Họp bí mật: Mỹ "lôi kéo" Brazil can thiệp quân sự Venezuela nhưng kế hoạch khó thành?

Quốc Vinh |

Mỹ, Colombia và Brazil đang bị cáo buộc tiến hành một cuộc xâm lược quân sự ở Venezuela, tuy nhiên đã có làn sóng phản đối nội bộ diễn ra.

Brazil có muốn góp phần?

Caracas đang cáo buộc Mỹ, Colombia và Brazil âm mưu tiến hành một cuộc xâm lược quân sự ở Venezuela. Bình luận về điều này, chuyên gia Paulo Velasco từ Trung tâm Quan hệ Quốc tế Brazil (CEBRI) cho rằng, Brasilia hoàn toàn có khả năng cân nhắc tham gia vào một động thái như vậy.

"Theo Hiến pháp Brazil, Tổng thống Jair Messias Bolsonaro, có quyền tuyên chiến", nhà nghiên cứu Paulo Velasco cho hay. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng điều này trở thành thực tế khi quân đội Brazil có thể không đồng ý một giải pháp liều lĩnh như vậy.

Vào ngày 15/4, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez đã cáo buộc các quan chức Mỹ, Brazil và Colombia đang xem xét kế hoạch tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào nước này.

"Cộng đồng quốc tế và các cơ quan hợp pháp đa phương phải biết rằng một kế hoạch tội ác đang được tiến hành để tấn công quân sự Venezuela!", bà Rodriguez viết trên Twitter hồi đầu tuần.

Trước đó, vào ngày 8/4, Tổng thống Bolsonaro nói với kênh phát thanh Jovem Pan Radio về việc ông đã làm việc với Chính phủ Mỹ để thúc đẩy làn sóng chống đối trong quân đội Venezuela, nói thêm rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược quân sự ở Venezuela, ông sẽ tham khảo ý kiến ​​của Hội đồng Quốc phòng và Quốc hội liên quan đến những bước đi ông nên làm.

"Chúng tôi không thể cho phép Venezuela trở thành một Cuba hoặc Triều Tiên mới", Tổng thống Brazil nói.

Theo nhà nghiên cứu Velasco, tuyên bố của ông Bolsonaro đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Caracas.

Học giả nhấn mạnh rằng, lập trường hiện tại của Brazil mâu thuẫn với tư tưởng chính trị mà đất nước đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua. Theo Velasco, Brazil luôn là quốc gia ủng hộ sự ổn định ở Nam bán cầu và đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, bất chấp quan điểm của Tổng thống, quân đội của đất nước Brazil, mà đáng chú ý nhất là tiếng nói của Phó Tổng thống Hamilton Mourao - một tướng quân đội nghỉ hưu - không phải lúc nào cũng chia sẻ tầm nhìn chiến lược của ông Bolsonaro.

Sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Pence vào ngày 8/4, Mourao nói với các phóng viên rằng, cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và loại trừ sự can thiệp của quân đội.

Trước đó, vào ngày 13/3, tờ Financial Times dẫn lời ông Mourao nhấn mạnh, Brasilia đã tìm kiếm một "lối ra thương lượng" cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Truyền thông trong nước gọi Phó Tổng thống Brazil là "một trong những nhân vật quyền lực nhất trong nội các của Jair Bolsonaro".

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Brazil, ông Fernando Azevedo, nhấn mạnh "Brazil thiên về ngoại giao" trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 17/3.

"Khi Mourao lên tiếng, ông ấy đã thay mặt cho quân đội, những người không muốn can thiệp vào Venezuela", chuyên gia Velasco nêu quan điểm. "Họ sẽ không thu được gì từ việc này. Cùng với nguy cơ tổn thất vật chất và thương vong, quân đội sẽ không nhận được bất kỳ khoản lợi tức nào từ một chiến dịch ở Venezuela".

Học giả này cho rằng, Tổng thống Bolsonaro sẽ cố gắng né tránh một cuộc đối đầu chính trị với các tướng lĩnh Brazil. Nói cách khác, một tuyên bố chiến tranh với Venezuela là không thể, mặc dù một số ý kiến trong nội các của tổng thống đang kêu gọi một sự can thiệp quân sự.

Cuộc họp bí mật của CSIS và kế hoạch mới của Lầu Năm Góc

Họp bí mật: Mỹ lôi kéo Brazil can thiệp quân sự Venezuela nhưng kế hoạch khó thành? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo tự xưng Juan Guaido đang được Mỹ hậu thuẫn.

Những lo ngại gần đây của Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez có thể xuất phát từ thông tin được công bố bởi The Grayzone, một trang web điều tra, về một cuộc họp bí mật giữa Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và các quan chức cấp cao từ Mỹ, Colombia và Brazil. Cuộc họp được cho là đã diễn ra vào ngày 10/4 và giấu kín trước truyền thông.

Trang web này đã đưa ra danh sách những người tham gia hội nghị thượng đỉnh bí mật, tập trung vào "các lựa chọn quân sự ở Venezuela", theo Sarah Baumunk, một cộng tác viên nghiên cứu tại Chương trình Châu Mỹ của CSIS, người có mặt tại cuộc họp.

"Cuộc họp của CSIS về 'Đánh giá việc sử dụng lực lượng quân sự ở Venezuela' cho thấy chính quyền Trump đang nghiên cứu các lựa chọn quân sự nghiêm túc hơn trước, có thể vì thất vọng với việc mọi giải pháp khác của họ đã thất bại trong mục tiêu hạ bệ Maduro", cây bút Max Blumenthal của The Grayzone cho biết. Blumenthal là một nhà báo từng đoạt giải thưởng và là tác giả của một số cuốn sách.

Về phần mình, CNN hôm 15/4 cũng hé lộ về việc Lầu Năm Góc đang nghiền ngẫm các lựa chọn quân sự mới chống lại Caracas. Trích dẫn một quan chức quốc phòng giấu tên am hiểu với vấn đề này, hãng tin lưu ý rằng nỗ lực này nhằm "ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, Cuba và Trung Quốc bên trong chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro".

Venezuela bị kéo vào một cuộc khủng hoảng chính trị vào ngày 23/1 khi Mỹ vội vã công nhận Juan Guaido – người tự xưng là tổng thống – là nhà lãnh đạo của Venezuela. Động thái của Washington đã nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh.

Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác tiếp tục ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro – người được bầu một cách hợp pháp ở quốc gia Mỹ Latinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại