Hồng Nhung: 14 tuổi vái Tổ nghề cho nghệ sĩ tiền bối khan tiếng để được lên hát

Hương Hương |

Dù ca ngọt như mía lùi và nhan sắc không thua ai nhưng em gái "ông hoàng cải lương Hồ Quảng" Vũ Linh lại có một cuộc đời không rực sáng như anh trai và đời tư nhiều cay đắng...

Bị anh trai ngăn cản đi hát

Nhà Vũ Linh có sáu chị em. Người chị lớn mất năm 4 tuổi. Người anh thứ hai cũng qua đời khi còn rất trẻ ở tuổi 18. Người anh thứ tư ra đi năm 2002, chỉ còn ba anh em là Vũ Linh, Hồng Nhung và người em út Tiểu Linh.

Hồng Nhung từ nhỏ đã ca hay hát ngọt. Khi Vũ Linh trở thành kép chính ở đoàn Sơn Minh – Quang Phục, anh thường mang tuồng về nhà tập. Hồng Nhung thấy kịch bản lén xem rồi nghêu ngao hát. Hàng xóm ai cũng khen cô có chất giọng và "xúi" theo nghề anh Ngoan (tên thật của Vũ Linh).

Đi học, vào mỗi thứ Bảy hàng tuần có chương trình văn nghệ, một mình Hồng Nhung đứng lên hát từ khi chương trình bắt đầu tới lúc kết thúc.

Nghe tiếng hát cao vút lại ngọt như mía lùi, ai cũng tấm tắc "em Võ Văn Ngoan có khác". Nghe thế, Hồng Nhung sướng lắm... vì cô cũng rất chịu khó "ôm hình" của anh Vũ Linh tới trường khoe với chúng bạn "anh mình là ca sĩ".

Hồi đó, Vũ Linh hát rất nhiều đoàn và thường xuyên đi tỉnh. Mỗi lần mẹ đi thăm, Hồng Nhung lại được dẫn đi theo.

Năm Hồng Nhung 13 tuổi, mẹ quyết định cho cô đi học đờn ca tài tử. Khi biết mẹ có ý định để Hồng Nhung theo chân mình làm nghề, Vũ Linh lập tức phản đối - dù bản thân anh vì mê hát cải lương mà kiếm cớ nghỉ học, trốn cha mẹ làm nghề.

Hồng Nhung: 14 tuổi vái Tổ nghề cho nghệ sĩ tiền bối khan tiếng để được lên hát - Ảnh 1.

Hai anh em nghệ sĩ cải lương Vũ Linh - Hồng Nhung thời trẻ.

Nghệ sĩ hát cải lương ngày đó cuộc sống vô cùng vất vả, nay đây mai đó, ăn đình ngủ chùa. Có khi trải chiếu xuống đất hoặc mắc võng trên cây... để ngủ. Vì quá thương em gái nên Vũ Linh không muốn Hồng Nhung dấn thân vào "con đường khổ".

Nhưng mọi chuyện trong nhà đều do mẹ quyết định dẫu có phản đối thì Vũ Linh cũng không thay đổi được gì. Khi Hồng Nhung theo nghề, chính Vũ Linh lại là người đứng ra sắm sửa cho em gái từng chiếc áo dài, từng thỏi son hộp phấn.

Có lẽ định mệnh của Hồng Nhung là phải theo con đường này và trở thành cô đào nức tiếng một thời ở các đoàn hát miền Tây.

Vái ông Tổ cho "chị Ngọc Đáng" khan tiếng để được lên hát...

Nếu Sài Gòn có đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long thì An Giang lúc đó nổi tiếng nhất là đoàn Khánh Hồng, cũng là đoàn Vũ Linh đang hát và dắt Hồng Nhung theo.

Lúc đó, nghệ sĩ Ngọc Đáng đang là đào chính và cũng là phó chủ nhiệm đoàn. Hồng Nhung còn nhỏ nên chỉ hát những vai nhỏ nhưng trong lòng lúc nào cũng mộng được hát đào chính.

Vì thế, vai nào của Ngọc Đáng, Hồng Nhung cũng lặng lẽ nhẩm học và thuộc như cháo chảy từng lời ca tiếng hát. Thậm chí, cô còn bắt chước từng động tác, nét diễn của đàn chị.

Lần ấy, nghệ sĩ Ngọc Đáng đi công tác, Hồng Nhung được cho hát thế vai Quách Hải Thọ trong tuồng "Bao Công tra án Quách Què".

Khi hát được vai Quách Hải Thọ, mỗi lần đoàn diễn tuồng này, cô bé 14 tuổi Hồng Nhung lại ngây thơ khấn trước bàn thờ Tổ nghiệp: "Ông Tổ thương con, tối nay hát Bao Công tra án Quách Què, con muốn hát Quách Hải Thọ. Ông Tổ làm sao cho chị Đáng bệnh hay khan tiếng để con được hát".

Nhưng không cần Tổ nghiệp phải "ra tay", nghệ sĩ Ngọc Đáng thấy Hồng Nhung ca hay, diễn tốt vai Quách Hải Thọ nên chị giao luôn vai này cho em gái Vũ Linh.

Hồng Nhung: 14 tuổi vái Tổ nghề cho nghệ sĩ tiền bối khan tiếng để được lên hát - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Hồng Nhung vẫn rất trẻ trung ở tuổi 50.

Một trong những tuồng ăn khách thời đó của đoàn An Giang Khánh Hồng là "Máu nhuộn bến đò xưa". Trong vở này, Vũ Linh vào vai người em trai của vị tướng làm phản Vũ Thanh.

Tính Vũ Linh vốn ham chơi. Dẫu đang hát ở tỉnh xa nhưng hễ vào dịp Noel hay ngày lễ là anh tìm cách về thành phố đi chơi với đám bạn. Thấy em gái hát được vai Quách Hải Thọ, Vũ Linh mạnh dạn giao luôn vai này cho cô.

Nghệ sĩ Hồng Nhung nhớ lại: "Những vai khác của chị Ngọc Đáng tôi vẫn hát nhưng duy nhất tuồng Lưu Kim Đính, dù rất thích nhưng tôi không hát được vì cây thương quá lớn. Tôi lại quá nhỏ, không cầm múa được.

Học vũ đạo cũng thế, tôi đều đứng trong cánh gà học lóm chị Ngọc Đáng. Chị Đáng hát sâu sắc và hay lắm. Tôi bị ảnh hưởng cách diễn của chị ấy rất nhiều, chỉ có giọng ca là của mình. Sau này, nhiều anh chị em đồng nghiệp đều nói "Hồng Nhung hát giống chị Ngọc Đáng".

Sau hai năm ở đoàn An Giang Khánh Hồng, Hồng Nhung còn hát ở nhiều đoàn khác như Cửu Long, Tiếng ca sông Cửu, Phù Sa, Sao Ngàn Phương và cuối cùng là Huỳnh Long. Hát một thời gian ở đoàn Huỳnh Long thì Hồng Nhung ngưng và đi hát quán nghệ sĩ nhưng bị anh trai Vũ Linh gọi về.

Sau này cải lương thoái trào, Hồng Nhung rất ít đi hát. Đổi lại, chị xuất hiện nhiều hơn trên phim truyền hình qua vai trò một diễn viên. Dù là những vai rất nhỏ, ít phân đoạn nhưng chị diễn vai nào ngọt vai đó và để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng người xem.

Hồng Nhung: 14 tuổi vái Tổ nghề cho nghệ sĩ tiền bối khan tiếng để được lên hát - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Hồng Nhung và con gái ca sĩ Hồng Phượng

Hồng Nhung từng một lần lỡ dở với nghệ sĩ Quang Minh sau khi sinh cô con gái đầu lòng Hồng Phượng. Sau này, chị cũng mở lòng đón nhận hai người đàn ông khác nhưng đều có duyên không nợ. 

Ở tuổi ngoài 50, nghệ sĩ Hồng Nhung cảm thấy an vui với cuộc sống hiện tại cùng con gái. Mong mỏi lớn nhất của chị là Hồng Phượng sớm kết hôn để chị có cháu ẵm bồng khi còn sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại