Vừa qua, Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã công bố doanh số các mẫu xe tại thị trường Việt Nam. Đối với phân khúc SUV/CUV hạng C, Mazda CX-5 đã quay trở lại với bục cao nhất với 332 xe được bán ra. Trong khi đó, người đồng hương là Honda CR-V lại xếp hạng 2 với 330 xe được giao tới khách hàng, tức là kém Mazda CX-5 chỉ 2 xe.
Khi doanh số trong tháng 9 này vẫn là một điều chưa thể nói trước, Honda CR-V vẫn còn nguyên những điểm vượt trội, là một lợi thế to lớn để Honda CR-V cạnh tranh ngôi đầu với Mazda CX-5.
Nhìn vào các trang bị vận hành, có thể nhận thấy rằng Honda đang hướng mẫu CUV hạng C của mình về cảm nhận thể thao. Dễ thấy nhất chính là lẫy chuyển số thể thao sau vô lăng. Với nguồn gốc từ các mẫu xe đua F1, lẫy chuyển số sau vô lăng giúp người lái chuyển số nhanh và tiện hơn, không cần phải rời tay khỏi vô lăng.
Bên cạnh đó là khối động cơ 1.5L tăng áp sử dụng công nghệ VTEC của Honda. Khối động cơ này tuy có ‘số ngựa’ tương đương với Mazda CX-5 nhưng điểm khác biệt lại tới từ đặc tính của động cơ tăng áp: số mô-men xoắn lớn tại dải tua máy thấp. Thật vậy, khối động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng của Honda CR-V cho ra tới 240Nm mô-men xoắn ở dải vòng tua từ 2000 vòng/phút tới 5000 vòng/phút.
Đi cùng khối động cơ tăng áp là hộp số vô cấp CVT, khác với hộp số 6 cấp tự động của Mazda CX-5. So với các hộp số có cấp, các puli trong hộp số CVT có thể thay đổi tỷ số truyền rất mượt mà, mang tới lợi thế khi di chuyển trong phố.
Thêm vào đó, cấu hình 5+2 chỗ ngồi và cửa sổ trời toàn cảnh cũng là các tính năng tiện nghi rất hợp với phong cách di chuyển nội đô. Trong khi cấu hình 5+2 chỗ làm tăng tính thực dụng thì cửa sổ trời toàn cảnh kéo dài tới hàng ghế thứ 2 mang tới cảm giác rộng rãi, thoáng đãng.