Ảnh minh họa.
Theo quan niệm dân gian, những ngày đầu năm, mọi người thường tránh đi bệnh viện để khám, chữa bệnh. Thậm chí, ngay cả việc đến các cửa hàng thuốc để mua thuốc cũng kiêng kỵ.
Thông tin trên trang của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, nhắc về kỷ niệm ngày Tết, ngoài những ca trực bận rộn hay thời khắc giao thừa hân hoan tập trung ThS. BSNT Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm nhớ mãi một câu chuyện buồn.
Một trường hợp tương tự cũng đã rước họa bản thân chỉ vì tâm lý e ngại kiêng kỵ “xông đất” bệnh viện đầu năm, anh C.V.H - người nhà bệnh nhân chia sẻ, bệnh nhân vốn nghiện rượu và mắc bệnh xơ gan từ lâu. Trong những ngày tết bệnh lại càng nặng thêm, vì uống rượu nhiều.
Nhưng do kiêng không đi bệnh viện những ngày đầu năm, nên mùng 6 đưa vào viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, bị hôn mê sâu và tình trạng sức khỏe rất xấu. Giá mà bệnh nhân được đưa vào bệnh viện sớm hơn thì tình trạng đã không trầm trọng đến vậy.
Các bữa tiệc tùng ngày Tết gói trọn trong chén rượu, cốc bia ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cánh màu râu, đặc biệt là người có bệnh lý về gan.
Theo nhận định của ThS. BSNT Trần Tiến Tùng, việc người bệnh và gia đình không đánh giá đúng tình trạng bệnh và cố chờ hết Tết mới đi khám là rất nguy hiểm.
Việc không được thăm khám kịp thời khiến bệnh trở nên trầm trọng, nguy cơ biến chứng cao, gây khó khăn cho quá trình điều trị, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Có bệnh, tuyệt đối không được nấn ná qua Tết
Thời tiết Đông - Xuân là thời điểm lưu hành nhiều bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa do vi rút. Ngoài ra, việc ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu, đi du xuân trong thời tiết giá lạnh cũng khiến cơ thể dễ bị các chứng bệnh cấp tính như viêm dạ dày, ngộ độc rượu, ngộ độc thức ăn, cảm lạnh...
Ngoài các chứng bệnh cấp tính, trong những ngày xuân, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu… nếu không kiểm soát tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có nguy cơ khiến bệnh trở nặng.
Mâm cao cỗ đầy ngày Tết được coi là "khắc tinh" với người mắc bệnh mạn tính.
Việc kiêng kỵ ngày Tết khi có bệnh không đi khám là điều không nên bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị, nhất là khi mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp, sốt xuất huyết,...
Điều đáng nói, không ít gia đình thường chuẩn bị sẵn kháng sinh trong nhà, cứ thấy hắt hơi, sổ mũi, đau họng hay bụng ậm ạch... là uống, tình trạng này kéo dài không có tham vấn của bác sĩ bệnh không những không khỏi mà còn gây hại cho cơ thể.
Để tránh việc "hối hận thì đã muộn" do ngại đến bệnh viện, các chuyên gia y tế khuyến cáo khi đau ốm không được tự ý dùng thuốc tại nhà hoặc kiêng khám đầu năm mà nên đến cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị kịp thời.
Tết an yên là khi sức khỏe đong đầy
Ông bà ta có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, tuy nhiên trong xã hội hiện đại, chúng ta không nhất thiết phải áp dụng một cách quá cứng nhắc, nhất là đối với sức khỏe.
Theo khuyến cáo của ThS. BSNT Trần Tiến Tùng, Xuân Quý Mão với nhiều mong ước và hy vọng, để hiện thực hóa được những dự định trong năm mới thì sức khỏe là điều mà chúng ta cần ưu tiên hơn hết.
Do vậy, bên cạnh những cuộc vui ngày xuân, chúng ta cũng đừng quên theo dõi sức khỏe của bản thân và gia đình.
Bất cứ khi nào phát hiện các dấu hiệu khác thường, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.