Người đại lục trở về
Trong mùa hè vừa qua, Rebecca Wen - một bà mẹ người Thâm Quyến - đã đưa ra một quyết định quan trọng. Ba năm trở lại đây, Wen thường xuyên đi qua trạm kiểm soát Lo Wu để đưa con trai đến trường mẫu giáo ở Hong Kong. Tuy nhiên, những tháng biểu tình liên tiếp ở thành phố này khiến Wen thay đổi.
Wen lo ngại cái mà cô này cho là "định kiến từ sách giáo khoa và giáo viên đối với đại lục" sẽ ảnh hưởng không tốt tới con trai.
Vì vậy, Wen quyết định không cho con theo học tại Tai Po - một trường tiểu học thuộc top đầu Hong Kong - và quay trở lại học một trường tư ở Thâm Quyến.
Trường hợp của Wen không phải là duy nhất. Trước khi biểu tình nổ ra, hàng ngày vẫn có gần 30.000 học sinh ở Thâm Quyến tới học tại các trường ở Hong Kong.
Hiện tượng này đã bắt đầu từ những năm 1980 và tiếp tục tới ngày nay giữa bối cảnh nhiều người đại lục kết hôn với người Hong Kong.
Theo luật của Hong Kong, trẻ em sinh ra tại thành phố sẽ theo học tại các trường Hong Kong, thậm chí kể cả khi những công dân này sinh sống tại đại lục.
Mặc dù không có con số chính thức, nhưng truyền thông và báo chí Trung Quốc cho biết số học sinh đại lục tới Hong Kong nhập học đã giảm mạnh từ học kì năm nay.
Các nhà quan sát cho biết các phụ huynh đại lục quyết định cho con trở về bởi vì nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt phải kể tới sự phân hóa xã hội ngày càng gia tăng, lo ngại về ảnh hưởng của sự phân hóa đối với sự phát triển của học sinh và những giá trị được trường học Hong Kong truyền thụ.
He Wen, một chuyên gia về vấn đề Hong Kong tại Viện Nghiên cứu Đông Á Thượng Hải, cho biết: "Hong Kong có hệ thống chính trị và giáo dục khác biệt. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đại lục không chấp nhận được việc một số trường ở Hong Kong khuyến khích thế hệ trẻ theo quan điểm không ưa Trung Quốc".
Quan ngại về ảnh hưởng của biểu tình đối với học sinh đã bắt đầu thể hiện rõ nét sau khi Hong Kong công bố báo cáo hồi tháng 9. Theo khảo sát 168 trường học, hơn 40% học sinh cho biết gặp các vấn đề về tâm lí liên quan tới các cuộc biểu tình phản đối chính quyền. Khoảng 6% các trường học cho biết có những vụ bắt nạt học sinh vì vấn đề biểu tình.
Đại diện của cơ quan quản lý Hong Kong nói: "Chúng tôi kịch liệt phản đối đem các đòi hỏi chính trị vào môi trường sư phạm".
Chính trị trong giáo dục
Yang Hui, một bà mẹ có 2 con ở Thâm Quyến, đồng ý rằng giáo dục ở Hong Kong rất tốt nhưng cô vẫn lo ngại về sự phân hóa chính trị.
"Hầu hết các giáo viên đều giữ quan điểm trung lập, nhưng một số người rất cực đoan và tôi lo ngại các con của tôi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực", Yang nói.
Theo Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), hệ thống giáo dục ở Hong Kong được đánh giá cao hơn đại lục. Nghiên cứu nhóm tuổi từ 15-24 cho thấy, Hong Kong xếp hạng 15 trong khi đại lục chỉ xếp hạng 39 trong tổng số 50 nền kinh tế được khảo sát.
Nghiên cứu cũng chỉ ra các trường học ở Hong Kong giúp phát triển các kĩ năng tương lai cho học sinh, bao gồm lãnh đạo, khởi nghiệp, sáng tạo, giao tiếp, nhận thức toàn cầu, kĩ năng giáo dục công dân cũng như kĩ năng kỹ thuật số.
Nền giáo dục Hong Kong cũng hấp dẫn đối với một số phụ huynh đại lục không thể đưa con đi học tại Thâm Quyến.
Hệ thống nhập học tại đại lục phụ thuộc lớn vào hệ thống "hộ khẩu". Những học sinh không có hộ khẩu Thâm Quyến, bao gồm những em sinh ra ở Hong Kong, sẽ không được ưu tiên học tại các trường trong thành phố.
Hệ thống trường học ở Thâm Quyến đang quá tải, chỉ có 344 trường tiểu học cho 13 triệu người trong khi Quảng Châu có 961 trường tiểu học cho 15 triệu người.
Tuy vậy, vẫn còn những yếu tố khác khiến phụ huynh đại lục cho con quay trở lại từ Hong Kong. Một chuyên gia cho rằng: "Thị trường việc làm ở đại lục lớn hơn, ngành giáo dục đã phát triển với rất nhiều trường tư và trường quốc tế trong hơn 20 năm qua, và các trường đại học Trung Quốc có những chương trình không có ở Hong Kong".