Hồng Kông: Kêu gọi cách ly toàn bộ thú cưng của bệnh nhân Covid-19

Minh Hạnh |

Chó, mèo và các động vật có vú khác thuộc sở hữu của bệnh nhân Covid-19 cần phải bị cách ly 14 ngày để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh dịch. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Hồng Kông ghi nhận trường hợp một chú chó nhà dương tính với nCoV.

Cách ly thú cưng của bệnh nhân Covid-19

Bác sĩ Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu phòng Bệnh truyền nhiễm, thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khoẻ Hồng Kông cho biết: theo quy định trước đó, thân nhân của bệnh nhân mắc Covid-19 có thể giúp chăm sóc thú cưng của người nhiễm bệnh nếu họ không sống cùng bệnh nhân, và không cần tự cách ly.

“Tuy nhiên kể từ bây giờ, để đề phòng, chúng tôi sẽ yêu cầu các bệnh nhân Covid-19 giao chó, mèo, thú cưng cho Cục Nông, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD) để cách ly”, bác sĩ Chuang nói.

Trước đó, các bác sĩ thú y ở Hồng Kông đã kêu gọi người dân bình tĩnh, sau khi một chú chó nhà được phát hiện dương tính với nCoV. Chủ nhân chú chó và người giúp việc đều được xác nhận mắc Covid-19.

Để đảm bảo an toàn, chú chó sẽ bị cách ly 14 ngày tại một cơ sở bảo tồn động vật thuộc AFCD.

AFCD cho biết trong một tuyên bố, rằng hiện chưa rõ chú chó nhà nói trên thực sự mắc Covid-19, hay chỉ cho kết quả dương tính vì có vi khuẩn trong mũi, miệng.

Vì các mẫu xét nghiệm được lấy từ dịch mũi, miệng của chú chó, không phải xét nghiệm máu.

AFCD khẳng định chú chó dù “dương tính yếu” với nCoV, nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, và cũng không có bằng chứng cho thấy thú cưng có thể lây Covid-19, hoặc có thể là nguồn truyền bệnh cho người.

Hồng Kông: Kêu gọi cách ly toàn bộ thú cưng của bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 2.

Chú chó được chủ bọc kín bằng túi nilon khi đi dạo ở Trung Quốc. Ảnh: WeChat

Chó, mèo khó có khả năng nhiễm nCoV

Bác sĩ Michael Bradley từ Trung tâm thú y Stanley cho biết khả năng các loại thú cưng như chó, mèo nhiễm nCoV là rất thấp, vì rất ít loại virus có thể lây chéo giữa các loài động vật.

"Không cần phải hoảng sợ. Vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus có thể lây nhiễm cho chó, mèo hoặc các vật nuôi khác”, ông Bradley nói. “Có thể chú chó bị nhiễm virus do ô nhiễm môi trường. Một con chó có thể là vật mang virus giống như mọi thứ khác, ví dụ khăn giấy.”

Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp, cũng nhấn mạnh mặc dù có kết quả dương tính, nhưng điều đó không có nghĩa là chú chó đã bị nhiễm bệnh.

“Có thể những giọt chất lỏng từ chủ nhân mắc Covid-19 đã dính lên cơ thể chú chó. Chưa có bằng chứng cho thấy chó có thể nhiễm hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars), hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) hoặc Covid-19.”

Bác sĩ Bradley đề nghị chủ vật nuôi liên tục tiến hành các bước vệ sinh cơ bản sau khi chạm vào thú cưng, đặc biệt là rửa tay và tránh những khu vực đông đúc khi dắt chó đi dạo.

Bác sĩ Florence Chan, thư ký Uỷ ban Điều hành Hiệp hội Thú y Hồng Kông (HKVA) thậm chí còn khuyên chủ vật nuôi rửa chân cho thú cưng bằng xà phòng khi từ ngoài đường trở về nhà, hoặc đi giày cho thú cưng để đảm bảo vệ sinh.

Xem thêm các tin tức về dịch COVID-19 tại đây.

Hồng Kông: Kêu gọi cách ly toàn bộ thú cưng của bệnh nhân Covid-19 - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại