Theo quan niệm của người dân địa phương, đã đến đền Và cầu lễ thì trước tiên phải rửa mặt, tay, chân và xin "nước thánh” tại miếu cô Chín giếng để cầu may mắn, bình an.
Thông thường, đi lễ tại miếu cô Chín giếng người dân thường chuẩn bị những mâm lễ mặn cùng vàng mã, cây tiền, cành vàng… Tùy vào tâm người khấn để chuẩn bị.
Hình ảnh người dân lễ bái và xin "nước thánh” tại miếu cô Chín giếng.
Chị Hoàng Mỹ Anh (tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, tôi đều đến đây trước khi vào lễ ở bên trong đền Và. Nếu không xin được nước ở giếng thần thì cảm thấy bứt rứt, không yên”.
Mặc dù nước giếng khá lạnh nhưng đến với đền Và nhiều người vẫn không ngần ngại xin cho được gầu "nước thánh” của “giếng thần” ở miếu cô Chín giếng để uống, rửa mặt mũi chân tay cho thanh thoát trước khi lễ trong đền Và.
Thậm chí còn lấy vài chiếc can nhựa để đựng "nước thánh” mang về nhà với mong muốn cho con cháu trong nhà đều được hưởng lộc thánh. Cũng từ đó mà nhiều người hốt bạc nhờ nghề bán can đựng "nước thánh”.
Theo tìm hiểu, trong dịp cao điểm lễ hội đầu năm, miếu cô Chín giếng và đền Và thu hút hàng nghìn lượt du khách. Trung bình mỗi ngày, một người có thể bán được hàng trăm chiếc can nhựa với giá 10.000 đồng/chiếc.
Chị Đào Thị Thu (Tỉnh Bắc Ninh) hồ hởi nói: “Đã sắm đồ vật đi lễ là cái gì cũng phải mới, việc bỏ ra 10.000 đồng mua 1 can đựng nước thánh là quá rẻ. Mà đi lễ thì mấy ai chuẩn bị sẵn can đựng nước từ nhà đâu, chưa kể những người mới lần đầu đến. Cứ cái gì tiện thì làm thôi”.
Việc vừa phải đi một quãng đường dài mệt mỏi, đến với miếu cô Chín giếng xin "nước thánh” để rửa mặt khiến nhiều người bỗng tỉnh táo, hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Chị Hà Thị Lan (Tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Tôi vừa đi quãng đường dài gần 300 km nên cảm thấy rất mệt mỏi. Tuy nhiên, sau khi rửa mặt bằng nước giếng tại miếu cô Chín, tôi cảm thấy tỉnh táo và hồi phục sức khỏe nhanh chóng”.
Hình ảnh miếu cô Chín giếng đông đúc, tấp nập người đến xin "nước thánh”.