Trong các khuôn khổ các hoạt động tại IMDS-2019, đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty xuất khẩu vũ khí Nhà nước Rosoboronexport (chuyên xuất khẩu vũ khí) của Nga.
Đặc biệt trong buổi làm việc này đã xuất hiện hình ảnh khinh hạm đề án 11356 trên màn hình. Đây là hình ảnh từ đoạn video được Công ty Rosoboronexport trình chiếu giới thiệu về mẫu khinh hạm đề án 11356.
Đây là mẫu tàu chiến mặt nước xuất khẩu thành công nhất của Nga sau khi Liên Xô tan rã, với khách hàng nước ngoài duy nhất và lớn nhất chính là Ấn Độ.
Nước này đã đặt mua tổng cộng 10 tàu với định danh là lớp Talwar, trong đó có 6 tàu đang hoạt động và 4 tàu vừa được đặt mua thêm từ Nga. Hải quân Nga hiện tại có 3 khinh hạm đề án 11356 cải tiến trong biên chế hạm đội Biển Đen.
Đoàn Việt Nam tham quan gian hàng của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, nơi đóng các tàu hộ vệ tên lửa Gepard. Nguồn ảnh: nhà máy Zelenodolsk.
Hiện tại, loại tàu chiến mặt nước lớn nhất có trong biên chế Hải quân Việt Nam (HQVN) là 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard. Đây là các tàu chiến hiện đại và đa năng nhất của ta hiện nay. Tuy nhiên, các tàu lớp Gepard lại không có hệ thống phòng không tầm trung mà chỉ có các hệ thống phòng không tầm gần.
Với yêu cầu tác chiến hiện nay thì việc bổ sung các lớp tàu có hệ thống phòng không tầm trung hoặc tầm xa là rất cần thiết. Và khinh hạm đề án 11356 là một lựa chọn khá hợp lý.
Lớp tàu này được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại trong đó nổi bật nhất là hệ thống phòng không tầm trung Shtil-1 và hệ thống tên lửa Kalibr (bản xuất khẩu là Klub). Ngoài ra, tàu còn được trang bị pháo hạm cỡ nòng 100mm, ngư lôi chống ngầm,...
Với việc HQVN đã có kinh nghiệm vận hành các tàu chiến có lượng giãn nước 2.000 tấn (lớp Gepard) thì việc tiến tới mẫu tàu mặt nước có lượng giãn nước lớn hơn như đề án 11356 là phù hợp.
Việc Tập đoàn Rosoboronexport giới thiệu cho Việt Nam mẫu khinh hạm này trong buổi làm việc cho thấy, phía Nga sẵn sàng bán mẫu tàu này nếu Việt Nam có nhu cầu.