Hợp tác giữa Alibaba và The CrownX: Không chỉ là 400 triệu USD

Thanh Xuân |

Mới đây, nhóm nhà đầu tư do tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) khởi xướng, đã rót 400 triệu đô la vào The CrownX và sở hữu 5,5 % cổ phần sau thương vụ. Đây là con số đáng kể, nhưng con số giá trị cộng hưởng tiềm năng từ việc mở rộng kết nối mà hai bên mang lại có lẽ còn vượt xa hơn nhiều.

Mạnh tay gọi vốn, tạo kết nối

Được biết, nhóm nhà đầu tư do tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) khởi xướng, đã rót 400 triệu đô la vào The CrownX, công ty quản lí phần vốn góp của tập đoàn Masan Group tại Công ty Masan Consumer Holdings (MCH, sở hữu 85,71%), Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM, sở hữu 92,8%).

Trong thương vụ này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (pre-money), tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng/cổ phiếu). Sau đợt rót vốn, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%, còn nhóm nhà đầu tư sở hữu 5,5%.

Số tiền 400 triệu đô và 5,5% cổ phần là con số đáng kể, nhưng con số giá trị cộng hưởng tiềm năng từ việc mở rộng kết nối mà hai bên mang lại có lẽ còn vượt xa hơn nhiều. 

Theo đó, các khoản thỏa thuận hợp tác thúc đẩy kinh doanh giữa hai bên cũng được chú ý không kém, khi nhóm nhà đầu tư mới có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và công nghệ, còn Masan đang sở hữu các công ty sản xuất hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng cũng như có hệ thống bán lẻ dẫn đầu thị phần tại Việt Nam.

Ở nhóm nhà đầu tư, tên tuổi đầu tiên đã quá nổi tiếng là tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba. Trên thực tế, tập đoàn này đã khởi động kế hoạch đầu tư ra toàn cầu từ 10 năm trước đây, với kỳ vọng vào tiềm năng thị trường bán lẻ ở địa phương. 

Có thể kể đến các thương vụ rót vốn 200 triệu USD vào Ấn Độ, đầu tư 2 tỷ USD vào trang thương mại điện tử Lazada (ở khu vực Đông Nam Á), 1,1 tỷ USD vào Tokopedia (Indonesia) và nhiều khoản đầu tư lớn vào các công ty bán lẻ khác nhau ở thị trường nội địa và quốc tế.

Nhà đầu tư thứ hai là Baring Private Equity Asia (BPEA) có lịch sử hoạt động 24 năm, hiện đang quản lý danh mục tài sản trị giá 23 tỷ USD và là một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất ở châu Á. 

Danh mục chủ yếu của nhóm này hướng đến việc tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan thông qua cách tiếp cận đầu tư bền vững. BPEA cũng được đánh giá là quỹ đầu tư giàu kinh nghiệm trong việc thúc đẩy chuyển đổi số ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Hợp tác giữa Alibaba và The CrownX: Không chỉ là 400 triệu USD - Ảnh 1.

Sản phẩm tại VinMart đáp ứng tiêu chí Tươi ngon thượng hạng.

Ở phía Masan, sau khi mua lại hệ thống chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart (sẽ đổi tên thành Winmart trong năm nay), thành quả tái cấu trúc hệ thống đang dần hiện rõ hơn khi biên lợi nhuận biên trở lại mức dương trong hai quý liên tiếp gần đây.

Do đó, đây cũng là thời điểm phù hợp để phát triển thêm mảng ghép quan trọng là thương mại điện tử cho chuỗi bán lẻ offline hiện dẫn đầu thị phần Việt Nam hiện nay. Trên thực tế, lãnh đạo của Masan cũng đã nhiều lần khẳng định, nhu yếu phẩm sẽ là ngành hàng chủ yếu để thúc đẩy chuyển đổi sang bán lẻ tích hợp O2O (từ offline đến online).

"Thay da đổi thịt" cho bán lẻ

Các thỏa thuận với nhóm nhà đầu tư mới có năng lực trong lĩnh vực chuyển đổi số bán lẻ trong thương vụ gần đây, được kỳ vọng sẽ giúp phát huy sức mạnh cốt lõi của các bên. Còn với Masan, tập đoàn đặt mục tiêu chung là "cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu hàng ngày chất lượng cho gần 100 triệu người Việt Nam với mức chi trả thấp hơn", tiềm năng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lớn hơn nữa.

Hợp tác giữa Alibaba và The CrownX: Không chỉ là 400 triệu USD - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Masan Group - Nguyễn Đăng Quang.

Dễ thấy nhất là việc bắt tay với Alibaba sẽ giúp VinCommerce (sở hữu hơn 2.500 điểm bán) dễ dàng tiếp cận 20 triệu người dùng trên Lazada, trang thương mại điện tử có thị phần đáng kể ở khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ riêng Việt Nam. Bên cạnh việc tăng doanh thu, lợi ích đáng kể thu về còn là mức độ hiểu biết khách hàng.

Một lợi thế khác là các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng của Masan sẽ có cơ hội "lên kệ" trực tuyến nhiều hơn, đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng về sản phẩm và giúp tiết kiệm đáng kể một khoản chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu hàng ngày, vì mua trực tuyến sẽ rẻ hơn là mua trực tiếp.

Hợp tác giữa Alibaba và The CrownX: Không chỉ là 400 triệu USD - Ảnh 3.

Masan sở hữu nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng được ưa chuộng.

Trên thực tế, khách hàng có xu hướng tăng tiêu dùng các sản phẩm nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử đang có xu hướng tăng lên, và được hỗ trợ thêm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. 

Theo báo cáo nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google, Bain và Temasek, người mua hàng đang ngày càng mua nhu yếu phẩm online nhiều hơn. Tỷ trọng của nhóm ngành hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm trong tổng giá trị hàng hóa (GMV) đã tăng từ mức 4% trong năm 2015 lên 11% trong năm 2020, dự kiến sẽ lên 15% vào năm 2025.

Nhìn ở góc độ xa hơn, việc phát triển các kênh trực tuyến dựa trên "những người khổng lồ" sẽ giúp Masan đi nhanh hơn trong mục tiêu kết nối trực tiếp với từng hộ gia đình. 

Việc kết nối trực tiếp có hai ưu điểm, một là giúp các hộ giảm chi tiêu nhờ giảm bớt các khâu trung gian trong mua sắm nhu yếu phẩm, hai là việc sở hữu các dữ liệu chi tiêu nhu yếu phẩm của hộ gia đình sẽ giúp Masan hiểu khách hàng nhiều hơn, từ đó dễ dàng đáp ứng thêm các nhu cầu khác về dịch vụ tài chính, thậm chí là giải trí. Mô hình kết hợp bán lẻ - tài chính cũng là mô hình mà Alibaba thành công rực rỡ ở thị trường quê nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại