Lời tòa soạn: Đặc trưng cho mối quan hệ cha mẹ và con cái khoẻ mạnh là sự ấm áp, nhưng trong nhiều gia đình, nó thiếu vắng hoàn toàn. Có thể vì cha mẹ chìm đắm trong nỗi bất hạnh của đời mình, có thể vì họ cho rằng đòn vọt khắc nghiệt là cần thiết để đứa trẻ "cứng cáp khi vào đời", có thể vì nghĩa vụ làm cha mẹ được hiểu trên hết là nghĩa vụ kiếm tiền, làm giàu, chứ không phải đáp ứng nhu cầu tinh thần của trẻ. Dù có nguồn cơn gì, những đứa trẻ bị bỏ rơi mang theo mình những tác động tiêu cực lâu dài. Mời các bạn đọc những phân tích của tác giả Đặng Hoàng Giang, trích từ cuốn "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ", Nhã Nam mới phát hành.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi
(Trích "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ", Nhã Nam phát hành, 2020)
Điều gì nói lên chất lượng của mối quan hệ cha mẹ và con cái, điều gì là đặc tính của một gia đình khoẻ mạnh, một môi trường nuôi dưỡng trẻ lành mạnh? Theo nhà tâm lý học người Mỹ, Ronald P. Rohner, đó là sự ấm áp (warmth). Và sự ấm áp này, ông nhấn mạnh, phải nằm ở cảm nhận của đứa trẻ, chứ không phải chỉ ở đánh giá hay niềm tin của cha mẹ. Bố mẹ có thể cho rằng cư xử của họ với con là "bình thường," quan hệ trong gia đình là "ổn," thậm chí "tốt đẹp," trong khi đứa trẻ lặng lẽ đau khổ.
Rohner đặt các gia đình trên một giải tần. Ở cực bên này, cực của sự ấm áp, đứa trẻ nhận được sự thương yêu, chăm sóc, an ủi, quan tâm, hỗ trợ, nuôi dưỡng thể chất và tinh thần từ cha mẹ hoặc người chăm sóc chính của chúng.
Cực bên kia được đánh dấu bởi sự thiếu vắng những cảm xúc và hành vi nêu trên. Ở cực đó, Rohner nhận thấy cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể rơi vào ba trường hợp: lạnh lùng và cục cằn (họ không có sự gần gũi về cơ thể với trẻ nhỏ, như ôm ấp, vuốt ve, họ không khen ngợi, động viên, khích lệ và nói những lời dễ chịu); dữ dằn và độc địa (họ đập, tát, quật, họ chế giễu, lăng nhục, chửi mắng, dùng ngôn từ gây tổn thương); thờ ơ và bỏ mặc (họ vắng bóng trong cuộc sống của trẻ, về mặt vật lý cũng như về mặt tinh thần, không quan tâm tới thế giới của đứa trẻ, không phản ứng trước các nhu cầu tình cảm của nó).
Những hành vi và thái độ tiêu cực nêu trên có thể xảy ra với bất cứ cha mẹ nào, bởi không có ai là hoàn hảo, nhưng chúng là ngoại lệ ở những gia đình lành mạnh và là thông lệ ở những gia đình độc hại.
Hồng Linh (tên một số nhân vật trong sách) là một trường hợp điển hình của bị thờ ơ và bỏ mặc. Cô được ba chu cấp tiền, nhưng tương tác giữa hai người chỉ dừng lại ở đó. Trong căn nhà của người bác, nơi cô ở nhờ, cô như vô hình.
Hà An là một trường hợp của cả bị lạnh lùng và bỏ mặc. Mẹ cô dè bỉu những mơ ước của cô, "Có ích cho cộng đồng làm ... gì". Cô đói tình cảm tới mức việc được mẹ rủ hai chị em đi ăn tối trở thành một sự kiện quan trọng.
Tương tự, Phương Anh chưa bao giờ được âu yếm, vuốt ve, cô chỉ nhận được những lời tổn thương nhất từ mẹ, và lủi thủi một mình, mỗi ngày đi học về "cứ đứng ở cửa nhìn người qua lại, ánh mắt vô hồn". Sự thiếu vắng tình cảm ấm áp thậm chí có thể được cảm nhận ở mức thể chất. "Giữa mùa hè mà nhà tôi lạnh như một cái nhà hoang" (Phương Anh). "Tết nhưng nhà tôi lạnh lẽo như nhà mồ" (Hồng Linh).
Neglect (bỏ rơi, sao nhãng, lơ là) được các nhà tâm lý học coi là một dạng của ngược đãi tinh thần (psychological maltreatment). Rất khó để người ngoài phát hiện ra - nó không để lại những vết tím bầm trên thân thể, đứa trẻ vẫn được đi học, được ăn uống - nhưng tác động tâm lý của nó vô cùng to lớn và thường để lại những hậu quả lâu dài.
Mỗi người sinh ra đều có nhu cầu tình cảm nhận được những phản hồi tích cực từ những cá nhân quan trọng nhất đối với mình, cụ thể là từ cha mẹ. Khi bé, nhu cầu này bao gồm mong muốn được bảo vệ, che chở, chăm chút. Lớn lên, nhu cầu này được mở rộng, bao gồm mong muốn được dõi theo, dìu dắt, an ủi, tôn trọng, lắng nghe, công nhận, được trao cho không gian để nảy nở bản thể của mình. Nếu như sự thiếu dinh dưỡng triền miên dẫn tới những thiếu hụt trong phát triển thể chất, thì khi những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, đứa trẻ lớn lên với những vấn đề tâm lý.
Bị đeo đuổi thường trực bởi cảm giác chông chênh, bất an và thiếu thốn, đứa trẻ có thể phản ứng theo hai hướng. Nó có thể trở thành một người thiếu khả năng đứng độc lập, mà luôn đeo bám, cảnh giác, lo lắng, thường xuyên cần được nghe người khác cam kết là sẽ không bỏ rơi mà vẫn không tin tưởng họ. Người ở dạng này tạo áp lực lớn cho những người thân xung quanh (bạn đời, con cái), khiến họ cảm thấy ngạt thở.
Hoặc đứa trẻ chôn vùi mong muốn được gần gũi và yêu thương, dựng lên một hàng rào phòng thủ để bảo vệ mình trước nỗi đau đến từ sự thất vọng, do các nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, và trở thành người thiếu cởi mở trong cảm xúc. Lớn lên, bản thân chúng có nguy cơ trở thành những bạn đời và cha mẹ lạnh lẽo, khó gần người khác và khó để người khác lại gần.
Có thể quan sát được rất nhiều yếu tố bên trên trong ba cô gái Phương Anh, Hồng Linh và Hà An, những người lớn lên trong một thế giới vắng bóng người lớn, cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tìm tới những cuộc tình ngắn ngủi như một sự chạy trốn, khoả lấp, nhưng Hồng Linh lờ mờ cảm nhận được vấn đề của mình - cô không biết cách tạo dựng những quan hệ khoẻ mạnh. "Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác." Rohner diễn đạt tương tự, "những cá nhân bị bỏ rơi gặp khó khăn để biểu đạt tình yêu và không biết cách đón nhận nó từ người khác."
Hồng Linh xây dựng cho mình một thế giới quan chua chát. Thật đáng buồn khi một cô gái mười bảy tuổi cho rằng thật tốt khi lần mất trinh của cô "không có gì đáng nhớ," bởi "nếu nó đặc biệt và tuyệt vời thì có nguy cơ là bạn sẽ kỳ vọng quá nhiều vào cuộc sống sau này".
Phương Anh cũng tìm cách giết chết những cảm xúc bên trong của mình, và trở thành "chai lỳ, trơ lỳ, đến mức không thể khóc được nữa". Cô hiểu cái giá của sự chai sạn và tự thương xót bản thân. "Đến cả cái cách giải toả con người nhất mình cũng không làm được." Có nhan sắc, hoạt ngôn, thông minh, nhiều năng lượng, nhưng cô lại sống trong sự dè chừng, cảnh giác. "Tôi đã cố thủ từ bé tới lớn, tới mức tôi quên mất mình đang làm vậy, để không ai làm đau được mình".
Vừa thèm được tựa vào ai đó, cô vừa sợ họ bỏ đi. Đánh giá của cô về hoàn cảnh khắc nghiệt của mình vô cùng chính xác, cô thấy mình "giống cái cây bị thiếu chất dinh dưỡng". Dưới bề mặt mà xã hội có thể đánh giá là "hư hỏng" (chửi tục, rượu bia, hút cần vô độ, ngủ lang, cãi nhau với mẹ), có sự trong trẻo và hướng thiện của một người trẻ đang cố gắng "ăn vào toàn cái xấu nhưng phải lọc ra cái tốt".
May mắn cho Phương Anh, trong những cố gắng chống chọi hàng ngày để giữ phẩm giá của mình, cô có những người bạn thương yêu, những giáo viên thấu hiểu. Nhưng trong môi trường độc hại này, liệu cô sẽ bị suy sụp? Trong buổi gặp cuối của chúng tôi, trước khi bản thảo này được khép lại, cô kể về việc bị bạn trai của mẹ, một người cô vốn rất quý mến, tấn công tình dục. Lúc đó, lần đầu tôi nhìn thấy sự tuyệt vọng trong mắt cô. "Vì sao những chuyện này lại cứ đến với tôi," dường như cô tự hỏi, "vì sao lại cứ là tôi?".
Trẻ em có xu hướng tiếp quản cái nhìn của người thân về bản thân, nó không có hệ quy chiếu nào khác, do đó những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ cho rằng chúng vô giá trị, người chăm sóc cư xử như vậy với chúng bởi chúng không xứng đáng để được yêu thương, thậm chí không xứng đáng để được tồn tại, và mọi thứ tồi tệ xẩy ra là do lỗi của chúng.
Điều này lý giải vì sao dù học giỏi, hiểu biết, năng động, đi đây đi đó nhiều, nhưng Hà An vẫn mang theo mình đầy mặc cảm về giá trị của bản thân.
Nỗi lo sợ bị bỏ rơi do mình "tầm thường" khiến cô vừa rụt rè trong các quan hệ xã hội vừa lăn xả vào quan hệ khác giới như một người đói khát, bỏ qua các nguyên tắc đạo đức của bản thân. Cả cô cũng gặp khó khăn để thể hiện tình yêu thương.
Cô không thể chia sẻ, an ủi ba khi bà nội mất, vì bản thân "không bao giờ được ôm ấp cả". Cô lao vào các hoạt động xã hội, nhưng rồi đều thấy chúng vô nghĩa, chúng không làm cô thấy đầy đủ, trọn vẹn. Cái cô thiếu nằm ở chỗ khác. Sự trống rỗng bên trong đẩy cô vào một cuộc khủng hoảng, quay lưng lại với trường đại học như một cuộc chạy trốn mà không biết trốn đi đâu.
Cuộc sống khiến cô gái hai mươi tuổi này kiệt sức, không phải vì những thiếu thốn vật chất hay những vất vả thể chất, mà bởi cô lớn lên trong sự thiếu hụt chăm sóc tinh thần, trong sự lẻ loi và trống vắng không ngừng nghỉ.
Theo một nghiên cứu của Đại học California, nỗi đau của việc bị chối bỏ có những biểu hiện vật lý rõ ràng. Khi người ta có cảm nhận mình bị bỏ rơi, khước từ, một số vùng nhất định của não bộ, cụ thể là vành cung vỏ não trước trán và một phần của thuỳ trán, cũng được kích hoạt, giống như ở những người đang chịu đau đớn vật lý.
Chấn thương tinh thần lâu dài ở tuổi thơ có thể tác động khiến cấu trúc và chức năng của não bộ thay đổi, và dẫn tới rủi ro cao cho chảy máu não ở tuổi già. Trẻ nhỏ thiếu sự ấm áp từ người chăm sóc khi lớn lên cũng thường có hồi hải mã nhỏ hơn. Vùng não bộ này quan trọng cho trí nhớ, sự điều hoà cảm xúc, điều chế stress, những yếu tố quan trọng cho việc thích ứng tâm lý và xã hội.
Do đó, chúng thường thiếu sự dẻo dai tinh thần, sự bình tĩnh và cân bằng về cảm xúc để đối mặt với những sóng gió trong cuộc đời. Thêm nữa, trải nghiệm tuổi thơ cằn cỗi của chúng thường dẫn tới một thế giới quan tiêu cực, trong đó đầy những mối nguy và những điều có thể gây tổn thương.
Chúng nhìn thấy mối đe doạ, sự tấn công, nguy cơ bị hắt hủi, ở những tình huống mà người khác không nhìn thấy.
Điều này khiến khi lớn lên chúng khó có những quan hệ khoẻ mạnh, cân bằng, hài hoà, cởi mở với bạn đời và con cái - sự lạnh lùng, bỏ mặc hay độc địa có nguy cơ được được truyền tới thế hệ tiếp theo.
Và kể cả khi sau này chúng có địa vị, ảnh hưởng trong xã hội, "thành công" trong nghề nghiệp, nếu như không được chữa lành, một lúc nào đó khủng hoảng và trầm cảm có thể bùng nổ, khi một sự kiện trong cuộc đời khiến vết thương trong lòng lại vỡ ra, đau đớn.