Theo đó, năm 2015, VEAM nhận 2.677 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận từ Honda, cao gấp gần 4 lần so với năm 2014. Đối với Toyota, con số thu về là 678 tỷ đồng, cao gấp rưỡi năm trước.
Trong năm 2015, tổng lợi nhuận, cổ tức mà VEAM nhận được từ toàn bộ các công ty liên kết là 3.391 tỷ đồng thì riêng khoản thu từ Honda và Toyota là 3.355 tỷ đồng, chiếm 99%.
So với các năm trước, cổ tức năm nay tăng vọt khi năm 2014 VEAM thu về 1.120 tỷ đồng còn năm 2013 chỉ là 367 tỷ đồng.
Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa VEAM theo hình thức kết hợp, vừa bán một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ VEAM sau cổ phần hóa sẽ là 13.288 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 51%, bán ưu đãi cho người lao động 0,43%, nhà đầu tư chiến lược sở hữu 36% và còn lại 12,57% bán đấu giá công khai ra ngoài doanh nghiệp.
Để phục vụ cổ phần hóa, Bộ Công Thương đã ra quyết định xác định lại giá trị của VEAM. Theo đó, việc ghi nhận giá trị tài sản mới đã làm tăng tổng Tài sản và tổng Nguồn vốn tại ngày 31/12/2015 lên hơn 7.000 tỷ đồng.
Trong đó, 2 khoản được điều chỉnh tăng lớn nhất chính là khoản đầu tư vào Honda và Toyota.
VEAM hiện đang sở hữu 30% vốn tại Honda, giá gốc 253 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi định giá, khoản đầu tư này được xác định là 5.120 tỷ đồng (tăng 20 lần). Như vậy, giá trị 100% cổ phần của Honda Việt Nam khoảng trên 17.000 tỷ đồng.
Còn đối với Toyota, VEAM sở hữu 20%, giá trị được xác định lại tăng từ 108 tỷ đồng lên 819 tỷ đồng (gấp 7,5 lần). Như vậy Toyota Việt Nam có giá trị khoảng 4.100 tỷ đồng.