Yahya Sarea - phát ngôn viên quân đội Houthi - tuyên bố trong một video rằng, để hỗ trợ người dân Palestine và chống lại liên quân Mỹ-Anh, "hôm nay chúng tôi đã tham gia vào một cuộc đụng độ với một số tàu khu trục và tàu chiến của Hải quân Mỹ ở Vịnh Aden và eo biển Bab al-Mandab trong khi họ đang bảo vệ hai tàu chở hàng thương mại của Mỹ".
Các tên lửa của Houthi đã "đánh trực tiếp" vào một tàu chiến Mỹ và buộc hai tàu thương mại Mỹ phải "rút lui khỏi Biển Đỏ", ông Sarea nói thêm.
Trước đó, theo tờ The Guardian (Anh), hai tàu hàng đi gần Vịnh Aden buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ sau khi nghe thấy tiếng nổ gần đó, trong bối cảnh nhóm vũ trang Houthi hiện đang tiếp tục tấn công các tàu thương mại ngoài khơi Yemen.
Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (Centcom) cho biết, các tàu của công ty vận tải Maersk của Đan Mạch đã bị tấn công từ 3 tên lửa chống hạm gần eo biển Bab el-Mandeb. Không có thiệt hại nào xảy ra đối với hai tàu Maersk Detroit và Maersk Chesapeake.
Maersk cho biết trong một tuyên bố: "Trên đường đi, cả hai tàu đều báo cáo đã nhìn thấy các vụ nổ ở gần đó và Hải quân Mỹ cũng hỗ trợ đánh chặn được nhiều đạn pháo. Thủy thủ đoàn, tàu và hàng hóa đều an toàn và không hề hấn gì. Hải quân Mỹ đã hướng dẫn cả hai tàu quay đầu và đang hộ tống chúng trở lại Vịnh Aden".
Centcom cũng cho biết rằng, vào tối 23/1, họ đã tiến hành hai cuộc tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công sắp xảy ra của Houthi. Các cuộc tấn công trước đó vào ngày 19/1 của liên quân Mỹ - Anh cũng không thể vô hiệu hóa Houthi mặc dù có nhiều cuộc tấn công vào các địa điểm phóng tên lửa của nhóm vũ trang này.
Houthi yêu cầu nhân viên Anh và Mỹ rời khỏi Yemen trong vòng 30 ngày
Theo The Guardian, Houthi đã gửi thư cho Liên Hợp Quốc yêu cầu tất cả nhân viên của Anh và Mỹ rời khỏi Yemen trong vòng 30 ngày với lý do chính phủ hai nước này đang tiến hành các cuộc tấn công vào Yemen. Cảnh báo dường như cũng áp dụng cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở thủ đô Sana'a.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng Houthi đã ngăn cản một máy bay của Liên Hợp Quốc hạ cánh xuống thị trấn Marib có tầm quan trọng chiến lược của Yemen vào hôm 24/1.
Theo The Guardian, lời đe dọa "trục xuất" của Houthi diễn ra sau các cuộc tấn công của Mỹ và Anh, với sự hỗ trợ từ các nước khác, nhằm vào các mục tiêu quân sự của nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn. Chính phủ Mỹ tuần trước cũng cho biết sẽ lại đưa lực lượng Houthi vào danh sách các nhóm khủng bố.
Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng, họ đã nhận được thông tin về bức thư nhưng "không thể lên tiếng thay cho Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức nhân đạo ở Yemen".
Đại sứ quán Anh cho biết các nhân viên vẫn chưa được thông báo rời đi và phái bộ đang liên hệ chặt chẽ với Liên Hợp Quốc về vấn đề này. Bộ trưởng phụ trách Trung Đông của Vương quốc Anh kêu gọi Liên Hợp Quốc được phép tiếp tục công việc.
Ahmed bin Mubarak - Ngoại trưởng Yemen - cũng cho hay, nhóm Houthi trước đó đã đe dọa nhắm mục tiêu vào một máy bay dân sự Sudan đang vận chuyển những người Yemen mắc kẹt từ cảng Sudan đến sân bay Mokha.
Ông Mubarak đưa ra tuyên bố này trong cuộc gặp với Hans Grundberg - đặc phái viên Yemen của Liên Hợp Quốc - để thể hiện sự bất lực trong việc đối phó với Houthi.
Theo The Guardian, Hans Grundberg - đặc phái viên Yemen của Liên Hợp Quốc - cũng đã gặp các đại sứ Ả Rập Saudi và UAE tại Yemen cũng như đại sứ của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ông Grundberg nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì "một môi trường thuận lợi để tiếp tục đối thoại ở Yemen và tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ phối hợp trong khu vực và quốc tế cho các nỗ lực hòa bình".
The Guardian nhận định, Ả Rập Saudi không nhiệt tình ủng hộ các cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào Houthi vì nước này lo ngại chúng sẽ gây bất ổn cho các cuộc đàm phán hòa bình.