Chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin vừa tiết lộ vũ khí của Houthi đã bắn rơi chiếc trực thăng tấn công AH-64 Apache hôm 29-11 chính là R-27T. Đây là loại tên lửa không đối không được phiến quân Houthi cải tiến.
Đáng chú ý đây không phải là lần đầu tiên loại vũ khí này gây thiệt hại cho đối phương. Trước đó nó từng bắn trúng chiến đấu cơ F-15, cường kích Tornado, bắn cháy trực thăng tấn công AH-64, UAV sát thủ MQ-9 và cả UAV Wing Long.
Với việc cải biên tên lửa không đối không R-27T do Liên Xô sản xuất thành tên lửa đất đối không, phiến quân Houthi đang trở thành nỗi ám ảnh của quân đội Saudi Arabia.
Cuộc giao tranh giữa Saudi Arabia và phiến quân khủng bố hồi giáo Houthi đang trở nên khốc liệt hơn khi nhóm phiến quân này đã cải biên và sử dụng những tên lửa không đối không do Liên Xô sản xuất thành tên lửa đất đối không cực hiệu quả.
Hiện tên lửa R-27T đang trở nên nỗi ám ảnh trên chiến trường Trung Đông.
Đầu tiên phiến quân này đã dùng tên lửa R-27T để tấn công vào chiếc máy bay chiến đấu đa năng F-15SE của Saudi Arabia. Rất may là chiếc máy bay này dù bị thương nhưng vẫn có thể bay về căn cứ. Hình ảnh bệ phóng tên lửa R-27T của phiến quân Houthi.
Với việc thay đổi một số chi tiết để trở thành tên lửa đất đối không, R-27T đang chứng tỏ là một loại vũ khí phòng không khó chịu đối với lực lượng không quân Saudi Arabia.
Và kết quả mới nhất là chiếc AH-64 Apache của Saudi Arabia cũng bị phiến quân Houthi bắn hạ.
Ít ai có thể nghĩ rằng với những biện pháp đơn giản, phiến quân Houthi đã cải tiến loại tên lửa không đối không đáng sợ của Nga.
R-27 là một trong những loại tên lửa không đối không tầm trung nguy hiểm của Nga sản xuất và hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Tuy nhiên, biến thể R-27T trở thành tên lửa đất đối không mới chỉ được phát hiện ra vào tháng 11-2017.
R-27 (AA-10 Alamo) là loại tên lửa không-đối-không tầm trung được công ty Nga Vympel và Ukraine Artem sản xuất.
R-27 chính thức vào biên chế năm cuối thập niên 1980 đầu 1990 để trang bị cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 mới nhất của không quân Liên Xô và cả các máy bay hiện đại của không quân Nga hiện tại như MiG-29, MiG-31, Su-27, Su-30, Su-33, Su-34, Su-35,Yak-141... cũng như phiên bản cải tiến của tiêm kích MiG-21, MiG-23 và MiG-25.
Tại thời điểm ra đời, R-27 là thành phần trong cấu hình vũ khí của tiêm kích MiG-29 và Su-27, các thông số của nó có thể so sánh với tên lửa AIM-7M Sparrow của Mỹ.
R-27 bắt đầu từ năm 1962 nhưng để đi đến hoàn thiện và sản xuất hàng loạt thì phải kéo dài tới năm 1983. Hiện nay có hơn 25 quốc gia trên thế giới đang biên chế tên lửa R-27.
R-27 được sử dụng để công kích các mục tiêu như máy bay cánh bằng, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.
Thiết kế của R-27 về cơ bản không có gì quá khác biệt với dạng trụ tròn, thiết kế module cho phép tích hợp các hệ thống dẫn đường hay động cơ đẩy khác nhau.
Tất cả các phiên bản tên lửa R-27 đều có đầu nổ nặng 39 kg được kích hoạt bằng radar hoặc tiếp xúc.
R-27 được trang bị các cánh lái khí động học để đảm bảo khả năng bay ổn định. Thiết kế của R-27 giúp cho tên lửa có thể cơ động với sức tải tối đa lên tới 8G.
Về hệ thống dẫn đường tới mục tiêu, R-27 hoặc được dẫn bằng radar bán chủ động, hoặc bám bắt mục tiêu bằng đầu dò hồng ngoại tích hợp trong hệ thống dẫn đường của tên lửa.
Động cơ của tên lửa R-27 là loại hỗn hợp rắn giúp chúng bay với vận tốc tối đa 3.500 km/h.
R-27 có 6 phiên bản chính là R-27R, R-27T, R-27P, R-27RE, R-27ET và R-27EP để phục vụ các yêu cầu khác nhau cho từng mục đích chiến đấu.
R-27R có chiều dài 4m, đường kính thân 0,23m và sải cánh 0,77m. Khối lượng của tên lửa là 253 kg và có thể được phóng ở độ cao 25 km, tầm bắn 80 km.
Hệ thống dẫn đường của R-27R dạng đầu dò radar bán chủ động với thông số mục tiêu có thể được liên tục cập nhật trong quá trình bay, hay nói cách khác khi mới bắt đầu phóng, tên lửa sẽ bay theo quán tính dưới sự căn chỉnh của máy bay, ở pha cuối nó sẽ tự tìm đến mục tiêu.
Cơ chế này có ưu điểm là giúp tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách xa nhờ sự hỗ trợ của máy bay phóng. Tên lửa có thể được dẫn bay theo một quỹ đạo đặc biệt để tạo điều kiện tốt nhất cho ngòi nổ radar hay ngòi nổ tiếp xúc được kích hoạt.
R-27RE là phiên bản tăng tầm bắn của R-27R, tên lửa dài 4,7m; sải cánh 0,8m trong khi đường kính thân là 0,23m.
Khối lượng của R-27RE lên tới 350 kg so với 253 kg của R-27R nhưng thông số của R-27RE1 cũng cao hơn khi có thể phóng ở độ cao 27 km và đạt tới tầm bắn 130 km so với 80 km của phiên bản cũ.
Hệ thống dẫn đường thì cơ bản như loại R-27R là đầu dò radar bán chủ động với dữ liệu mục tiêu được cập nhật trong quá trình bay tới đích.
Phiên bản R-27T có sự khác biệt so với hai phiên bản trên, đó là cơ chế bắn-và-quên giúp tạo sự chủ động hơn cho tên lửa khi không phải phụ thuộc vào dữ liệu được cung cấp từ máy bay phóng, cũng như tạo điều kiện cho máy bay sau khi bắn tên lửa có thể tự do cơ động làm nhiệm vụ khác, không phải tiếp tục “dẫn đường” cho tên lửa đến mục tiêu.
R-27T1 dài 3,7m; đường kính thân 0,23m; khối lượng phóng 245 kg. R-27T1 có thể phóng ở độ cao 24 km và đạt tầm bắn 70 km. Hệ thống dẫn đường của phiên bản này là loại đầu dò tín hiệu hồng ngoại.
Tương đương, phiên bản nâng cấp của R-27T là R-27ET với các thông số lớn hơn như chiều dài 4,5m và tầm bắn đạt 120 km. Khối lượng phóng của R-27ET là 343 kg và độ cao tối đa phi công được phép khai hỏa loại tên lửa này là 30 km. Tương tự, cơ chế dẫn đường của R-27ET cũng là sử dụng đầu dò hồng ngoại.
Các phiên bản tên lửa R-27P và R-27EP cũng là loại bắn-và-quên sử dụng đầu dò bị động bám theo tín hiệu radar. Nó chuyên được sử dụng để công kích các mục tiêu trên không phát ra tín hiệu radio như máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm AWACS hay máy bay chuyên gây nhiễu radar trong mọi điều kiện thời tiết hay ngày đêm. Mẫu R-27P có tầm bắn 72km, trong khi R-27EP có tầm bắn lên tới 110 km.
Việc phiến quân Houthi đã cải biên thành công phiên bản R-27T thành phiên bản tên lửa đất đối không, điều này một lần nữa viết thêm bảng "thành tích vàng" cho các vũ khí do Liên Xô sản xuất.