Tính đến cuối tuần vừa qua, cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông đã bước vào tuần thứ 10. Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát cũng đang leo thang. Giới phân tích cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp phải thách thức lớn nhất về dân ý kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2012 và hiện nay ông hầu như không có lựa chọn tốt nào cho vấn đề Hồng Kông.
Tình hình bế bắc, căng thẳng leo thang
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bắt đầu bùng phát xoay quanh tranh luận về việc sửa đổi luật dẫn độ tội phạm hình sự và xung đột hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hôm qua ngày 12/7, hàng nghìn người biểu tình tập trung ở sân bay quốc tế Hồng Kông khiến mọi chuyến bay đến và đi đều bị hủy. Sáng nay 13/7, Trưởng đặc khu Carrie Lam đã tổ chức họp báo kêu gọi người biểu tình kiềm chế, cảnh báo hành động của người biểu tình đang đẩy đặc khu xuống vực thẳm cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của đặc khu.
Tuy nhiên, bà Lam cũng né tránh các câu hỏi liên quan đến khả năng xóa bỏ hoàn toàn luật dẫn độ hoặc từ chức theo yêu cầu của người biểu tình.
Trong khi đó, Bắc Kinh liên tục đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về tình hình Hồng Kông. Mới nhất, ngày 12/8, người phát ngôn báo chí Văn phòng sự vụ Hồng Kông-Ma Cau Dương Quang đã lên án hành động ném bom xăng vào cảnh sát và coi đây là dấu hiệu "khủng bố".
Làn sóng biểu tình lan rộng khiến sân bay quốc tế Hồng Kông bị tê liệt. Ảnh: AFP
"Những ngày vừa qua, người biểu tình cực đoan ở Hồng Kông đã nhiều lần tấn công cảnh sát bằng những công cụ vô cùng nguy hiểm, hành động này đã cấu thành tội bạo lực nghiêm trọng và bắt đầu cho thấy dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố", ông Dương nói.
Trả lời VOA (Mỹ), ông Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc, Học viện châu Á - châu Phi thuộc Đại học London (Anh) cho rằng, nếu tình hình tại Hồng Kông tiếp tục leo thang, đến cuối cùng nó có thể gây ra hậu quả khủng khiếp giống như một "tai nạn tàu hỏa".
Mọi lựa chọn đều tồn tại rủi ro
Theo VOA, trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh có một số biện pháp giải quyết tình hình nhưng hầu như mỗi lựa chọn đều tồn tại rủi ro.
Lựa chọn thứ nhất chính là nhượng bộ, đáp ứng yêu cầu của người biểu tình. Ông Steve Tsang cho rằng, nếu Bắc Kinh đáp ứng nhu cầu của người biểu tình thì các cuộc biểu tình sẽ tự động kết thúc nhưng cách làm này có thể khiến người dân đại lục hiểu sai.
Ông Willy Lam, Đại học Hồng Kông trả lời phỏng vấn AP cũng nhận định, Bắc Kinh lo lắng, nếu đáp ứng yêu cầu của người biểu tình Hồng Kông thì các thành phố khác ở Trung Quốc cũng có thể xuất hiện những hoạt động tương tự.
Ngay từ thời điểm các cuộc biểu tình đầu tiên xuất hiện, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ Trưởng đặc khu Carrie Lam và chính quyền Hồng Kông thực thi chính sách theo pháp luật nhằm duy trì ổn định và thịnh vượng của đặc khu.
Lựa chọn thứ hai chính là can thiệp quân sự. Trong bối cảnh các cuộc biểu tình leo thang tại Hồng Kông, Bắc Kinh cũng đã phát đi những tín hiệu chỉ trích, cảnh cáo mạnh mẽ hơn.
Vào ngày 12/8, Bắc Kinh nói rằng Hồng Kông "đã bắt đầu có dấu hiệu khủng bố".
Vào ngày 7/8, Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông - Macau Trương Hiểu Minh phát biểu, một số hành vi trong các cuộc biểu tình và bạo lực gần đây ở Hồng Kông đã thách thức nghiêm trọng lằn ranh nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và hoạt động này có những đặc điểm của một "cuộc cách mạng màu".
Ngày 6/8, khoảng 12.000 cảnh sát Trung Quốc đã tham gia diễn tập chống bạo động ở Thâm Quyến, đáng chú ý là "nhóm người biểu tình" tham gia diễn tập mang trang phục tương tự với người biểu tình ở Hồng Kông trong trang phục đen, mũ bảo hộ và khẩu trang.
Trước đó, quân đồn trú PLA ở Hồng Kông cũng đã tiến hành diễn tập, sẵn sàng cho các tình huống đối phó khẩn cấp. Vào ngày 1/8, PLA đã đăng tải video tuyên truyền đầy kịch tính về diễn tập chống bạo động bằng tiếng Quảng Đông với lời răn đe đối phương "sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả".
Ông Steve Tsang cho biết: "Về vấn đề Hồng Kông, sự can thiệp quân sự luôn luôn có khả năng xảy ra. Điều này cũng được ghi rõ trong Luật cơ bản Hồng Kông. Chính phủ Trung Quốc cũng đã nói rõ rằng, nếu phải đi tới bước cuối cùng thì đó là điều không thể tránh khỏi, họ sẽ sử dụng vũ lực. Hiện tại chính phủ Trung Quốc có xu hướng không sử dụng vũ lực nhưng họ chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực".
Xe bọc thép của cảnh sát Trung Quốc được cho tập kết tại Thâm Quyến tham gia diễn tập trong bối cảnh căng thẳng Hồng Kông leo tháng. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu
Một điều khoản của Luật cơ bản Hồng Kông quy định rằng quân đội đồn trú PLA tại Hồng Kông có thể can thiệp để duy trì trật tự theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Theo một điều khoản khác, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc (tức Quốc hội) có thể đánh giá và tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Hồng Kông, sau đó lực lượng đồn trú PLA có thể thực hiện các nhiệm vụ mang tính quốc gia tại Hồng Kông theo quy định của Quốc vụ viện.
Tuy nhiên, sự can thiệp của quân đội sẽ hủy hoại vị thế là trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông. Có lẽ hậu quả của sự can thiệp quân sự đã khiến chính phủ Trung Quốc xem xét kỹ lưỡng. Ông Tsang nói: "Nếu chính quyền Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Hồng Kông, điều này sẽ phá hủy các nguyên tắc cơ bản như một trung tâm tài chính của Hồng Kông".
Cũng có ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc can thiệp quân sự vào Hồng Kông, đặc khu này sẽ đánh mất quyền tự trị, các công ty quốc tế tại Hồng Kông sẽ di dời trụ sở đến địa điểm mới như như Singapore.
Can thiệp quân sự cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ eo biển Đài Loan và Mỹ.
Ngoài việc ảnh hưởng đến Hồng Kông, sự can thiệp quân sự cũng sẽ ảnh hưởng đến hy vọng thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh và làm suy yếu mối quan hệ với nhiều quốc gia như phương Tây như Mỹ.
Washington Post hồi đầu tháng 8 dẫn lời ông Hoàng Khuê Bác, Viện phó Học viện các vấn đề quốc tế, Đại học chính trị Đài Loan nhận định, ông Tập Cận Bình sẽ rất miễn cưỡng sử dụng vũ lực đối với vấn đề Hồng Kông vì nó sẽ làm suy yếu sự hòa giải thống nhất Đài Loan.
Theo VOA, Đài Loan sẽ tổ chức cuộc bầu cử địa phương vào tháng 1 năm sau và Bắc Kinh không muốn thấy bà Thái Anh Văn - người phản đối Đồng thuận chung 1992 tiếp tục liên nhiệm nhưng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông dường như có lợi cho cuộc tranh cử của bà.
Ông Tập Cận Bình từng nhấn mạnh sau khi thống nhất sẽ áp dụng giải pháp "một quốc gia, hai chế độ" - chính sách đang thực hiện ở Hồng Kông - với Đài Loan. Do đó, trong bối cảnh hiện này, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông sẽ chỉ tăng cường sự phản đối của Đài Loan đối với mô hình này.
Lựa chọn thứ ba, Bắc Kinh tiếp tục kiềm chế, đợi hoạt động biểu tình tự kết thúc.
Ông Ben Bland, Giám đốc dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy, Australia cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg và CNBC rằng, sự lựa chọn hiện tại của chính phủ Trung Quốc sẽ không phải là một sự can thiệp hay nhượng bộ, mà là chờ đợi sự tan rã tự nhiên của các cuộc biểu tình.
Ông này nói: "Lựa chọn duy nhất bây giờ [của Bắc Kinh] là chờ đợi các cuộc biểu tình tự kết thúc nhưng điều này vẫn chưa xảy ra. Tình hình hiện nay khiến chính phủ Bắc Kinh, chính quyền Hồng Kông và những người quan tâm đến tương lai của Hồng Kông đều cảm thấy lo lắng".
Ông Bland nói rằng Bắc Kinh thực sự đang chờ đợi với hy vọng tranh thủ sự ủng hộ của những người phản đối biểu tình trước những bất tiện do hoạt động biểu tình gây ra như chiếm lĩnh sân bay, làm gián đoạn giao thông.
Giới quan sát cho rằng, ngày 1/10 tới đây là một ngày quan trọng đối với Bắc Kinh bởi đó là ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc có kế hoạch tổ chức một lễ kỷ niệm quy mô lớn. Điều này có thể sẽ tác động đến quyết sách của Bắc Kinh về Hồng Kông.