Bao nhiêu người phải trả giá vì kế hoạch của Elon Musk?
Trong tất cả những thành tựu của Elon Musk – xe Tesla, tên lửa SpaceX, tiếp quản Twitter, kế hoạch đổ bộ Sao Hỏa – công ty chip não bí mật Neuralink của tỷ phú này được đánh giá là nguy hiểm nhất.
Neuralink dùng để làm gì? Trước mắt, công nghệ cấy chip não cho phép những người bị liệt như Noland Arbaugh, một thanh niên 29 tuổi đã chứng minh trong buổi phát trực tiếp gần đây rằng anh có thể di chuyển con trỏ máy tính bằng sức mạnh của trí óc - sau khi trở thành bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép của Neuralink. Nhưng đó không phải tất cả.
Ra mắt vào năm 2016, công ty tiết lộ vào năm 2019 rằng họ đã tạo ra những "sợi dây" linh hoạt có thể cấy vào não, cùng với một robot giống như máy may để thực hiện việc cấy ghép. Ý tưởng là những sợi dây này sẽ đọc tín hiệu từ não của bệnh nhân bị liệt và truyền dữ liệu đó đến iPhone hoặc máy tính, cho phép bệnh nhân điều khiển chỉ bằng suy nghĩ - không cần chạm, gõ hay vuốt.
Cho đến nay, Neuralink mới chỉ thực hiện thử nghiệm trên động vật. Nhưng vào tháng 5, công ty tuyên bố đã giành được sự chấp thuận của FDA để tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người.
Hiện công ty đang tuyển những tình nguyện viên bị liệt để bắt tay vào kế hoạch. Nếu công nghệ này hoạt động ở người, nó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Hiện có khoảng 5,4 triệu người đang sống chung với tình trạng tê liệt chỉ riêng ở Mỹ.
Nhưng giúp đỡ những người bị liệt không phải là mục tiêu cuối cùng của Musk. Đó chỉ là một bước trên con đường đạt được tham vọng dài hạn lớn hơn nhiều.
Tham vọng đó, theo cách nói của Musk, là "đạt được sự cộng sinh với trí tuệ nhân tạo". Mục tiêu của ông là phát triển một công nghệ giúp con người "hợp nhất với AI" để chúng ta không bị "bỏ lại phía sau" khi AI ngày càng tinh vi hơn.
Tầm nhìn viển vông này không phải là thứ mà FDA bật đèn xanh cho thử nghiệm trên người. Ngoài ra, công nghệ đi kèm với những rủi ro vô cùng lớn.
Các cựu nhân viên của Neuralink cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực cáo buộc công ty đã thúc đẩy một cách tiếp cận xâm lấn không cần thiết, tiềm ẩn nguy hiểm đối với các thiết bị cấy ghép có thể gây tổn thương não (điều được cho là đã xảy ra trên các đối tượng thử nghiệm trên động vật) để thúc đẩy mục tiêu hợp nhất với AI của Musk.
Ngoài ra còn có những rủi ro đạo đức đối với xã hội nói chung không chỉ dừng lại ở Neuralink. Một số công ty đang phát triển công nghệ cấy não người có thể giải mã những gì đang diễn ra trong tâm trí chúng ta và có khả năng làm xói mòn quyền riêng tư tinh thần cũng như tăng cường sự giám sát độc đoán.
Tại sao Elon Musk muốn hợp nhất bộ não con người với AI?
Neuralink là câu trả lời cho một nỗi sợ hãi lớn: AI sẽ thống trị thế giới.
Đây là nỗi sợ hãi ngày càng lan rộng trong các nhà lãnh đạo AI, những người lo rằng chúng ta có thể tạo ra những cỗ máy thông minh hơn con người và có khả năng đánh lừa và cuối cùng giành quyền kiểm soát nhân loại.
Vào tháng 3, nhiều người trong số đó, bao gồm cả Musk, đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng sáu tháng để phát triển các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của OpenAI.
Mặc dù Musk không đơn độc khi đưa ra cảnh báo về nguy hiểm do hệ thống AI gây ra, nhưng điểm khác biệt của ông với những người khác nằm ở kế hoạch tránh rủi ro. Kế hoạch đó chính là: "Nếu bạn không thể đánh bại thì hãy cộng hưởng với chúng".
Musk thấy trước một thế giới nơi các hệ thống AI có thể truyền đạt thông tin với tốc độ nghìn tỷ bit mỗi giây sẽ từ trên cao nhìn xuống con người nhỏ bé, những sinh vật chỉ có thể giao tiếp với tốc độ 39 bit mỗi giây. Đối với các hệ thống AI, chúng ta dường như vô dụng, ngoại trừ việc chúng ta trở nên giống như thế.
Theo quan điểm của Musk, một phần quan trọng trong đó là khả năng suy nghĩ và giao tiếp bằng với tốc độ của AI. "Chủ yếu là về băng thông, tốc độ kết nối giữa bộ não của bạn và phiên bản kỹ thuật số của chính bạn, đặc biệt là đầu ra," ông nói vào năm 2017.
Nửa chục năm trôi qua, có thể thấy rằng Musk vẫn bị ám ảnh bởi khái niệm băng thông - tốc độ mà máy tính có thể đọc thông tin từ não. Trên thực tế, chính ý tưởng này đã thúc đẩy Neuralink.
Thiết bị Neuralink là một thiết bị cấy ghép não, được trang bị 1.024 điện cực, có thể thu tín hiệu từ rất nhiều tế bào thần kinh. Bạn càng có nhiều điện cực, bạn càng có thể nghe được nhiều tế bào thần kinh hơn và bạn sẽ nhận được càng nhiều dữ liệu. Ngoài ra, bạn càng đến gần các nơ-ron đó thì dữ liệu của bạn sẽ càng có chất lượng cao hơn.
Thiết bị Neuralink tiến rất gần đến các tế bào thần kinh. Quy trình cấy ghép của công ty yêu cầu khoan một lỗ trên hộp sọ và xuyên qua não. Điều này gây ra những rủi ro lớn cho những người tham gia thử nghiệm.
Vì sao có những cách không xâm lấn tốt hơn để giải quyết vấn đề này mà Neuralink lại chọn cách cực đoan nhất? Theo Hirobumi Watanabe, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nội mạch của Neuralink vào năm 2018, nguyên nhân chính là do nỗi ám ảnh của công ty về việc tối đa hóa băng thông.
Watanabe nói: "Mục tiêu của Neuralink là tạo ra nhiều điện cực hơn, nhiều băng thông hơn, để sự kết hợp có thể làm được nhiều điều hơn những gì các công nghệ khác có thể làm".
Điều gì sẽ xảy ra nếu cách tiếp cận của Neuralink hoạt động quá tốt?
Nếu thiết bị cấy ghép băng thông cao mà Musk đang theo đuổi thực sự mở ra khả năng truy cập chưa từng có vào não người thì có những viễn cảnh còn đen tối hơn.
Một số nhà thần kinh học lập luận về khả năng bị lạm dụng là rất lớn và chúng ta cần sửa đổi luật quyền cá nhân để bảo vệ mình trước khi tiến lên phía trước.
Bộ não của chúng ta là biên giới cuối cùng về quyền riêng tư. Chúng là nơi chứa đựng bản sắc cá nhân và những suy nghĩ sâu sắc nhất của con người.
Các chuyên gia cũng lo lắng rằng các thiết bị như Neuralink chế tạo có thể dễ bị hack. Điều gì xảy ra nếu ai đó thay đổi các tín hiệu đến não để khiến bạn mất ý chí hoặc tuân thủ hơn?
Các nhà đạo đức học thần kinh gọi đó là trò hack não. "Đây vẫn chỉ là giả thuyết, nhưng khả năng này đã được chứng minh trong các nghiên cứu. Một vụ hack như thế sẽ không đòi hỏi nhiều sự phức tạp về mặt công nghệ", nhà thần kinh học Marcello Ienca nói với VOX.
Cuối cùng, hãy xét đến vấn đề tâm lý và ý thức bản thân có thể bị gián đoạn như thế nào do việc áp dụng giao diện não – máy tính (BCI).
Trong một nghiên cứu, một phụ nữ bị động kinh được cấy BCI đã cảm thấy có sự cộng sinh triệt để đến mức cô nói: "Nó đã trở thành tôi". Sau này, công ty cấy thiết bị phá sản và cô buộc phải tháo nó ra. Cô ấy khóc và cho rằng: "Tôi đã đánh mất chính mình".
Để tránh nguy cơ về một AI toàn năng giả định trong tương lai, Musk muốn tạo ra sự cộng sinh giữa bộ não và máy móc. Nhưng sự cộng sinh này tự tạo ra những rủi ro rất thực tế - và chúng ta hiện đang phải gánh chịu những rủi ro đó.