Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của lực lượng Hải quân (HQ) Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) khiến nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước trong khu vực hết sức lo ngại.
Chỉ tính riêng tàu chiến lớp Type 056 mới đưa vào biên chế từ năm 2012, đến năm 2018, Hải quân Trung Quốc đã đóng 64 chiếc tàu lớp này, tương đương một tháng rưỡi hạ thủy một tàu.
Kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hải quân được tiến hành song song: Vừa thực hiện mở rộng quy mô tổ chức biên chế, vừa tiến hành hiện đại hóa lực lượng. Trong đó chú trọng phát triển biên đội tàu sân bay theo mô hình của Hải quân Mỹ.
HQ Trung Quốc được đánh giá là lực lượng phát triển nhanh nhất sau thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Họ đã đưa vào hoạt động tàu sân bay và các tuần dương hạm rất hiện đại; nhiều chiến hạm mới có thiết kế tiên tiến, dựa trên mẫu của phương Tây, được biên chế thay thế các tàu cũ thời Chiến tranh lạnh do Nga thiết kế; những tàu này có thể hoạt động xa căn cứ, dài ngày trên biển.
Tàu sân bay và tiêm kích trên hạm của Hải quân Trung Quốc.
Quốc gia mới nhất sở hữu tàu sân bay
Cũng trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã bước vào Câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tàu sân bay; hiện nay họ đã có 2 chiếc, đó là chiếc Liêu Ninh đã sẵn sàng ở trạng thái chiến đấu và chiếc thứ hai là chiếc 001A đang tiến hành thử nghiệm trên biển; chiếc thứ ba đang được đóng.
Mặc dù chiếc tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là tàu huấn luyện, nhưng ba chuyến đi của Liêu Ninh qua eo biển Đài Loan và chuyến thăm Hong Kong cho thấy, tàu sân bay đã tạo ra hiệu ứng răn đe lớn như thế nào.
Con tàu thứ hai, Type 001A tương tự như Liêu Ninh, nhưng có một số cải tiến, bao gồm radar quét mảng pha điện tử (AESA) và một boong máy bay lớn hơn.
Theo phân tích của các chuyên gia, chiếc 001A sẽ mang nhiều máy bay chiến đấu hơn một chút so với chiếc Liêu Ninh (lên tới 30 chiếc J-15). Chiếc 001A vẫn sử dụng phương pháp cất cánh nhảy cầu mà chưa có máy phóng, điều này sẽ hạn chế rất lớn đến tải trọng mang vũ khí và nhiên liệu của máy bay trên hạm.
Một tàu sân bay thứ ba (có thể là một lớp khác chiếc Liêu Ninh) đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải; chiếc thứ ba được đóng bằng phương pháp đóng modul hiện đại, các modul là các khối "siêu trường - siêu trọng", nặng hàng trăm tấn, được lắp ráp trên mặt đất và sau đó được nâng lên tàu trong ụ đốc.
Các tàu chiến lớn của Mỹ và Anh như tàu sân bay USS Gerald R. Ford và HMS Queen Elizabeth đều được đóng bằng phương pháp hiện đại này.
Mặc dù có rất ít thông tin chi tiết về chiếc tàu sân bay thứ 3 này, nhưng theo nguồn tin được tiết lộ, Trung Quốc sẽ không dùng đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu như 2 chiếc đầu, mà sẽ dùng máy phóng; có thể là máy phóng hơi nước (CATOBAR) hoặc máy phóng điện từ (EMALS).
Việc sử dụng máy phóng sẽ cho phép máy bay cất cánh với tải trọng vũ khí và nhiên liệu nhiều hơn. Nếu áp dụng phương pháp cất cánh này, Trung Quốc thực sự đã có những bước tiến dài trên con đường chế tạo tàu sân bay.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo.
Phát triển các loại tàu đổ bộ tầm xa
Bên cạnh phát triển tàu sân bay, HQ Trung Quốc còn xây dựng những tàu đổ bộ trực thăng loại lớn; lớp tàu đổ bộ boong lớn 075 tương tự như các tàu đổ bộ lớp Wasp của hải quân Mỹ, được cho là sắp hoàn thành.
Nếu hải quân Trung Quốc đưa vào hoạt động lớp tàu này, cùng với lớp tàu đổ bộ Type 071 trước đó, sẽ có sức mạnh đổ bộ đứng hàng tốp đầu trong các nước có năng lực hải quân biển xa (chỉ đứng sau Mỹ). Tàu lớp Type 075 có thể mang theo 30 trực thăng, sàn đáp đủ rộng để 6 chiếc cất cánh cùng lúc.
Tàu dài 250m, rộng 30m, có khoang đổ bộ để triển khai các loại xuồng đệm khí và xe bọc thép đổ bộ; đáng chú ý là Type 075 có thể mang theo tàu đổ bộ đệm khí Type-726; đây là tàu đổ bộ đệm khí hạng nhẹ, có thể mang theo 60 tấn hàng, đủ để vận chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99.
Cũng giống như các tàu của Mỹ, Type 075 có khả năng hỗ trợ các hoạt động của máy bay có cánh cố định cất hạ cánh thẳng đứng.
Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc không có máy bay có khả năng cất cánh ngắn - hạ cánh thẳng đứng như AV-8B Harrier II hay F-35B.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin (chưa được xác thực) cho biết, Bắc Kinh đã bắt đầu phát triển một mẫu máy bay tương tự từ năm 2011. Đến năm 2015, hải quân Trung Quốc có thể được biên chế 3 chiếc tàu đổ bộ lớp Type 075.
Đẩy nhanh việc đóng mới tàu nổi
Đối với các loại tàu chiến loại lớn, Trung Quốc đã phát triển lớp tàu khu trục Type 055; tàu này có lượng giãn nước 10.000 tấn và khi đầy tải tới 13.000 tấn, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của lớp tàu tuần dương.
Với tính năng kỹ chiến thuật giống như lớp tàu Ticonderoga của hải quân Mỹ, Type 055 là tàu chiến đa năng, với nhiệm vụ trọng tâm là phòng không hạm đội, bảo vệ lực lượng tàu sân bay non trẻ của Trung Quốc khỏi bị tấn công từ trên không.
Tàu khu trục Type 055 của Hải quân Trung Quốc.
Về vũ trang, tàu tuần dương Type 055 được trang bị một hải pháo 130 mm, 112 ống phóng tên lửa thẳng đứng để phóng tên lửa phòng không, tên lửa hành trình tấn công mặt đất và tên lửa chống hạm; ngoài ra tàu còn được trang bị vũ khí chống ngầm và có sàn đáp cho hai trực thăng.
Vào tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã cùng lúc đưa vào biên chế 2 chiếc Type 055 và sáu chiếc đang được đóng; hải quân Trung Quốc yêu cầu ít nhất 8 chiếc tàu loại này trong biên chế.
Bên cạnh phát triển các tàu chiến lớn, Trung Quốc cũng tích cực phát triển các loại tàu hộ vệ loại nhỏ; hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế chiếc tàu thứ 50 lớp Type 056 mang tên Ngô Châu vào ngày 24/4 vừa qua.
Những tàu lớp Type 056 sẽ dần thay thế các tàu chiến lớp Giang Hồ Type 053 và tàu pháo – tên lửa cỡ nhỏ Type 037 thế hệ cũ.
Type 056 có lượng giãn nước toàn bộ 1.440 tấn; tàu có chiều dài 95,5m, rộng 11,6m. Thân tàu thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình, giảm phản xạ tín hiệu radar; tàu được trang bị một sân đáp trực thăng ở đuôi tàu nhưng không có nhà chứa.
Nhiệm vụ của lớp tàu Type 056 là chống ngầm, hộ tống tàu vận tải, trinh sát, phòng không. Một biến thể của Type 056 là Type 056A có cả một sonars kéo sau và bổ sung các loại vũ khí chống tàu ngầm.
Tất cả những điều đáng kinh ngạc hơn là chiếc tàu đầu tiên lớp Type 056 mới chỉ được đóng và đưa vào biên chế từ năm 2012, có nghĩa là các xưởng đóng tàu Trung Quốc đã đóng mới lớp tàu chiến này với tốc độ xấp xỉ 1,5 tháng/ tàu, còn nếu tính cả 6 chiếc xuất khẩu cho Bangladesh và Nigeria thì tốc độ đóng mới còn rút ngắn nữa.
Hải quân Trung Quốc dự định biên chế 64 chiếc tàu lớp này.
Các loại tàu chiến của Trung Quốc - bao gồm tàu lớp Type 054A, Type 056, thậm chí là cả Type 052D - đã được chế tạo rất nhanh, một tàu chiến của hải quân Trung Quốc được đóng trong vòng 1 đến 3 năm; một tốc độ có thể so sánh với chương trình đóng tàu chiến của Mỹ trong thế chiến 2.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Type 056 của Hải quân Trung Quốc.
Qua giai đoạn "giấu mình chờ thời"
Đội tàu của HQ Trung Quốc là một lực lượng đang phát triển nhanh chóng nhất trên thế giới, hình thành một công cụ mạnh mẽ, linh hoạt của phép thực hiện các yêu cầu chiến thuật và khả năng răn đe.
Đến năm 2022, HQTrung Quốc sẽ có 3 tàu sân bay và một số lượng lớn tàu mặt nước - một kỳ tích đáng nể về phát triển lực lượng hải quân. Tất cả điều này dẫn đến một số câu hỏi chưa được giải đáp:
Mục đích cuối cùng Bắc Kinh sẽ xây dựng lực lượng hải quân lớn nhằm mục đích là gì? Hải quân Trung Quốc còn ý định đóng bao nhiêu tàu chiến nữa?
Một vấn đề lớn nữa đặt ra là Bắc Kinh phát triển lực lượng hải quân lớn để xứng tầm với vai trò nước lớn hay để giải quyết tranh chấp vấn đề lãnh hải; hay chỉ là để thách thức vị thế của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương?
Đây là những câu hỏi mà các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đặt ra với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng cho dù mục đích cuối cùng là gì, Hải quân Trung Quốc không còn trong giai đoạn "giấu mình chờ thời" mà thực sự đã là một cường quốc hải quân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giới thiệu quá trình thi công tàu sân bay hạt nhân Type 003 của Hải quân Trung Quốc