LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử đó.
---
Để có thể sử dụng thành thạo các loại phương tiện chiến đấu mới như xe tăng, người ta phải huấn luyện chuyển loại. Thời gian thông thường phải mất hàng tháng. Tuy nhiên, các chiến sĩ xe tăng của Trung đoàn xe tăng 273 đã hoàn thành việc chuyển loại trong vòng chỉ có 3 ngày. Đó thật sự là một kỷ lục khó có thể vượt qua!
Sau gần 1 tháng chiến đấu liên tục từ Đức Lập - Buôn Mê Thuột đến Nông Trại - Phước An rồi Cheo Reo - Phú Bổn, một số khá lớn xe tăng (XT) của Trung đoàn XT 273, Mặt trận Tây Nguyên bị tổn thất, hư hỏng... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu của đơn vị.
Trong khi đó, sau thảm kịch đường số 7 của cuộc "rút lui chiến lược", Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã bỏ lại một khối lượng phương tiện chiến tranh rất lớn, trong đó có hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp các loại.
Trước tình hình đó, cơ quan chủ nhiệm Tăng Thiết giáp Mặt trận Tây Nguyên và Ban chỉ huy Trung đoàn XT 273 báo cáo lên Bộ Tư lệnh Mặt trận xin phép được tận dụng số xe tăng này đưa vào sử dụng nhằm tăng sức mạnh chiến đấu cho đơn vị.
Được sự đồng ý của cấp trên, ngày 21.3.1975 Trung đoàn XT 273 lệnh cho Đại đội XT 9 thuộc Tiểu đoàn 3 bàn giao số xe tăng T-54 còn lại cho các đơn vị khác và tiếp nhận số xe chiến lợi phẩm mới thu được.
Nhiệm vụ của đơn vị là nhanh chóng thu gom, khôi phục và huấn luyện chuyển loại để đưa số xe này vào chiến đấu. Thời gian trung đoàn đặt ra cho đại đội là 10 ngày phải tham gia chiến đấu được!
Thu thì nhiều nhưng để sử dụng được không đơn giản chút nào!
Sau thảm bại của cuộc rút lui chiến lược, hầu như toàn bộ phương tiện chiến tranh hạng nặng của Quân đoàn 2 VNCH đã bị bỏ lại một cách hỗn độn trên quãng đường số 7 từ đèo Chư Sê đến cầu Sông Ba. Toàn bộ trang bị của Lữ đoàn 2 Thiết kỵ bao gồm hơn 200 xe tăng, xe thiết giáp các loại cũng trong tình trạng chung như vậy.
Nhận nhiệm vụ trên giao, cán bộ chiến sĩ Đại đội XT 9 khẩn trương bắt tay vào việc thu gom trang bị tăng thiết giáp, trong đó chủ yếu là xe tăng M48 và M41. Thoáng nhìn tưởng như công việc này dễ dàng song không phải như vậy!
Xe tăng ngoài số bị bắn cháy thì số còn lại nằm khá rải rác. Cái thì bị sa lầy, cái thì dệ xuống rìa đường, cái thì hết nhiên liệu, cái thì chúi vào rừng, có chỗ hai, ba cái chèn vào nhau...
Tuy vậy, với tinh thần tích cực nhiệt tình cùng những kiến thức cơ bản của các lái xe và cán bộ kỹ thuật tăng cường, chỉ sau 2 ngày Đại đội XT9 đã gom được hơn 40 xe tăng M48 và M41 về một địa điểm phía đông thị xã Cheo Reo.
Các chiến sĩ Quân giải phóng đi giữa bạt ngàn phương tiện chiến tranh bị lính VNCH bỏ lại.
Tuy nhiên, số xe này chưa thể chiến đấu được vì nhiều chi tiết quan trọng như khóa nòng pháo, kính ngắm v.v... đã bị lính thiết kỵ VNCH tháo đi hoặc phá hỏng.
Trước tình hình đó, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng một mặt cho bộ đội đi tìm kiếm, tháo gỡ ở các xe khác, một mặt đề nghị lên cấp trên cho phép anh được tuyển lựa và huy động trong số tù hàng binh VNCH một số thành viên kíp xe và thợ sửa chữa để phục vụ cho nhiệm vụ khôi phục xe cũng như huấn luyện chuyển loại cho bộ đội.
Rất may là đề nghị của Đoàn Sinh Hưởng đã được cấp trên chấp thuận. Thông qua kêu gọi tự giác và giới thiệu của nhân dân, anh đã tuyển lựa được 12 thành viên kíp xe đủ các thành phần và thợ sửa chữa TTG từ số tù, hàng binh VNCH.
Sau một vài giờ tuyên truyền giáo dục, số thành viên kíp xe và thợ sửa chữa này ngay lập tức được đưa vào sử dụng. Tất nhiên, hoạt động của họ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của bộ đội. Nhờ vậy, chỉ một vài ngày sau, Đại đội XT9 đã hoàn chỉnh 22 xe tăng M48 và M41 đủ khả năng tham gia chiến đấu.
Nhưng nhiệm vụ đến đó vẫn chưa xong!
Xe tăng hạng nhẹ M41 Walker Bulldog chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Huấn luyện chuyển loại 3 ngày - Một kỷ lục khó phá!
Mặc dù cùng là xe tăng song do được chế tạo theo những trường phái khác nhau nên xe tăng Mỹ có khá nhiều khác biệt so với xe tăng do Liên Xô chế tạo.
Trước hết, về hệ thống điều khiển các xe tăng do Liên Xô chế tạo hồi đó đều theo hệ lái bằng cần lái, lực kéo mỗi bên khoảng 35- 40 kg, nhìn chung là rất nặng. Còn xe tăng Mỹ thì M41 lái bằng ghi - đông, M48 lại lái bằng vô - lăng.
So với lái bằng cần thì các loại xe Mỹ lái nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ cần quay nhẹ vô lăng hoặc ghi - đông xe đã chuyển hướng vèo vèo. Vì vậy, vốn đã quen với lực kéo cần lái nặng nên khi lái xe Mỹ rất dễ bị chuyển hướng quá đà.
Ngoài ra, để lái được như thế các xe tăng Mỹ phải có hệ thống trợ lực thủy lực hiện đại hơn hẳn. Vì vậy, nếu không sử dụng đúng quy trình rất dễ gây hỏng hóc. Và khi đã hỏng hóc là phải đưa về xưởng thay cả cụm chứ không tự sửa chữa được như xe của Liên Xô.
Về hệ thống điện đài và máy nói trong xe tăng Mỹ cũng hiện đại hơn. Tuy nhiên, do các bảng điều khiển đều bằng tiếng Anh nên lúc đầu sử dụng cũng rất bỡ ngỡ.
Đối với các đồng hồ kiểm đo và chỉ dẫn cũng có nhiều điểm khác biệt. Ngoài sự khác biệt về ngôn ngữ còn là sự khác biệt về thuật ngữ chuyên môn, đơn vị đo... Chẳng hạn, ta nói đơn giản là bắn súng thì tài liệu họ gọi là "tác xạ", ta dùng hệ "mét" thì họ lại dùng hệ "mile" (dặm)...
Đặc biệt, về hệ thống điều khiển hỏa lực giữa hai hệ xe khác nhau rất nhiều - từ cơ cấu quay pháo cho đến kính ngắm và kỹ thuật ngắm bắn (tác xạ). Một đằng là kính ngắm có bản lề, lấy thước ngắm bằng tay; một đằng là kính tiềm vọng, không phải lấy thước ngắm song phải ước lượng luôn trong thị trường (trường nhìn).
Một số xe M48 có cả kính đo xa la-ze kiểu "chập hình" mà nếu không được hướng dẫn thì không thể mò ra được cách sử dụng.
Rất may là các thành viên kíp xe và thợ kỹ thuật tuyển lựa từ tù hàng binh có chuyên môn khá vững, lại rất nhiệt tình trong khi cán bộ, chiến sĩ Đại đội XT 9 đang rất hào hứng học tập nên nhiệm vụ huấn luyện rất suôn sẻ.
Xe tăng M48A3 chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Với phương pháp học tại xe, học lý thuyết xong thực hành ngay nên chỉ sau 3 ngày huấn luyện cán bộ, chiến sĩ Đại đội XT 9 đã sử dụng tương đối thành thạo cả hai loại xe M48 và M41.
Nhìn các chiến sĩ xe tăng QGP thực hành lái xe qua địa hình phức tạp và bắn đạn thật cả lúc dừng lẫn hành tiến mà các hàng binh cứ tròn mắt thán phục. Họ không thể hình dung được tại sao mới chỉ huấn luyện có 3 ngày mà bộ đội giải phóng lại làm được như vậy!
Và kết quả đó đã được kiểm nghiệm trong thực tế. Đúng 10 ngày sau khi nhận lệnh thu gom và chuyển loại, Đại đội XT 9 đã sử dụng xe tăng chiến lợi phẩm tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Tuy Hòa ngày 01.4.1975. Không chỉ vậy, với những chiếc xe chiến lợi phẩm này, Đại đội XT 9 đã lập đại công trong trận Cầu Bông ngày 29.4.1975.