Theo Reuters, người biểu tình Hồng Kông đang tìm cách chuyển hướng từ chống lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi sang phản đối "chính sách quản lý sai lầm của chính quyền đặc khu".
Cuộc biểu tình mới nhất được lên kế hoạch tại thị trấn Sheung Shui, sau khi làn sóng biểu tình bùng phát thành bạo lực nổ ra gần tòa nhà Hội đồng Lập pháp (LegCo) đầu tháng này khiến hàng chục người bị thương và bị bắt.
Hàng triệu người đã tham gia vào các cuộc biểu tình trên đường phố vào ngày 1-7, trong đó rất đong người xông vào LegCo để yêu cầu bãi bỏ dự luật dẫn độ cho phép chuyển nghi phạm hình sự ở Hồng Kông tới Trung Quốc để hầu tòa.
Các nhà phê bình coi dự luật là mối đe dọa đối với luật pháp Hồng Kông. Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đình chỉ dự luật vào tháng trước do vấp phải sự phản đối dữ dội. Trong tuần này, bà tuyên bố dự luật đã "chết".
Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong và xung quanh khu thương mại trung tâm của Hồng Kông. Thời gian gần đây, họ chuyển địa bàn sang các vùng lãnh thổ ít ghi nhận hoạt động chính trị, bao gồm thị trấn Sheung Shui. Người biểu tình cũng tập trung vào các vấn đề nội bộ nhiều hơn.
Cuối tuần trước, gần 2.000 người đã tuần hành ở khu dân cư Tuen Mun để phản đối những phụ nữ trung niên Trung Quốc "hát và nhảy bằng tiếng Quan Thoại", bị cư dân địa phương xem là phiền toái.
Trọng tâm biểu tình ngày 13-7 lại được chuyển từ trung tâm đặc khu tới thị trấn Sheung Shui, gần biên giới Trung Quốc. Đây là nơi các thương nhân đại lục mua một lượng lớn hàng hóa miễn thuế, sau đó đưa vào Trung Quốc để bán kiếm lời.
Thương nhân đại lục từ lâu bị cáo buộc thúc đẩy lạm phát, trốn thuế, gây ảnh hưởng thị trấn và khiến giá bất động sản tăng đột biến. Ông Jimmy Sham đến từ Mặt trận Dân quyền bình luận: "Nếu các vấn đề chính trị không được giải quyết thì các vấn đề an sinh xã hội sẽ tiếp tục xuất hiện, kéo dài vô tận".
Những người biểu tình đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình khác vào ngày 14-7, tại thị trấn Sha Tin thuộc Tân Giới, giáp biên giới Trung Quốc.