như thế nào?

- Nga đóng lại hoạt động sản xuất các tàu tuần tra đề án 11356.

- Nga triển khai hoạt động sản xuất các tàu tên lửa đề án 11356 tại Ấn Độ mà sẽ sử dụng các phụ tùng của Nga.

- Nga có được hợp đồng nâng cấp xưởng đóng tàu Hindustan Shipyard Limited của Ấn Độ.

- Nga bảo đảm hoạt động liên tục cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của mình bằng các đơn đặt hàng cung cấp vũ khí cho tàu chiến, tất nhiên người Ấn Độ sẽ không mua được những thiết kế tốt nhất của đề án, nhưng sẽ sở hữu những phiên bản tương tự.

- Nga đã thiết lập hoạt động sửa chữa động cơ các tàu chiến Nga của mình và tự chế tạo động cơ hoàn toàn mới.

- Ấn Độ sẽ tiếp nhận 3 chiếc tàu với những điều kiện có lợi, cộng thêm khả năng tự triển khai sản xuất trong nước.

- Ukraine có được khách hàng mới mua động cơ tuốc bin khí dành cho các tàu chiến đề án này của Ấn Độ. Thực ra sau này Ấn Độ sẽ tự chế tạo.

- Ukraine đánh mất khách hàng mua các động cơ tuốc bin khí dành cho tất cả các tàu chiến đang và sẽ đóng của Hải quân Nga. Cũng như sẽ mất các hợp đồng bảo dưỡng và sửa chữa hàng chục động cơ tuốc bin khí hiện có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại