'Hùm thiêng' nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân 'đã bắn là ít khi chệch'

Trần Đình Ba |

"Mỗi khi quân giặc xông tới, cụ cùng nghĩa quân thường thủ hiểm một chỗ, bình tĩnh đợi giặc lao vào vừa tầm súng mới bắn. Mà bắn là ít khi chệch"

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 2.

Kể từ dạo cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất Yên Thế, Bắc Giang đã trở thành một địa danh nức lòng người yêu nước đất Việt. Còn với thực dân Pháp, thì nơi ấy chẳng khác gì cái dằm dưới chân, cái gai trong mắt cần phải nhổ bỏ trong chính sách xâm lược, bình định, bảo hộ của chúng với nước Việt. Cũng phải thôi, nơi ấy có "Hùm thiêng Yên Thế" bao phen khiến chúng ngủ chẳng yên giấc.

Dẫu hơn một thế kỷ đã qua từ dạo người anh hùng Đề Thám ngã xuống đất mẹ, nhưng dấu son yêu nước của ông cùng phong trào nông dân Yên Thế do ông đứng chủ thì chẳng rêu phong nào che phủ cho được. Cứ dịp ngày 16 tháng 3 dương lịch hàng năm, dân địa phương lại tổ chức lễ hội Yên Thế tưởng nhớ người anh hùng. (Riêng năm nay, để chống dịch Covid-19, các lễ hội đầu xuân trên toàn quốc đều không diễn ra để chung tay cùng Nhân dân và Chính phủ chống dịch, "chống giặc" Covid-19 - người viết)

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 3.

Người xưa không còn, chuyện cũ đã qua, nhưng dấu tích lịch sử thì mãi còn đó, và sử sách, giai thoại kể mãi chuyện "hùm thiêng". Đánh giá về con người Hoàng Hoa Thám (1836-1913) cùng phong trào yêu nước do ông lãnh đạo, người đương thời và hậu thế vẫn dành cho ông những lời trân trọng.

Chẳng nói đâu xa, khi phong trào Yên Thế dứt bóng năm 1913, dư âm về nó chưa nguội lạnh thì trong Việt Nam sử lược in lần đầu tiên năm 1920, sử gia Trần Trọng Kim dẫu chỉ điểm vài chữ, nhưng cũng đã đưa Hoàng Hoa Thám và phong trào vào tiểu mục "Lòng yêu nước của người Việt Nam" nơi Chương XV quyển V: "Người Việt Nam vì hoàn cảnh, vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn, sự uất ức đau khổ mỗi ngày một tăng thêm. Cho nên cứ độ năm bảy năm lại có một cuộc phiến động"… "Ở Hà Nội thì có việc đầu độc lính Pháp, rồi ở Thái Nguyên, Hoàng Hoa Thám lại nổi lên đánh phá". 

Cũng là nhà yêu nước chống Pháp dạo ấy, Sào Nam Phan Bội Châu từng gặp Hoàng Hoa Thám, đã nhận định về nhà yêu nước này trong hồi ký Tự phán với lời khen ngợi: "Phỏng dân nước ta ức muôn người một lòng, ai bảo cụ Đề Hoàng không làm được như Hoa Thịnh Đốn, Gia lý Bá Đích?".

Trong các nghiên cứu sử học cận đại Việt Nam, khi điểm đến phong trào cùng người lãnh tụ Đề Thám, đa phần đều có những lời nhận xét trang trọng. Tỉ như Lịch sử tám mươi năm chống Pháp của Trần Huy Liệu xuất bản năm 1956, có viết: "Non ba mươi năm chiến đấu của nông dân Yên Thế, đã viết nên những trang sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam chống bọn thực dân cướp nước"… "Thực dân Pháp chẳng những phải chỉ đương đầu với một Đề Thám bất khuất, mà còn phải đương đầu với cả nông dân Yên Thế bất khuất"

Những lời nhận xét của Tôn Quang Phiệt (trong Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám) hay Đinh Xuân Lâm (trong Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế) cũng đều có những đánh giá đúng mực con người Đề Thám và phong trào nông dân Yên Thế.

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 4.

Đề Thám và các cháu

Ở phía đối địch, người Pháp dạo ấy cũng phải công nhận sức mạnh của phong trào Yên Thế cùng tài năng của Hoàng Hoa Thám, như Histoire militaire de l’Indochine có nhận định "Trở thành chủ soái, ông ta đã thu nạp lại những dư đảng của những đám giặc tan rã"… "Ông ta củng cố lại các cứ điểm, tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng"

Đến như Toàn quyền Paul Doumer cũng lấy làm ngạc nhiên trước sức mạnh của nghĩa quân: "Thực tế có vẻ như khó hiểu! Chỉ một nhóm quân nổi loạn, cho dù chúng khôn ngoan và thiện chiến, làm sao chúng có thể chống cự với chúng ta có trong tay những lực lượng phối hợp hùng mạnh và đủ phương tiện trấn áp".

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 5.

Những tưởng nói đến người anh hùng cùng phong trào Yên Thế, cũng nên lược điểm dăm điều cho độc giả được hay. Trước nhất phải xác quyết rõ rằng, Hoàng Hoa Thám cùng phong trào nông dân Yên Thế chống Pháp, là bởi lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm. Ban đầu là sự phẫn uất trước kẻ thù xâm lược, chiếm đất, cướp ruộng, bần cùng hóa để rồi lần hồi phong trào phát triển ngày một mạnh, lan một rộng.

Tồn tại, phát triển bền bỉ gần 30 năm nơi núi rừng Yên Thế, phong trào nông dân Yên Thế có thời gian giữ lửa lâu dài, khiến giặc Pháp vất vả tìm cách tiêu diệt, thậm chí nhiều phen phải giảng hòa với nghĩa quân. Dẫu là thủ lĩnh sau cùng của nghĩa quân Yên Thế, nhưng với trí lực và khả năng tự thân, Hoàng Hoa Thám trở thành lãnh tụ bền bỉ nhất của phong trào. 

Nhà sử học Nguyễn Thế Anh đã khái lược khá đầy đủ phong trào Yên Thế như sau: "Từ năm 1892 trở đi, chỉ có Hoàng Hoa Thám tiếp tục chiến đấu chống Pháp mà thôi. Cho đến năm 1897, từ căn cứ Yên Thế của ông, Hoàng Hoa Thám chiếm Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Hóa. Ba lần quân Pháp vây bắt, nhưng cả ba lần con hùm xám Yên Thế đều thoát được cả. Nhờ vậy, Đề Thám đã nổi tiếng và Chính phủ bảo hộ đã phải thương lượng với ông: năm 1897, để đổi lấy sự cai quản một lãnh thổ gồm 22 làng trong vùng Yên Thế, Đề Thám chịu đặt khí giới. Phải đợi đến năm 1909, sau khi tổ chức xong hệ thống đường sá và đồn binh, Chính phủ bảo hộ mới lại tìm cách diệt Đề Thám. Bị bao vây và bị phản bội, Hoàng Hoa Thám bị bắt năm 1913. Cái chết của ông chấm dứt giai đoạn chống Pháp bằng khí giới".

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 6.

Nghĩa quân Yên Thế

Không chỉ chống Pháp bó hẹp trong địa bàn Yên Thế, dẫu xuất thân nông dân, nhưng thủ lĩnh Đề Thám còn biết liên kết với các nhà yêu nước, các tổ chức khác tạo thế mạnh chống giặc. Cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều nhà yêu nước khác theo như Việt sử tân biên cho biết cũng đã đến căn cứ gặp gỡ, trao đổi việc nước với Đề Thám. Hay hoạt động yêu nước của Kỳ Đồng cũng có liên hệ với nghĩa quân Yên Thế. Rồi cả vụ khởi nghĩa ở Hà Nội năm 1908, nghĩa quân Yên Thế cũng có sự liên đới…

Riêng về phẩm chất riêng của người anh hùng, Trần Huy Liệu trong Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại Việt Nam cho hay Đề Thám là người vô cùng gan dạ: "Cụ vừa chỉ huy vừa xung phong đi đầu trong những trận đánh. Khẩu hiệu của cụ là không được phí một viên đạn. Mỗi khi quân giặc xông tới, cụ cùng nghĩa quân thường thủ hiểm một chỗ, bình tĩnh đợi giặc lao vào vừa tầm súng mới bắn. Mà bắn là ít khi chệch"

Xuất thân nông dân rặt, vốn họ Trương, Thám tham gia chống Pháp năm 20 tuổi khi về dưới cờ nghĩa Trần Xuân Soạn. Sau khi được làm đốc binh năm 23 tuổi dưới trướng Cai Kinh, cái tên Đề Thám được quen gọi. Dẫu gốc nông dân, nhưng kinh qua chiến trận, kinh nghiệm chiến đấu, bản lĩnh bản thân,… Hoàng Hoa Thám dần dà trở thành một thủ lĩnh nông dân vang danh khắp vùng Yên Thế và lãnh đạo phong trào yêu nước chống Pháp của nông dân khiếp giặc Pháp phải bao lần mưu sát không thành, có lúc phải cầu hòa mong tạm yên ổn. Cũng vì thế, tên tuổi và vị trí của ông trong sử cận đại nước Nam càng được tô đậm hơn nữa.

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 7.

Với sử Nam ta, dạo những năm 50 thế kỷ trước, cái chết của Đề Thám vẫn còn để lại nhiều nghi vấn chưa giải minh cho tỏ tường được. Điều ấy có thể thấy ngay ở tác phẩm của Văn Quang mang tên Hoàng Hoa Thám (Bài học xương máu của 25 năm đấu tranh) do Nxb Sống Mới tại Sài Gòn ấn hành năm 1957. 

Theo đó cuối năm 1909, Cai Sơn làm phản, nghĩa quân tan rã "Đề Thám ở đâu cũng không ai biết". Và sau đây là bao giả thuyết về Hùm thiêng: Nào là Đề Thám đã bị bộ hạ là Lương Tam Kỳ giết hại; kẻ lại bảo Đề Thám sau chết già nơi đất Lộc Bình (Lạng Sơn), "Không ai biết rõ cái chết của Đề Thám ra sao, nhưng một điều rõ nhứt là phong trào Nghĩa Hưng (con đẻ của phong trào Cần Vương) đã tan rã hoàn toàn".

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 8.

Đề Thám (ở giữa) cùng các thuộc hạ

Khác với Văn Quang, trong Đề Thám con hùm Yên Thế, Nguyễn Duy Hinh đã tường thuật khá tường tận cái chết của nhà yêu nước, mà cụ thể ở đây, cụ bị ám sát bởi tên người khách Lương Tam Kỳ. Dẫu trước đó Công sứ Nhã Nam là Bouchet đã định đem quân đánh Đề Thám, nhưng Toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Albert Sarraut đã ngăn lại với một kế sách thâm độc khác.

Albert Sarraut thảo luận cùng Thống sứ Bắc Kỳ Desteny và viên Giám đốc Chính trị vụ Phủ Toàn quyền và cử thuộc hạ là Bosc lên chợ Chu tìm gặp Lương Tam Kỳ với lời hứa hẹn thưởng 25.000 đồng để hạ sát Đề Thám. Lương nhận lời. Trước đây, tên này theo về dưới trướng Đề Thám, nhưng ăn ở hai lòng, thường lấy tin nghĩa quân bán lại cho Pháp. Sau khi nhận lời với người Pháp, Lương tìm thời cơ ra tay.

Ngày 10 tháng Giêng năm 1913, Lương phái ba tên đồng đảng vào rừng Thượng Yên. Ba tên này mạo nhận là người của Trung Hoa gửi đến giúp Đề Thám đánh Pháp. Lọt được vào căn cứ, chúng ngày đêm theo dõi động tĩnh để tiến hành. 

Đêm 9 tháng 2, Đề Thám bày mâm đèn ra hút (cái sự hút thuốc phiện dạo ấy, được xem là sự thường trong cái chính sách đầu độc dân Nam, mà cũng là làm giàu cho tư bản Pháp bằng rượu cồn, thuốc phiện của thực dân Pháp, nên ta chớ xem đó là sự lạ), sai hai người tâm phúc canh chừng. Lúc ấy, Đề Thám ở cách Chợ Gò 2km. Đến 5 giờ sáng, ba tên tay sai của Lương Tam Kỳ thấy thời cơ tới liền ra tay, hai kẻ tâm phúc canh cửa cũng chịu chung số phận với hùm thiêng. 

Thời gian về cái chết của Đề Thám cũng được Đinh Xuân Lâm "sơ bộ kết luận" là ngày 9-2-1913 trong tác phẩm Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế. Với những nghiên cứu mới đây, thời gian về cái chết của người anh hùng Yên Thế có thêm những dữ liệu mới. Đặc biệt trong nghiên cứu Hoàng Hoa Thám (1836-1913) của Khổng Đức Thiêm cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện khác nhau về cái chết của Hoàng Hoa Thám. Chết trong tay giặc đấy, nhưng uy danh Đề Thám thì mãi còn vang vọng như câu ca:

Hùm thiêng nước Việt cứ ra trận xông lên đầu, nghĩa quân đã bắn là ít khi chệch - Ảnh 9.

* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Trần Đình Ba tại đây.        

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại