Năm 1992, đáp ứng nhu cầu của nhiều chủ xe qua bến xe miền Tây, phường Văn Đẩu, quận Kiến An đã cho phép Cụm dân cư số 2, phường Văn Đẩu, quận Kiến An, đứng ra thành lập và quản lý Tổ bốc vác ở bến xe miền Tây, thuộc Công ty TNHH Miền Tây.
Trụ sở của Tổ đặt gần chân cầu Niệm, gồm 12 thành viên, do Nguyễn Văn Thông, sinh 1957, ở Cụm 10 Quán Trữ, quận Kiến An, làm tổ trưởng.
Lúc mới thành lập, Tổ hoạt động rất nề nếp, quy củ. Nhưng từ năm 1993 đến năm 1998, tổ này bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề. Lấy lý do nhân lực thiếu, không thông qua ai, Nguyễn Văn Thông tự ý “tuyển” thêm 9 thành viên.
Dù nhiều người có nguyện vọng, Thông lại chọn người “khoác” trên mình vô số các tiền án, tiền sự.
Thậm chí, những đối tượng này vẫn đang nằm trong tầm ngắm của Cơ quan chức năng. Bởi sự hậu thuẫn đó, những đối tượng như Đặng Văn Tuấn, sinh 1963, ở Cụm 3, phường Quán Trữ, quận Kiến An; Phạm Văn Chính, sinh 1950, ở Cụm 2, phường Quán Trữ, quận Kiến An; Vũ Hữu Hùng, sinh 1968, Cụm 5, phường Quán Trữ, quận Kiến An và Vũ Văn Thạch, sinh 1966, ở Cụm 9, phường Quán Trữ, quận Kiến An, tha hồ ra oai.
Với sự tập hợp nhân sự đó, Nguyễn Văn Thông dần dần thao túng mọi hoạt động của “Tổ bốc vác”, coi thường ý kiến của của Cụm dân cư, của phường, ra tay tác oai tác quái.
Lấy sức mạnh dao kiếm, chúng ngang nhiên đặt ra những luật lệ vô lý, ép các lái xe và hành khách phải tuân theo, nếu trái lại sẽ nhận được hậu quả đáng tiếc.
Tại bến xe miền Tây, quận Kiến An thường có 12 đầu xe khách chạy tuyến Hải Phòng - Móng Cái và ngược lại.
Đối với 12 đầu xe này, Thông đặt ra quy định: mỗi xe xuất bến, lái xe phải nộp cho “Tổ bốc vác” số tiền bến bãi, an ninh là 15.000 đồng.
Chủ xe không chịu, xe “miễn” ra khỏi bãi, dù có ai can thiệp, trừ khi lực lượng Công an có mặt, chúng mới chịu buông tha. Nhưng lần sau, hậu quả sẽ là khôn lường.
Ấy vậy mà chúng vẫn cho rằng mình đã khá nhẹ tay đối với “khách quen”. Còn hành khách, chủ hàng, chúng còn đưa ra mức phí cao ngất. Giá dịch vụ bốc vác do chúng tự ấn định cao là vậy, song không ai dám phản ứng.
Bởi chỉ cần có ý kiến, phàn nàn, chúng chẳng cần biết là phụ nữ, người già cũng sẵn sàng ra tay, dạy cho “bài học ứng xử”.
Tháng 10-1997, anh Ngô Văn T. và vợ là chị Nguyễn Thị. L bắt chuyến xe từ Móng Cái về bến Hải Phòng. Trong hành trình của mình, họ mang theo một chút hàng rất nhẹ, có thể dễ dàng cầm.
Có điều cả hai đều không thể ngờ rằng, xe vừa vào bến, Nguyễn Hữu Việt - 1 thành viên của Tổ bốc vác - cùng đồng bọn ào lên, tự động chuyển hàng. Xong việc, chúng yêu cầu chủ hàng trả tiền công là 200.000 đồng.
Thấy quá vô lý, anh T. phàn nàn tiền công bốc vác gần bằng cả tiền hàng. Ngay lập tức, Việt nhảy lên xe, hùng hổ tiến lại, bóp cổ anh T., rồi quay sang buộc chị L. móc túi nộp tiền cho chúng.
Hoảng sợ, chị vội vàng lấy túi, kiếm mãi được 170.000 đồng đưa cho “nhân viên Tổ bốc vác”. Đó là cái giá chúng áp với khách ngoại tỉnh. Còn khách “quen”, Tổ này cũng chẳng tha.
Nguyễn Văn Thông cũng đặt ra mức phí vô lối hơn nữa. Rất nhiều hành khách lên xe từ huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng... đi Móng Cái hoặc ngược lại, khi xe ghé vào bến miền Tây cũng bị chúng ngang ngược đòi thanh toán công bốc vác, mặc dù họ chẳng hề lên xuống hàng ở đây.
Thấy quá vô lý, có người không chấp nhận nộp khoản tiền theo yêu cầu. Không đôi co nhiều lời, chúng hò nhau, lôi hàng của họ ra giẫm đạp. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, từ đó hành khách này buộc phải nộp tiền phí cho chúng để yên ổn làm ăn.
Như trường hợp anh Nguyễn Văn Th và chị Lê Thị M, trú ở xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng. Tháng 2-1997, để chở gần 1 khối gỗ từ Quảng Ninh về Tiên Lãng, họ theo xe về. Vì phải trả khách, xe ghé vào bến miền Tây.
Xe vừa dừng, Đặng Văn Tuấn, tức Nhã, cùng 5, 6 cửu vạn như thường lệ, xông lên xe, yêu cầu anh chị phải nộp 120.000 đồng.
Do đây là lần đầu tiên, cả hai chưa biết cái thứ “luật rừng” tai quái này, nên anh Th trình bày: “Chúng tôi về trong Tiên Lãng chứ không bốc hàng xuống ở đây”.
Tuấn sẵng giọng: “Đã vào đây thì phải nộp tiền, không bốc cũng phải nộp tiền. Nếu không nghe, chúng tao bốc hàng xuống. Muốn về Tiên Lãng, chúng tao lại bốc hàng lên. Mày phải trả hai lần tiền công.”
Không nghĩ có thứ “luật” này tồn tại, anh Th kiên quyết không cho bốc hàng xuống, thế là bọn Tuấn xúm lại, túm cổ, thi nhau đấm đá anh.
Để thoát khỏi trận đòn, anh phải chạy vào nhờ Ban quản lý bến xe ra can thiệp, nhưng chúng đều để ngoài tai.
Anh đành móc 20.000 đồng đưa cho chúng. Đến lúc này, Giám đốc Công ty TNHH miền Tây phải ra can thiệp.
Tưởng có thể yên, anh giục lái xe nổ máy chạy nhưng Tuấn vẫn túm cổ anh, ấn vào đầu xe để đồng bọn khám túi, lột nốt 70.000 đồng.
Tháng 2-1998, bà Mạc Thị Vui cùng vợ chồng người con gái là chị V và anh C từ Quảng Ninh về quê ăn tết. Họ chỉ mang theo hai túi du lịch nhỏ đựng quần áo.
Niềm vui được sum vầy với người thân chưa kịp, cả nhà đã gặp phải họa. Xe vừa vào bến xe miền Tây, Tuấn cùng đồng bọn lên xe, tự tiện xách hành lý của họ.
Trước sự phản đối của mẹ con bà Vui, chúng giằng lấy các túi du lịch rồi mở túi “kiểm tra”. Bà Vui ngăn lại. Chẳng thèm nể nang bà là người cao tuổi, lại là phụ nữ, Tuấn vừa chửi bới, vừa thẳng tay đấm luôn một phát vào mặt.
Thấy mẹ bị đánh, anh C xuống can ngăn nhưng bị cả bọn “đầu gấu” này xúm lại đấm đá túi bụi.
Chúng yêu cầu mẹ con bà Vui phải nộp phạt 250.000 đồng. Ban quản lý bến xe ra giải quyết hơn một tiếng đồng hồ nhưng Tuấn và đồng bọn vẫn không nghe. Mãi khi thấy bóng các đồng chí công an xuất hiện, Tuấn và đồng bọn mới chịu lặng lẽ tản đi...
Trên đây chỉ là một trong vài trường hợp vô số sự vụ cưỡng đoạt tài sản công dân do “Tổ bốc vác” của Nguyễn Văn Thông gây ra.
Không thể chịu nổi sự bất công đó, nhiều người đã mạnh dạn làm đơn tố cáo. Từ đây, những lá đơn liên tiếp được gửi về Ban chỉ huy Đội Công an đặc biệt H88.
Nhằm nhanh chóng xóa điểm nhức nhối này, Ban chỉ huy Đội cử một Tổ trinh sát đi xác minh nguồn tin. Qua nhiều ngày thu thập bằng chứng, các trinh sát đã chuyển những thông tin quan trọng về lãnh đạo Đội.
Từ đây, tháng 6-1998, Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP xác lập chuyên án trinh sát số 798H, lập kế hoạch đánh án.
Sau 2 tháng miệt mài bám sát hoạt động của từng đối tượng, ngày 16-8-1998, các trinh sát Đội H88 cùng với các điều tra viên thuộc Đội Hình sự 1- Cơ quan CSĐT được lệnh phá án.
Trong nháy mắt, 5 tên cầm đầu là: Nguyễn Văn Thông, sinh 1957, ở Cụm 10; Đặng Văn Tuấn, tức Nhã hoặc Nhãng, sinh 1963, ở Cụm 3; Phạm Văn Chính, sinh 1950, ở Cụm 2; Vũ Hữu Hùng, sinh 1968, Cụm 5 và Vũ Văn Thạch, sinh 1966, ở Cụm 9 cùng phường Quán Trữ, quận Kiến An, cùng những đối tượng liên quan đã bị tóm gọn.