Ít lâu trước, hình ảnh người bố trong một bộ phim Hàn Quốc làm mình suy nghĩ mãi.
Cả một đời chức quyền, ông ép con gái cả theo học ngành mình mong muốn, tìm mọi cách cấm cản tình yêu của con. Những câu nói xé ruột, những cái bạt tai đau buốt tim gan.
Khi ngã ngựa chốn quan trường và cú sốc mất vợ cùng con gái thứ, ông điên dại trong đau đớn. Để rồi giây phút chào tạm biệt cuộc đời, ông nói hai tiếng “xin lỗi” với con trong tiếng thở khó khăn.
Nhưng để làm gì? Con gái ông đau cũng đau rồi, tủi cũng tủi rồi, khổ sở cũng khổ sở rồi. Xin lỗi có thật sự còn ý nghĩa?
Người bố ấy không phải chỉ có trong phim đâu. Là nhân vật được xây dựng nên từ chính hiện thực cuộc sống.
Thứ hiện thực mà không mấy bố mẹ nhận ra mình trong ấy. Hoặc giả thấy hao hao, nhưng vì tự cao, vì sĩ diện, cứ cố lờ phớt đi.
Hiện thực ấy, sai lầm đấy! Thứ sai lầm thường thấy xung quanh:
1. Bố mẹ muốn con làm mọi thứ theo ý mình
Một lần, vô tình mình đọc được đoạn viết của một người mẹ. Người mẹ thấy con có mái tóc mới liền bảo: “Mẹ thích con để tóc dài cơ. Sao lại cắt tóc này?”.
Con gái đáp: “Mẹ cần hỏi con thích tóc gì chứ không phải là nói với con mẹ thích con để tóc gì?”.
Có lẽ không chỉ chuyện tóc tai, ăn mặc, mà còn là chuyện học hành, yêu đương, tìm việc, lấy vợ, gả chồng,… bố mẹ luôn “thuận theo tự nhiên” muốn con nghe ý mình.
Chúng ta thường mượn danh lời khuyên để áp đặt con. Khuyên khác với ép lắm. Nhưng trước khi khuyên có bao nhiêu cha mẹ đã hiểu tâm tư của con, đã lắng nghe ý muốn của con, đã thử phân tích vì sao con thích như vậy.
Chúng ta vẫn chiều theo ý muốn của bản thân trước tiên đấy thôi. Nói ra lời “muốn” với con khi còn chưa hiểu về thứ con muốn.
Đó đâu phải là yêu.
2. Bố mẹ tìm mọi cách để biết mọi thứ về con
Không ít những đứa con từng bị bố mẹ đọc trộm nhật ký. Có những bố mẹ còn tìm mọi cách để vào được các tài khoản mạng xã hội cá nhân của con.
Cố gắng để đọc được mọi thứ con viết, hỏi dò để biết mọi việc con làm. Tiếc thay, lại chẳng cố gắng để nói chuyện được với con ngoài đời thực.
Biết hết rồi thì để làm gì? Không đến gần được với con từ chính hai điểm cầu trái tim thì rồi nắm mọi thứ về nhau có thật sự có ích?
Con cái hay bất kỳ ai dù gần gũi đến mấy cũng có nhu cầu tự thiên được thở. Một bầu trời nhỏ riêng, một bí mật cá nhân cũng là điều quá xa xỉ giữa những người thân nhất sao?
Đó đâu phải là yêu.
Bọn trẻ ngột ngạt đấy, tủi thân đấy, thậm chí khó chịu đấy, bực bội đấy. Nhưng bọn trẻ im lặng, vì chúng là con.
Cho đến một ngày sự ngột ngạt trở nên khó thở, khi ranh giới giữa nín thở chốc lát để sống yên với thở đều đặn để sống khỏe khoắn trở nên quá đỗi mong manh, khi ấy từng đợt mâu thuẫn bùng ra và cứ thế cha mẹ và con cái trở thành hai điểm đầu của một cây cầu bị đứt mãi mãi không thể nối lại.
Cha mẹ ạ!
LÀ cha mẹ không khó, nhưng LÀM cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là làm cha mẹ trong thời hiện đại khi bọn trẻ cần được tôn trọng hơn, lắng nghe hơn.
Chúng có nhu cầu làm bạn với bố mẹ hơn là ở vai bề dưới nhìn bề trên cao vợi.
Còn nhiều lắm những sai lầm thường thấy, nhưng có lẽ hai sai lầm trên nổi cộm nhất và cần thiết sửa sai trước nhất.
Để làm gì?
Để khi còn được ôm con, được ôm thật trọn vẹn.
Để khi còn được bên con, được vui cho trọn vẹn.
Để khi con còn thời gian cho cha mẹ, cha mẹ không phải hối tiếc điều gì.
Vài nét về tác giả:
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.
Hà Trang định cư tại Úc năm 2013 và được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.