Hiện nay trong căn bếp của các gia đình, bên cạnh những vật dụng cơ bản, có rất nhiều thiết bị hay đồ vật khác giúp bổ trợ thêm nhiều công việc khác nhau. Các loại hộp nhựa và lò vi sóng là những ví dụ điển hình nhất, và chúng có liên quan mật thiết tới nhau.
Cụ thể, hộp nhựa thường được người dùng sử dụng để cất đồ ăn, thực phẩm dư thừa, hoặc xuất hiện khi người dùng mua đồ tươi sống hoặc chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng. Sau khi được bảo quản trong tủ lạnh hoặc để ngoài nhiệt độ thường, nếu thực phẩm bị nguội, người dùng cần hâm nóng lại thì sẽ cho vào lò vi sóng để tiết kiệm thời gian và công sức.
Tuy nhiên, hộp nhựa có thật sự an toàn khi xử lý với nhiệt độ cao trong lò vi sóng? Đó cũng là băn khoăn của nhiều người.
Nhựa nào cho được vào lò vi sóng?
Trên thực tế, không chỉ có một loại nhựa. Để biết được hộp nhựa có phù hợp, an toàn khi cho vào lò vi sóng hay không, người dùng cần để ý kỹ về các ký hiệu được ghi trên hộp, thường là đáy hộp hoặc nắp hộp.
Cụ thể, bắt đầu từ năm 1980, các chuyên bắt đầu phân định rõ ràng 7 nhóm loại nhựa phổ biến trên, được sử dụng để sản xuất ra các loại hộp nhựa, chai, đồ dùng nhựa. Trong đó, loại nhựa được đánh giá là an toàn nhất, thân thiện khi tái chế, chịu được nhiệt độ cao là nhóm nhựa số 5.
Các đồ dùng được làm từ nhóm nhựa này thường được ký hiệu bằng số tương tự, có thể kèm theo ký hiệu PP - có nghĩa là Polypropylene. Đồ dùng từ nhựa số 5 có độ bền cao, chịu được nhiệt độ từ 130 - 170 độ C. Cũng theo Natural News, các loại chai, hộp được làm từ nhựa số 5 có thể an toàn khi dùng với lò vi sóng. Tuy nhiên chỉ nên hâm nóng trong thời gian khoảng 2 - 3 phút.
Bên cạnh nhựa số 5, người dùng cũng có thể chú ý đến ký hiệu khác cho thấy hộp nhựa dùng được cho lò vi sóng. Đó là ký hiệu trực tiếp của chiếc lò vi sóng được in trên hộp, hoặc loại nhựa được ghi BPA Free.
Những loại nhựa an toàn
Trong 7 nhóm nhựa, nhóm nhựa số 1,2 và 4 cũng được đánh giá là an toàn khi đựng thực phẩm hay nước uống. Song có một số đặc điểm đi kèm với các lưu ý riêng cần nhớ:
- Với nhựa nhóm số 1 (PET hoặc PETE (Polyethylene Terephthalate): Nhựa thuộc nhóm này nhẹ, trong suốt, có thể chịu được nhiệt độ cao, thường được dùng để làm nên các chai đồ uống đóng sẵn hay chai lọ đựng thực phẩm (nước sốt, tương, mật ong), hay có trong cả vải, quần áo, dây thừng...
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên quay đồ dùng từ nhựa số 1 trong lò vi sóng bởi trong quá trình xử lý, nó có thể thôi ra chất độc phải, ảnh hưởng tới thực phẩm.
- Với nhựa nhóm số 2 (HDPE): Nhóm nhựa số 2 thường xuất hiện trong chất liệu hộp sữa, chai chất tẩy rửa, lót hộp ngũ cốc, đồ chơi, các loại xô chậu hay ống cứng. Đặc điểm nổi bật của nhóm này là bền hơn, có tính chống độ ẩm và hóa chất. Chúng có thể cho được vào trong lò vi sóng ở công suất thấp, khoảng 800W.
Các loại chai, lọ ở nhóm nhựa số 2 khi được tái chế nên chú ý làm sạch kỹ. Bởi các chất bẩn còn sót lại trên chúng rất có thể biến chúng thành ổ khuẩn.
- Với nhựa nhóm số 4 (LDPE): Thực tế, nhựa LDPE tương tự như nhựa nhóm số 2 (HDPE), tuy nhiên mềm hơn. Nó thường được sử dụng phổ biến để sản xuất các hộp mì ăn liền, vỏ các loại bánh snack, bao bì đựng thực phẩm.
Loại nhựa này không nên cho vào lò vi sóng để hâm vì khi nóng lên, chúng có thể chảy nhựa, gây hại cho sức khỏe.
Đâu là nhựa không được khuyến khích sử dụng?
Trong 7 loại nhựa, còn 3 loại nhựa nữa là nhựa nhóm số 3, 6 và 7 được khuyên là tốt nhất nên tránh, hạn chế dùng. Mục đích là để bảo vệ sức khỏe cho người dùng cũng như bảo vệ môi trường.
Nhựa số 3 (PVC - Polyvinyl Chloride): Thực tế đây là loại nhựa quen thuộc, thường được sử dụng làm thành phần tạo nên màng bọc thực phẩm, các chai nước đóng sẵn hay đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, trong nhựa PVC thường chứa nhiều hợp chất phụ gia độc hại như phthalate, bisphenol A (BPA) và chất cản trở cháy.
Các chất này khi tiếp xúc với nhiệt độ cao có khả năng cao được giải phóng và thẩm thấu vào những thứ xung quanh như nước uống, thực phẩm. Bởi vậy tốt nhất nên hạn chế sử dụng loại nhựa số 3 này.
Nhựa số 6 (PS - Polystyrene): Tương tự như nhựa số 3, nhựa số 6 phổ biến dùng làm đĩa nhựa, ống hút hoặc đồ trang điểm. Song còn có 1 loại nhựa số 6 khác nữa ở dạng foam (xốp). Nó chứa hợp chất styrene - một chất có khả năng gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy nhựa số 6 tốt nhất vẫn không nên dùng thường xuyên, đặc biệt là để tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Nhựa số 7 (Polycarbonate và các loại nhựa khác không có số): Nhựa số 7 là loại nhựa cuối cùng trong danh sách các nhóm nhựa. Nó bao gồm nhiều loại nhựa khác nhau, thường được ký hiệu chung bằng số 7. Hoặc các đồ dùng nhựa không được ký hiệu, sẽ tự hiểu là được làm từ nhựa số 7.
Một số sản phẩm từ nhựa số 7 chứa BPA (bisphenol A). Đây là một hợp chất độc hại từng được liệt kê trong danh sách các chất đặc biệt nguy hiểm với sức khỏe con người. Nó chủ yếu có trong một loại sơn bảo quản, dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại thực phẩm, nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn.
Ngoài ra, BPA cũng rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp khác, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà... Chính bởi vậy, loại nhựa số 7 được các chuyên gia nhấn mạnh khuyến cáo không nên sử dụng để đựng thực phẩm, nước uống.
Tuy nhiên nếu người dùng thấy đồ dùng có ký hiệu nhựa số 7, nhưng lại kèm theo BPA Free, tức là loại nhựa này không chứa chất độc hại, có thể sử dụng an toàn.