Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) là một trong những người đi bỏ phiếu sớm nhất trong ngày hôm nay, SCMP cho hay. Đây là cuộc bầu cử công khai đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra tại đặc khu này hồi tháng 6 vừa qua.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: K. Y. Cheng
Chỉ mới tuần trước, Hong Kong vẫn đang chìm trong hỗn loạn và bạo lực. Sau rất nhiều nỗ lực và lời kêu gọi của giới chức địa phương, ngày hôm nay, nhiều người trẻ tuổi cũng đã tham gia bỏ phiếu.
Hơn 600 điểm bỏ phiếu địa phương bắt đầu mở cửa từ 7h30' sáng và sẽ đóng cửa vào 10h30' tối nay (theo giờ Hong Kong). Nhiều cử tri đã trật tự xếp thành hàng dài trước các địa điểm này để chờ đợi đến lượt mình thực hiện quyền công dân, SCMP cho biết.
Số phiếu đăng ký kỷ lục của cử tri Hong Kong được ghi nhận trong ngày hôm nay là 4,1 triệu người. Chỉ từ 7h30' - 9h30' sáng nay, đã có khoảng 430.000 người đi bỏ phiếu, theo SCMP. Được biết, tỷ lệ bỏ phiếu trong 2 giờ đầu tiên đã cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2015 - khi đó chỉ có 120.000 người, tương đương 3,85%, người dân đi bỏ phiếu.
Những lá phiếu ngày hôm nay của người dân Hong Kong sẽ bầu ra các ủy viên hội đồng của 18 quận - những người xử lý các vấn đề ở cấp quận như giao thông và các công trình công cộng.
Người dân Hong Kong đi xếp hàng từ sớm để thực hiện nghĩa vụ công dân. Ảnh: May Tse
Người Hong Kong kêu gọi nhau đi bỏ phiếu sớm
Theo SCMP, các cuộc biểu tình này còn được xem là thước đo sự ủng hộ đối với chính quyền đặc khu và phong trào biểu tình chống chính quyền Hong Kong.
Do lo sợ những "tình huống khẩn cấp" có thể khiến các điểm bỏ phiếu đóng cửa và chốt phiếu sớm, nhiều người dân Hong Kong đã kêu gọi nhau đi bỏ phiếu sớm.
Trước những tin đồn này, Văn phòng phụ trách Bầu cử đã nhanh chóng phát thông cáo, nêu rõ rằng trong trường hợp khẩn cấp, việc bỏ phiếu tại những địa điểm bị ảnh hưởng sẽ bị gián đoạn trong 90 phút, hoặc bị hoãn lại cho đến ngày 1/12.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ tuổi đã quyết định đi bỏ phiếu sớm.
Một cử tri 21 tuổi họ Kwan đi bỏ phiếu lần đầu, cho biết người này đã có mặt tại điểm bỏ phiếu tại trường THCS Sha Tin vào lúc 7h45' sáng nay. "Tôi đã dậy sớm hơn rất nhiều so với ngày cuối tuần bình thường để đi bỏ phiếu, vì nhiều người đồn rằng điểm bỏ phiếu sẽ bị đóng cửa vào lúc 11 giờ sáng", Kwan nói.
Evan Wong Leung-fung, 23 tuổi, một cư dân ở Tai Kok Tsui, cũng nêu lí do tương tự:
"Tôi đã dậy từ rất sớm để thực hiện nghĩa vụ với tư cách là công dân Hong Kong, và tôi đã lựa chọn đi đến điểm bỏ phiếu vì có những tin đồn rằng những nơi xảy ra hỗn loạn sẽ buộc phải đóng cửa sớm, và chỉ những lá phiếu hợp lệ trước thời điểm đóng cửa mới được tính. Mặc dù chính quyền đã có thông cáo, nhưng tôi vẫn đi bỏ phiếu sớm cho chắc chắn", người này nói.
Người dân Hong Kong xếp hàng dài tại điểm bỏ phiếu. Ảnh: SCMP/May Tse
Hong Kong yên ắng sau chuỗi ngày hỗn loạn
Ông Tung Chee-hwa (Đổng Kiến Hoa), Đặc khu trưởng đầu tiên của Hong Kong sau khi đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc, đã kêu gọi các công dân sử dụng lá phiếu của mình để phản đối hành vi của "những kẻ bạo loạn".
"Trong những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến những công dân dũng cảm cùng nhau dọn dẹp đường phố", ông Tung phát biểu tại một điểm bỏ phiếu ở trung tâm thành phố. "Cho dù lý do là gì, những kẻ bạo loạn không được phép phá hủy Hong Kong, vì vậy chúng ta cần tiếp tục nói 'không' với những kẻ đó", cựu Đặc khu trưởng nhấn mạnh.
Vào lúc 7h25' sáng nay, khoảng 50 cử tri đã xếp hàng chờ đợi phía bên ngoài điểm bỏ phiếu ở trường THCS Sha Tin.
Một công chức 47 tuổi họ Ng đã có mặt tại địa điểm này cùng vợ mình từ lúc 6h45' sáng. Ông cho biết mình ủng hộ phe dân chủ, nhưng từ chối tiết lộ lựa chọn của mình: "Ủng hộ dân chủ có nghĩa là đồng tình với một số người biểu tình, nhưng cá nhân tôi không ủng hộ việc sử dụng các biện pháp cực đoan nhằm đạt được mục tiêu".
Ảnh: Winson Wong
Tại Tai Kok Tsui, gần 300 người đã xếp hàng phía bên ngoài CLB Người Cao tuổi Island Harbourview.
Còn ở khu vực trung tâm, khoảng 50 người - hầu hết là những người lớn tuổi - đã có mặt từ sớm trước điểm bỏ phiếu ở Trung tâm Thể thao Công viên Hong Kong.
Phóng viên của SCMP đã chứng kiến ít nhất 5 sĩ quan cảnh sát chống bạo động tuần tra trong khu vực này.
Các cuộc bầu cử địa phương diễn ra khi cuộc khủng hoảng biểu tình ở Hong Kong bước vào tháng thứ 6, và được coi là một cuộc trưng cầu dân ý về cách chính quyền xử lý tình trạng bất ổn và lập trường của các đồng minh.
Lực lượng cảnh sát có các biện pháp để đảm bảo cuộc bầu cử địa phương diễn ra suôn sẻ. Hôm thứ 6 vừa qua (23/11), tân cảnh sát trưởng Đặc khu Hong Kong Chris Tang Ping-keung (Đặng Bình Cường) đã khẳng định rằng lực lượng cảnh sát sẽ triển khai đủ nhân lực để bảo vệ các điểm bỏ phiếu.
Một nguồn tin cảnh sát cấp cao tiết lộ với SCMP rằng gần như toàn bộ các sĩ quan cảnh sát Hong Kong (31.000 người) đều phải báo cáo nhiệm vụ trong ngày bầu cử, bất kể họ thuộc sư đoàn nào. Đặc biệt, 3.000 cảnh sát chống bạo động và điều tra viên luôn ở trong tư thế sẵn sàng.